Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia tại phiên toàn thể, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”, tổ chức tại TPHCM ngày 5/6.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư... bên lề diễn đàn |
Nhận diện thách thức
Theo ông Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương - dịch COVID-19 khiến nền kinh tế Việt Nam đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ, tăng trưởng kinh tế năm 2021 dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây. Hàng ngàn doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng sản xuất, các ngành hàng du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn… chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng triệu người lao động bị mất việc làm. Thị trường vốn và thị trường bất động sản có những biến động bất thường, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại.
Quý I/2022, kinh tế Việt Nam đã quay trở lại đà tăng trưởng trên 5%. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. Nhưng với những biến động của thế giới, điển hình là xung đột Nga - Ukraine đặt ra yêu cầu Việt Nam cần nhanh, quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam - cho rằng Việt Nam đang chịu ba áp lực lớn. Thứ nhất là xung đột Nga - Ukraine tác động gián tiếp tới các lĩnh vực năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng rất lớn.
Áp lực thứ hai là lạm phát của thế giới. Hiện tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và EU trên 8%, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam khoảng 2,9%. Về tổng quan là chưa đáng lo ngại vì chúng ta có độ trễ về nhập khẩu lạm phát, đồng thời tăng trưởng kinh tế Việt Nam chưa cao. Nhưng ngay khi tăng trưởng tăng cao, lạm phát cũng sẽ cao lên. Tốc độ tăng trưởng tín dụng là điều đáng lưu ý hiện nay. Tăng trưởng tín dụng năm tháng đầu năm so với cuối năm ngoái xấp xỉ 8% và so với cùng kỳ năm ngoái là 16%. Chính sách tiền tệ nên thận trọng, không thể bung tiền nhất là với tín dụng bất động sản vì sẽ có nhiều hệ lụy trong tương lai.
Áp lực thứ ba là về nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Trung ương nhiều nước đã tăng lãi suất, chẳng hạn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trên 2,5% khiến cho nền kinh tế suy giảm. Việt Nam hưởng lợi rất nhiều từ kinh tế thế giới song mức độ phụ thuộc cũng rất lớn. Một khi khối DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nguồn vốn đầu tư, thị trường quốc tế… có bất kỳ sự suy giảm nào cũng sẽ tác động tới Việt Nam. “Nhưng vẫn có điểm đáng mừng là Việt Nam đang giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới biến động. Điều đó chứng tỏ ta có tự chủ, chủ động, khả năng chống chịu tốt” - tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nói.
Hình thành năng lực sản xuất quốc gia
Theo ông Trần Tuấn Anh, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới với Việt Nam là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Trong đó, độc lập, tự chủ của nền kinh tế cần được xây dựng trên cơ sở cân bằng và củng cố nội lực, đồng thời phát huy, tận dụng được những cơ hội từ bên ngoài mang tới. Đa dạng hóa chính là chìa khóa để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có thể tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và đặc biệt là khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.
|
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 có nhiều lãnh đạo cấp cao tham dự nhằm định hình những thách thức mới để tìm giải pháp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới. |
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đánh giá: Các dự báo về kinh tế thế giới càng ngày càng xấu đi chứ không phải tốt hơn, cứ vài tháng lại giảm tăng trưởng khoảng 0,5%. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao song thực lực chưa mạnh, trình độ phát triển còn thấp và sức cạnh tranh còn yếu. Để phát triển trong một thế giới như vậy, chỉ có thể dựa vào hai năng lực quan trọng là năng lực đổi mới - sáng tạo và năng lực thể chế. Hai năng lực này phụ thuộc vào con người.
Theo ông Trần Đình Thiên, Việt Nam cần phải học một số bài học. Thứ nhất, những rủi ro toàn cầu đang tương thuộc lẫn nhau nên chúng ta cần phải liên kết để tồn tại. Học về “luật chơi” để không phải “chơi” một mình và tự cô lập với thế giới. Tận dụng bài học “lợi thế đi sau”, nhân lúc chuyển đổi thời đại, chúng ta cần tích cực chuyển đổi số và công nghệ cao, thoát khỏi các rủi ro truyền thống. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo theo hướng kinh tế số, tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệp số phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Xây dựng nền kinh tế tự chủ nhưng không biệt lập Qua 35 năm đổi mới, Việt Nam trải qua nhiều biến cố từ yếu tố bên ngoài, cả nội tại bên trong nền kinh tế. Đặc biệt hai năm vừa qua, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định trong thế giới biến động. Đây là điều quan trọng nhất, thể hiện sự tự tin, thể hiện độc lập tự chủ, tích cực chủ động và thực chất, hiệu quả giống như chủ đề diễn đàn ngày hôm nay. Tình hình kinh tế hiện nay đòi hỏi phải xây dựng nền kinh tế tự chủ nhưng không biệt lập, phải hội nhập, tích cực và chủ động, góp phần làm chủ cuộc chơi này. Đây là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả, phù hợp với cương lĩnh đất nước mở rộng năm 2011, phù hợp hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa các chủ trương đường lối của Đảng ta qua một số đại hội gần đây, nhất là đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa ra tầm nhìn 100 năm, kinh nghiệm 35 năm đổi mới. Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật như quy mô kinh tế tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 29,5 lần, FDI tăng 22 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và còn thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Kết quả ngày nay cho thấy ta thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Chúng ta tự tin nhưng không chủ quan vì nền kinh tế còn nhiều vấn đề. Xuất khẩu lớn nhưng còn nhiều phụ thuộc về thị trường, nguyên liệu, nền tảng, vốn…, điều đó chứng tỏ thuận lợi ít hơn khó khăn. Nhưng chúng ta không sợ, chỉ là không chủ quan, phải chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, tâm thế, về lực. Sự cần thiết của nền kinh tế độc lập tự chủ là phải định hướng rõ độc lập tự chủ gắn với hội nhập, nâng cao vị thế và năng lực của đất nước, giải quyết vấn đề nội tại của đất nước, xử lý các thách thức nổi lên, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng. |
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư được tổ chức tại TPHCM - nơi từng là tâm dịch COVID-19 của cả nước - là dịp để các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, cộng đồng DN nước ngoài chia sẻ về những thiệt hại, tổn thất nặng nề mà thành phố (TP) đã trải qua cũng như chứng kiến những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. TP ý thức được tính chất độc lập, tự chủ trong đường lối kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh mới. Nên nhiều chương trình kinh tế được TP triển khai nhằm hỗ trợ DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đây là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc vào đối tác bên ngoài, sang mối quan hệ tương hỗ với mọi đối tác. Để thu hút nguồn vốn FDI có hiệu quả phải nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là tầm quan trọng của khu vực tư nhân. Đây đang là một quá trình cần sự hỗ trợ nhiều chính sách chung về vĩ mô. |
Thanh Hoa