Kinh tế Úc bước vào cuộc suy thoái lịch sử do đại dịch

02/09/2020 - 16:40

PNO - Kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 2/9 dẫn nguồn các chuyên gia kinh tế nhận định, đại dịch COVID-19 đã chính thức đẩy nước Úc vào cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên sau gần 3 thập kỷ phát triển ổn định.

Nền kinh tế Úc đã ghi nhận một quý tồi tệ nhất, đánh dấu việc nước này bước vào một cuộc suy thoái lịch sử - Ảnh: CNN Business
Nền kinh tế Úc đã ghi nhận một quý tồi tệ nhất, đánh dấu việc nước này bước vào một cuộc suy thoái lịch sử - Ảnh: CNN Business

Cục Thống kê Úc (ABS) hôm 2/9 cho biết Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của nước này giảm 7% trong quý II hai so với quý I, là mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu thống kê GDP vào năm 1959, nó đánh dấu quý thứ hai giảm liên tiếp của Úc, trong quý I, GDP mới chỉ giảm 0,3% so với quý IV/2019. Mức giảm 7% cũng tồi tệ hơn mức giảm dự báo của Công ty giải pháp tài chính Refinitiv là 5,9%.

Nhà chức trách Úc cho rằng kinh tế suy thoái là do đại dịch bùng phát và các biện pháp phong tỏa nước này áp dụng để ngăn chặn bệnh dịch lây lan, mặc dù trước đó Úc cũng từng phải đối mặt với các vấn đề tương tự. Theo Hội đồng Xuất khẩu và Du lịch Úc, đầu năm nay nước đã bị tàn phá bởi những trận cháy rừng tồi tệ nhất ​​trong nhiều thập kỷ, gây cản trở hoạt động chi tiêu và du lịch của người tiêu dùng.

Trong quý II, việc đóng cửa các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở dịch vụ khác vì đại dịch đã gây ảnh hưởng rõ ràng: Tiêu dùng hộ gia đình giảm hơn 12%, trong khi chi tiêu cho dịch vụ giảm gần 18%.

Bộ trưởng tài chính Úc Josh Frydenberg hôm 2/9 tuyên bố: “Chúng ta đã làm mọi thứ có thể để hỗ trợ cộng đồng người Úc tránh tác hại của COVID-19, ưu tiên của chúng ta ‘đã và sẽ tiếp tục’ là cứu mạng sống con người và đảm bảo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Úc có đủ năng lực để kiểm tra, truy vết và điều trị các trường hợp nhiễm COVID-19”.

Tuy nhiên, trước mắt “có thể còn nhiều đau đớn hơn”. Ngân hàng Dự trữ Úc cho biết tốc độ phục hồi sau quý gần đây nhất là không chắc chắn, tùy thuộc vào thời gian dịch bùng phát và kéo dài. Và Victoria - bang đông dân thứ hai của Úc, nơi có thành phố Melbourne - hiện đang phải chịu những biện pháp hạn chế khắc nghiệt nhất sau làn sóng thứ hai của đại dịch.

Bộ trưởng Frydenberg nhận định, “đây là điều sẽ đè nặng lên kết quả kinh doanh quý III và tháng 9”.

Suy thoái kinh tế là một bước ngoặt đáng chú ý đối với nền kinh tế Úc, một quốc gia đã trải qua 29 năm tăng trưởng kinh tế ổn định. Kỉ lục này có được một phần là nhờ thị trường Trung Quốc – khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – có nhu cầu cao đối với các mặt hàng quặng sắt và than đá của Úc.

Đáng chú ý, quan hệ mậu dịch song phương Úc – Trung Quốc gần đây đã trở nên tồi tệ, căng thẳng xoay qua thịt bò Úc, lúa mạch và rượu vang, sau khi Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch.

Theo Marcel Thieliant, chuyên gia kinh tế cấp cao của Úc và New Zealand cho công ty tư vấn quốc tế Capital Economics, suy thoái sẽ tiếp tục gây áp lực buộc Ngân hàng Dự trữ Australia phải xem xét các biện pháp bổ sung để duy trì kinh tế phát triển. Ngân hàng trung ương đã giảm tỷ giá tiền mặt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua thời kỳ suy thoái.

Đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt nhiều cường quốc trên thế giới. Tất cả các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) - Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ - đã chứng kiến ​​nền kinh tế nước mình sụt giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2020.

Việt Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI