|
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên chỉ ra nhiều nghịch lý trong phát triển kinh tế Việt Nam |
Sáng 19/9, thảo luận tại Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, trải qua 3 năm đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng - phát triển nhìn chung tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng - ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng
Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, ông chỉ nhìn nhận có hai vấn đề lớn đặt ra.
Thứ nhất, xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp. Song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1% tốc độ bình quân.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào giải thích xu hướng này một cách có hệ thống và mang tính thuyết phục cao.
Thứ hai, phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”. Cụ thể, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam “giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành”.
Ông thẳng thắn nêu, hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn cao như ở Việt Nam - thường là cao gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể chi phí bôi trơn, thời gian dự án kéo dài gấp 2 - 3 lần so với nước ngoài. Vậy nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn trụ vững.
“Như vậy, khả năng sống còn, trụ hạng của Việt Nam là vô dịch. Năng lực tồn tại ghê gớm nhưng tại sao cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển?” - ông nói.
Ông dẫn chứng, trong 8 tháng đầu năm, tính bình quân mỗi tháng có 18.600 doanh nghiệp lập mới và tái gia nhập thị trường trong khi 15.600 DN “rút khỏi thị trường”. Tổng lượng vốn đăng ký giảm 19,8%, phản ánh xu thế quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập, đồng nghĩa với xu thế “li ti hóa” doanh nghiệp Việt tăng lên.
Thêm vào đó, doanh nghiệp đóng cửa là các doanh nghiệp đang tồn tại thực tế, tạo việc làm và thu nhập thực, đóng góp GDP và ngân sách thực. Trong khi doanh nghiệp đăng ký thành lập chưa tồn tại “thực” và có thể không tồn tại thực. Trong trường hợp có tồn tại thì các doanh nghiệp này cũng chỉ đóng góp "thực" ncho nền kinh tế ít nhất 3-6 tháng sau khi thành lập. Còn doanh nghiệp “đóng cửa” gây “tổn thất” cho nền kinh tế ngay lập tức.
Một nghịch lý khác là nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đất nước đang “thừa tiền, thiếu vốn, doanh nghiệp kiệt sức. Thực tế, doanh nghiệp sau 3 năm COVID-19, năng lực về vốn cạn kiệt mà không tiếp cận được vốn. Ngân hàng cho vay cũng khó, doanh nghiệp muốn vay không dám vay. Đầu tư công dù nỗ lực nhưng chưa giải ngân hết được. Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công mới đạt 39,6% kế hoạch, cho dù Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã nỗ lực cao độ.
“Thống kê cho thấy, nguồn lực tư nhân, cả tư nhân nội địa và FDI vào khu vực này vẫn cao nhất Việt Nam, cao hơn cả Bắc bộ nhưng tăng trưởng vẫn suy giảm, vị thế kinh tế suy yếu” - ông đặt vấn đề.
Ông chỉ ra, vốn đầu tư công trong khu vực này liên tục trong 10 năm thấp hơn khu vực Bắc bộ, vì thế tỉ trọng giảm đi trông thấy.
“Có phải phân bổ đầu tư công trong giai đoạn trung hạn là yếu tố quyết định nhất tới tăng trưởng hay không? Đầu tư công giúp khơi thông nguồn lực. Đầu tư công bơm cho khu vực khác nhiều có thể do thể chế ở khu vực đó thông hơn. Còn vùng Đông Nam bộ thấp hơn nên các mạch không thông?” - ông đặt vấn đề.
Để giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển, theo vị chuyên gia, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, “hành chính”. Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường.
Ông nhấn mạnh, trong quá trình vận hành hệ thống, cần đảm bảo “tam thông” gồm: thông suốt hạ tầng (thông hạ tầng kết nối, cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm); thông thoáng cơ chế (thể chế thị trường, công khai - minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh…), thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo...).
Minh Quang