Kịp thời trợ giúp người bị bạo hành, xâm hại

22/03/2024 - 06:25

PNO - Qua 1 năm thí điểm, “Mô hình 1 cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM” đã tiếp nhận, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho 51 nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục.

Giúp bà mẹ 14 tuổi “vượt cạn”

Tháng 8/2023, nhận được yêu cầu hỗ trợ từ cán bộ chuyên trách trẻ em của huyện Hóc Môn, Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận, thăm khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bé gái Đ.N.G. - 14 tuổi, bị xâm hại tình dục, mang thai.

Hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm thực hiện mô hình 1 cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM
Hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm thực hiện mô hình 1 cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM

Cha mất, mẹ bỏ đi, bé G. sống cùng bà nội và anh trai song sinh. G. nghỉ học và đi làm sớm. Trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn, G. uống bia rồi bị xâm hại tình dục nhưng không xác định được kẻ xâm hại. Sau khi biết mình mang thai, G. và gia đình âm thầm chịu đựng. Đến khi bà nội G. nhập viện do bệnh, G. không có người thân chăm sóc, mới nhờ đến mô hình 1 cửa. Khi đó, G. đã mang thai 28 tuần.

Sau khi chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo nguyện vọng của bé G., Bệnh viện Hùng Vương đã chuyển bé đến Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM chờ ngày sinh con. Tháng 10/2023, G. “vượt cạn” thành công, sinh được 1 bé gái. Sau sinh, theo nguyện vọng của G., trung tâm cho mẹ con bé G. về ở cùng bà nội, đồng thời đề nghị cán bộ chuyên trách trẻ em ở huyện, xã quan tâm, hỗ trợ vật chất, tinh thần. Theo trung tâm, sau hơn 5 tháng sinh con, bé G. đã ổn định về tâm lý, hòa nhập được với cuộc sống. Bé cũng có dự định xin đi làm hoặc tự buôn bán nhỏ tại nhà.

Trong 1 năm qua, mô hình 1 cửa đã tiếp nhận, can thiệp không ít trường hợp trẻ em mang thai do bị xâm hại hoặc tự nguyện quan hệ tình dục với bạn trai. Tất cả các trường hợp này đều được các đơn vị chức năng hỗ trợ về tâm lý, khám bệnh, tư vấn thủ tục hành chính, hỗ trợ chi phí di chuyển…

Mô hình 1 cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực được thành lập thí điểm ngày 24/3/2023 theo Quyết định số 4275/QĐ-UBND ngày 7/12/2022 của UBND TPHCM. Theo đó, thay vì phải đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần đến Bệnh viện Hùng Vương (128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5) để được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý, sau đó được bệnh viện này chuyển tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM (14 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp) để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác theo nguyện vọng.

Sẽ mở thêm nhiều điểm tiếp nhận

Sáng 20/3, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM phối hợp với Sở Y tế TPHCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM và Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm “Mô hình 1 cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TPHCM”.

Qua 1 năm thí điểm, mô hình đã tiếp nhận được 51 ca, trong đó có 18 ca bị xâm hại, 29 ca quan hệ tình dục đồng thuận, 4 ca bị bạo hành, số nạn nhân 14-16 tuổi chiếm tỉ lệ cao. Trong 51 ca, chỉ có 7 ca đồng ý báo công an xử lý, 1 ca đi giám định thương tật, còn lại là các ca mà gia đình không khai báo, thỏa hiệp với thủ phạm hoặc không hợp tác với cơ quan chức năng.

Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - nhận định, qua 1 năm mô hình đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn các khoảng trống trong việc cung cấp dịch vụ cho nạn nhân, như đội ngũ tham gia vận hành mô hình chưa có kiến thức chuyên sâu về bạo lực giới, về tư vấn ổn định sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân; việc quản lý các ca chưa chuyên nghiệp do chưa có nhân sự chuyên trách có kiến thức và kinh nghiệm.

Theo ông, tiếp nhận được 51 ca trong 1 năm là con số quá nhỏ so với số nạn nhân bị bạo lực, xâm hại trên thực tế: “Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải đánh giá lại hiệu quả của mô hình, cách làm để tiếp tục hoàn thiện, từ đó giúp được nhiều trường hợp hơn”. Ông cho rằng, cần tính toán mở thêm nhiều điểm tiếp nhận nạn nhân nhưng tinh thần vẫn là “1 cửa”. Sở LĐTBXH, Sở Y tế cần tiếp tục rà soát, bổ sung chức năng cho các đơn vị để tạo thuận lợi cho quá trình tiếp nhận, chăm sóc nạn nhân, tính toán lại nhân lực để vận hành mô hình. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của công an các cấp để điều tra, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, tăng cường tuyên truyền để phòng ngừa các hành vi trên.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) - cho rằng, công tác quản lý ca cần uyển chuyển, có thể cung cấp dịch vụ cho nạn nhân bất cứ lúc nào, các dịch vụ bảo vệ trẻ em không được thụ động ngồi chờ nạn nhân đến yêu cầu trợ giúp.

Theo ông, mô hình lấy Bệnh viện Hùng Vương làm đầu vào thì đối tượng tiếp nhận chỉ là nạn nhân bị xâm hại tình dục, bạo lực tình dục, bỏ sót nhiều đối tượng khác. Theo ông, nên xây dựng mô hình này thành mô hình dịch vụ tích hợp đa chiều, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, liên tục, thể hiện trách nhiệm của tất cả các bên và hòa vào mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em quốc gia.

Kết nối các kênh hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương

Ngày 20/3, Sở LĐTBXH TPHCM đã kết nối với 36 đơn vị cung cấp dịch vụ cho nhóm dễ bị tổn thương ở TPHCM. Chẳng hạn, Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam đang thực hiện dự án “Tiếng nói cầu vồng”, trang bị kiến thức, kỹ năng và thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng, gia đình đối với trẻ em đồng tính, song tính, chuyển giới; trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng sống, hỗ trợ vốn giúp các trẻ em này kinh doanh nhỏ. Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam sẵn sàng đón nhận trẻ tự kỷ và xây dựng các chương trình can thiệp phù hợp, dạy kỹ năng chăm sóc bản thân, dạy nghề cho trẻ tự kỷ. Doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung hỗ trợ các chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho phụ nữ trong gia đình, cho cộng đồng…

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI