Con đường của một nhà ngoại giao
|
Ông Kofi Annan là Tổng thư ký thứ bảy của LHQ (nhận hiệm vụ từ năm 1997-2006) và là người da màu đầu tiên nắm giữ vị trí này. |
Theo thông báo từ gia đình, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kofi Annan đã qua đời ở tuổi 80 vào ngày 18/8 sau một trận ốm.
Tổ chức LHQ đã dành lời tưởng nhớ trang trọng dành cho ông: “Ông là người cam kết sâu sắc với chủ nghĩa toàn cầu, dành cả sự nghiệp đấu tranh cho một thế giới hòa bình, công bằng hơn”.
“Ở bất cứ nơi nào còn cần giúp đỡ, ông tìm đến và dành sự thấu cảm chạm đến trái tim những người trong hoàn cảnh khó khăn. Ông đặt người khác lên trước bản thân mình, thể hiện lòng tốt, sự tử tế trong tất cả những gì ông làm”.
Tại quên nhà Ghana, Kofi Annan xuất thân trong một gia đình có địa vị trong bộ tộc. Từ thuở thiếu thời, ông đã có cơ hội tiếp cận với những tư tưởng xã hội hiện đại, đồng thời am hiểu sâu sắc truyền thống nơi mình sinh ra.
|
Ông Kofi Annan được ghi nhận là người đã hồi sinh LHQ vì những nỗ lực giúp kiến tạo một thế giới hoà bình và được tổ chức tốt hơn. |
Từ năm 1954-1957, ông theo học ở trường Mfantsipim, thành phố Cape Coast của Ghana. Tại đây, ông được dạy rằng: “Ở bất cứ đâu, con người cũng đang nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn và điều đó phải được quan tâm”. Đây là triết lý nung nấu trong ông niềm tin mình phải làm điều gì có ích đóng góp cho cộng đồng.
Năm 1958, Kofi Annan bắt đầu học kinh tế tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Kumasi và nhận học bổng của quỹ Ford. Nhờ học bổng này, ông hoàn thành chương trình thạc sĩ kinh tế học tại trường Macalester ở Minnesota, Mỹ.
Giai đoạn này, ông Kofi Annan ý thức rõ hơn về mong muốn phát triển thành một nhà ngoại giao. Ông theo học chương trình đào tạo kiến thức về quan hệ quốc tế tại Viện Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu phát triển ở Geneva, Thụy Sĩ.
Năm 1962, ông làm ở vị trí chuyên viên ngân sách của tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Với lợi thế biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp cùng nhiều thứ tiếng ở các quốc gia châu Phi khác, ông Kofi Annan dần được giao nhiều vị trí ở các lĩnh vực thuộc nhiều cơ quan thuộc LHQ.
|
Ông Kofi Annan được mến mộ trên toàn cầu sau khi rời nhiệm vụ Tổng thư ký LHQ vì ông luôn năng nổ trong các hoạt động cộng đồng. |
|
Hình ảnh của ông Kofi Annan tại trụ sở LHQ ở New York. |
|
Một trong những đối tượng ông Kofi Annan kêu gọi tập trung đầu tư chính là người trẻ thông qua giáo dục. |
Ông từng được giao làm trợ lý Tổng thư ký LHQ ở ba lĩnh vực quan trọng: nguồn nhân lực, hợp tác và quản lý (1987-1990); kiểm soát, lên kế hoạch chương trình tài chính (1990-1992); các hoạt động gìn giữ hòa bình (1993-1996).
Năm 1997, ông được bầu làm Tổng thư ký LHQ và ghi dấu ấn sâu đậm trong hai nhiệm kỳ.
Ông Kofi Annan nổi tiếng là người truyền cảm hứng cho bất cứ ai chọn sứ mệnh phụng sự gắn liền với cuộc đời mình.
Ông từng nổi tiếng với câu nói: “Thế giới ngày hôm nay dành hàng tỷ USD để chuẩn bị cho chiến tranh; vậy chúng ta không nên dành một hay hai tỷ USD để chuẩn bị cho hòa bình sao?”.
Và ông luôn nhấn mạnh: “Kiến thức là sứ mệnh. Giáo dục chính là tiền đề cho sự phát triển xã hội”.
Những nỗ lực của ông xuyên suốt hai nhiệm kỳ ở vị trí Tổng thư ký LHQ đã đi theo đúng tôn chỉ mà ông đã nêu.
|
Ông Kofi Annan luôn chú trọng mục tiêu đẩy mạnh giáo dục, tạo cho lớp trẻ nền tảng vữn vàng để đón lấy cơ hội. |
Di sản đồ sộ
Kofi Annan được chọn làm Tổng thư ký LHQ ở thời điểm cơ quan này đang gặp nhiều khủng hoảng. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã viết bản cải cách, cắt giảm 1.000 việc làm (trong đó có 6.000 vị trí ở trụ sở New York, Mỹ), đưa ra kế hoạch quản lý mới đối với tổ chức này.
Ông Kofi Annan là người đã đề xuất thiết lập “Mục tiêu Thiên niên kỷ” với một loạt các vấn đề cần được chú tâm đạt được trước năm 2015. Trong đó nổi bật là giảm một nửa tỷ lệ người rất nghèo và ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS.
Trong “Thông điệp cho thiên niên kỷ mới” đưa ra ngày 31/12/1999, ông đã nói: “Hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang chia sẻ với nhau cùng một số phận. Chúng ta chỉ có thể làm chủ số phận của mình khi nào chúng ta cùng nhau đối diện với nó. Đó là lý do tại sao chúng ta có Liên Hiệp Quốc”.
Ông là Tổng thư ký LHQ thứ hai nhận giải thưởng này và được nhắc đến là người đã giúp hồi sinh LHQ, vì những nỗ lực giúp kiến tạo một thế giới an bình hơn và được tổ chức tốt hơn. Cũng trong năm 2001, ông đắc cử Tổng thư ký LHQ nhiệm kỳ thứ hai.
|
Năm 2001, ông Kofi Annan cùng tổ chức LHQ được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực phục vụ cộng đồng. |
|
Năm 2007, ông Kofi Annan thành lập quỹ mang tên mình. |
Tháng 4/2001, ông Kofi Annan đưa ra lời hiệu triệu năm điểm "Tiến tới hành động" nhắm vào đại dịch HIV/AIDS. Ông đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Y tế và AIDS toàn cầu, nhằm khuyến khích gia tăng mức chi tiêu cho mặt trận đương đầu với cuộc khủng hoảng HIV/AIDS tại các quốc gia đang phát triển.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng Thư ký Annan chứng kiến các diễn biến của cuộc chiến Iraq, ông kêu gọi Mỹ và Anh không nên hành động mà không có sự hậu thuẫn của LHQ. Năm 2004, Annan gọi cuộc chiếm đóng Iraq là bất hợp pháp.
Tháng 3/2005, Kofi Annan đệ trình lên Đại hội đồng LHQ bản báo cáo về sự tiến bộ "Tự do hơn nữa". Annan ủng hộ sáng kiến mở rộng hội đồng bảo an cùng với một loạt các kế hoạch cải tổ LHQ khác.
|
Ông Kofi Annan đã có những buổi đối thoại với Tổng thống Syria Bashar al-Assad |
Sau khi thôi nhiệm vụ Tổng thư ký LHQ, ông Kofi Annan vẫn thường xuyên xuất hiện với vai trò kết nối của một nhà ngoại giao.
Năm 2007, ông thành lập quỹ Kofi Annan, là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, hoạt động để củng cố lợi ích của người dân và các quốc gia, hướng đến thế giới hòa bình hơn.
Ông được mời để đứng ra kết nối, đàm phán cho tiến trình hòa bình ở Burkina Faso, Kenya, Myanmar, Senegal, Syria/Iraq và Colombia.
Ông nhận nhiệm vụ Đặc phái viên LHQ về Syria, trực tiếp đến Syria thảo luận về nỗ lực hòa bình và có những tiến triển nhất định. Tuy nhiên, nỗ lực của ông vấp phải những khó khăn từ điều kiện khách quan từ các quốc gia liên quan.
Thiên Anh (Theo CNN, Guardian)