Trước thực trạng trái cây bị lạm dụng thuốc trừ sâu, ngâm hoá chất, nhiều người có xu hướng chọn các loại quả rừng để ăn hoặc làm quà tặng vì lạ, tốt cho sức khoẻ dù chúng thường chua chứ không ngọt bằng các loại quả thường.
Kiwi rừng
Mới đây, một tài khoản mạng xã hội H.P đăng tải nội dung: “Kiwi rừng mọc tự nhiên ở vùng núi cao Bắc Trung Bộ. Em hơi chua nhưng sạch sẽ không tí thuốc thang. Giá bán 50.000đ/hộp 500g kèm muối tôm” đã khiến các chị em xôn xao vì lần đầu tiên nhìn thấy trái kiwi rừng.
Ngay lập tức, bên dưới dòng trạng thái hàng loạt bạn bè tranh nhau mua mặc dù biết không hề ngọt như kiwi thường, ít thì 0,5 ký, nhiều thì 2 – 3 ký. Chỉ sau vài giờ đăng tải, gần 100 ký kiwi rừng đã được khách mua hết.
Loại kiwi rừng này thoạt nhìn trái bé chỉ khoảng hai ngón tay như một phiên bản thu nhỏ của kiwi ngoại bán trên thị trường, vỏ màu nâu sậm hơi sần như vỏ trái bơ, không lông. Khi bổ đôi quả có vỏ rất mỏng, phần thịt bên trong có màu xanh ngọc, nhiều hạt nhỏ li ti bao quanh trục dọc, không khác gì trái kiwi thường thấy.
Nhiều người đã nhanh chóng nhận ra kiwi rừng này giống hệt kiwi berry được nhập khẩu từ Newzealand, Pháp với giá gần 1 triệu đồng/ký đang “làm mưa làm gió” trên thị trường trong thời gian gần đây. Trong khi kiwi berry có màu xanh, vỏ trơn bóng thì kiwi rừng có vỏ màu nâu sậm.
Một tài khoản có tên Lê Hương sau khi mua 2 ký đã cho biết, mọi người trong nhà chị rất háo hức khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy kiwi rừng. Sau khi mua về chị gọt vỏ, xốc với muối tôm, ớt, ít đường rồi để trong ngăn mát tủ lạnh. “Mùi thơm thơm, vị chua chua, ngòn ngọt, cay cay, bỏ vào miệng nhai cảm giác giòn tan rất đã, có cảm giá chát nhẹ nơi đầu lưỡi”, chị Hương cho biết.
Còn chị Mỹ, ngụ Q.Bình Tân cho biết, chị đã mua 10 ký kiwi với giá 75.000đ/ký. Do chị không ăn chua được nên mua về gọt vỏ, ngâm với đường hoặc mật ong và lấy nước này uống hàng ngày. “Khi thấy trên mạng rao bán, bằng mọi giá tôi cũng đặt mua vì kiwi rừng có thành phần như kiwi thường, chứa vô số vitamin có lợi, hàm lượng dinh dưỡng cao nên được mệnh danh là “siêu trái cây”. Nước ngâm kiwi rất ngon và bổ dưỡng, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp. Ngâm kiwi lời hơn so với ngâm các trái khác vì loại này nhiều nước, sau khi ngâm có thể lấy xác kiwi nhâm nhi với nước trà rất ngon”, chị Mỹ cho biết.
Một số chị em khác thì bàn nhau mua kiwi rừng về làm mứt dự trữ ăn Tết. Theo chị Trúc, ngụ Q.3, mứt kiwi trên thị trường đa số từ kiwi Trung Quốc, vừa ăn vừa lo. Nay ở Việt Nam cũng xuất hiện kiwi rừng, chị tranh thủ mua để dành làm mứt ăn Tết. Do kiwi trái nhỏ, khi gọt hơi cực, lúc sên miếng mứt bị “nhót” lại nhỏ nhưng bù lại ăn rất ngon.
Theo chị Hiệp – một chủ cửa hàng online kinh doanh loại kiwi này cho biết, kiwi vào mùa tháng 8 đến tháng 9. Hiện nay kiwi rừng đã hết mùa hoặc nếu còn thì số lượng rất ít, giá cũng được nâng lên từ 150.000 – 200.000đ/ký. Một số cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản núi rừng Tây Bắc cũng đang rao bán loại trái cây này.
Chanh rừng
Cũng giống như chanh thường nhưng chanh rừng lại có vị ngòn ngọt nên được nhiều người miền xuôi ưa chuộng, mua về ngâm mật ong uống trị ho hoặc làm gia vị. Cũng có người đem ngâm với nước muối và ớt chỉ thiên rồi vớt ra ăn với cơm, thịt luộc giống như một loại rau quả. Mỗi gia đình người Dao tại núi Mẫu Sơn đều có lọ chanh này trong nhà để phòng, trị bệnh.
Hiện chanh rừng nếu bán tươi giá 80.000đ/ký, ngâm với mật ong giá 400.000đ/hũ 1 ký. Qua tìm hiểu, loại chanh rừng này còn có tên chanh rừng Mẫu Sơn vì hái từ núi tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Loài quả này nhỏ hơn chanh thông thường, khi chín vỏ màu vàng, ăn cả vỏ thì ngọt, bùi và thơm, nếu bỏ vỏ ăn lõi thì hơi chua.
Cây chanh rừng khác chanh thường, chiều cao đến tận 3 mét, thân có nhiều gai nên việc hái chanh rất khó khăn. Nhưng ngược lại cây rất say quả, mỗi cây có thể cho 30 đến 40 ký. Thời gian chanh chín rộ từ 5 đến tháng 10 dương lịch. Do giá trị kinh tế cao, người dân Mẫu Sơn đã ươm và trồng được loại chanh này thay vì để mọc tư nhiên như trước kia, từ đó luôn đảm bảo có đủ hàng phục vụ nhu cầu của khách.
Theo anh Phạm, người đang kinh doanh loại chanh này cho biết, nếu chanh thường thì khi chanh chín vàng mới được thu hoạch, người mua cũng chọn chanh chín vàng vì có nhiều nước. Nhưng còn chanh rừng thường thu hái quả khi còn xanh vỏ đem về bán hoặc ngâm vì quả xanh sử dụng tốt hơn và được ưa thích hơn những quả đã chín vàng.
Mãng cầu rừng
Thời gian gần đây trái mãng cầu rừng được nhiều người săn lùng về làm thuốc, chữa bệnh. Chúng mọc chủ yếu trong những cánh rừng sâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên…
Anh Nguyễn Hà Thành – chủ cửa hàng cửa hàng Thuốc Nam Dược Liệu 2 (Hải Thượng Lãn Ông, Q.5), người chuyên thu mua các loại đặc sản rừng cho biết, có hai loại mãng cầu rừng là mãng cầu trắng và mãng cầu đỏ. Mãng cầu trắng khi chín có màu vàng nhạt hoặc khe múi hơi đỏ, trong khi mãng cầu đỏ toàn thân màu đỏ tươi, mùi nhựa thơm rất đặc trưng. Khi ăn có vị ngọt nhẹ, phần vỏ múi mềm có vị thơm đặc trưng.
Cách đây 4 đến 5 năm, mãng cầu rừng bán tại TP.HCM chỉ 15.000 – 20.000đ/ký, thu mua tại rừng chỉ 4.000 – 5.000đ/ký. Vài năm sau, thương lái Trung Quốc tìm sang mua rễ mãng cầu rừng với giá cao từ 12.000 – 15.000đ/ký, nhiều người dân tại vùng núi phía Bắc bắt đầu vào rừng tìm loại cây này chặt lấy rễ, thậm chí chặt luôn cả, băm nhỏ cây rồi trộn với rễ để kiếm lời.
Sau này, thấy người Trung Quốc đổ xô mua rễ, thân cây na rừng, nhiều bác sĩ đông y mới tiến hành nghiên cứu thì phát hiện trong quả, rễ cây này có giá trị dược liệu cao, nhiều công dụng trị bệnh như thiếu máu, chữa viêm loét dạ dày, mất ngủ, yếu sinh lý…
Đến lúc này, mãng cầu rừng bị tận thu, trở nên quý hiếm và được đội lên với giá từ 150.000 – 500.000đ/ký (tuỳ loại trắng hay đỏ, quả to hay nhỏ), có quả to nặng 3 đến 5 ký. “Chúng thường mọc trong rừng sâu, để hái được quả rất nguy hiểm. Tôi phải mướn người dân bản địa vào rừng hái đem về, mỗi đợt chỉ thu được vài ba ký. Hiện mãng cầu rừng chủ yếu được bán tại các cửa hàng đặc sản rừng là nhiều nhưng muốn mua phải đặt hàng trước”, anh Thành cho biết.
Ngoài ăn tươi, quả còn được sử dụng ngâm rượu hoặc ủ làm rượu vang. Ở Trung Quốc người ta gọi trái mãng cầu rừng là bufuna, ý nghĩa là trường thọ.
Thanh Hoa