Kinh tế tuần hoàn là xu hướng của phát triển bền vững

06/02/2023 - 15:11

PNO - Trong giai đoạn 2011-2020, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 3%/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp và kinh tế, lâu nay, việc sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn chú trọng số lượng, chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chí thân thiện với môi trường, phát triển bền vững.

Không để lãng phí tài nguyên

Theo Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO), Việt Nam thất thoát, lãng phí trong chế biến, tiêu dùng nông sản cao gấp 7 lần so với Hà Lan. Mỗi năm, vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất từ 20-22 triệu tấn lúa, nhưng tỉ lệ thất thoát khoảng 10 - 12%, mất khoảng 3.000-3.500 tỉ đồng. 

Đó là do một số doanh nghiệp, nông hộ chưa nhận thức đầy đủ về phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng, chưa quản lý, tổ chức sản xuất, sử dụng sản phẩm theo hướng hiệu quả cao, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Với tư duy về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thì không nên bỏ đi cái gì, chẳng hạn tận dụng rác thải làm phân bón. 

Theo Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, ở các địa phương, đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, bền vững như thu hồi vỏ trấu để làm tro trấu, trấu hun, trấu sống, phục vụ việc trồng cây; dùng vỏ dừa chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ; tái chế bã mía thành phân vi sinh; chế biến vỏ trái bưởi thành thực phẩm. Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi heo thu hồi khí biogas, thu hồi phụ phẩm trong sản xuất lúa để trồng nấm rơm…

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh này là hơn 280.000ha, sản lượng đạt hơn 190.000 tấn/năm đã mang lại kim ngạch xuất khẩu tôm hơn 1 tỉ USD mỗi năm. Song, việc nuôi và chế biến tôm tăng trưởng nhanh cũng khiến lượng phụ phẩm tăng mạnh, với khoảng 80.000 tấn/năm. Dự kiến, đến năm 2025, toàn tỉnh tăng sản lượng tôm nuôi lên 328.000 tấn thì lượng phụ phẩm tôm thải ra có thể lên 160.000 tấn/năm, tức 438 tấn/ngày. 

Các nhà chuyên môn lưu ý, phụ phẩm tôm là “mỏ vàng” của ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung, bởi chúng có thể được dùng để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị như các chất kháng khuẩn, các loại gia vị sinh học, kem chống khô da… Vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp ở tỉnh Cà Mau đã phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu chế biến nước mắm từ đầu tôm, vỏ tôm, chế biến thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ từ phụ phẩm tôm, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường, vừa tăng nguồn thu. 

Cà Mau là tỉnh có quy mô nuôi và chế biến tôm xuất khẩu lớn nhất cả nước. Hiện các doanh nghiệp đã tận dụng phụ phẩm tôm để làm ra nhiều sản phẩm, giúp tăng doanh thu và bảo vệ môi trường
Cà Mau là tỉnh có quy mô nuôi và chế biến tôm xuất khẩu lớn nhất cả nước. Hiện các doanh nghiệp đã tận dụng phụ phẩm tôm để làm ra nhiều sản phẩm, giúp tăng doanh thu và bảo vệ môi trường

Chú trọng nông nghiệp xanh, tuần hoàn

Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ - cho hay, gần đây, sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ đã phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị. 

Toàn thành phố hiện có hơn 173 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và 239 sản phẩm nông nghiệp được xác nhận thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Ngành nông nghiệp tỉnh đã kết nối, đưa nông sản an toàn vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích. 

Sản lượng lúa của TP Cần Thơ đạt hơn 1,3 triệu tấn/năm, trong đó có hơn 80% là lúa chất lượng cao. Cần Thơ có vùng rau an toàn 12.400ha, sản lượng 133.000 tấn/năm, vùng chuyên canh cây ăn trái kiểu mẫu kết hợp du lịch sinh thái 19.400ha, sản lượng 104.000 tấn/năm, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu như xoài, vú sữa, sầu riêng… 

Theo ông Nguyễn Văn Sử, cái khó hiện nay là quy mô của các mô hình nông nghiệp xanh còn nhỏ, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn, chưa có hành lang pháp lý cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn, chưa đủ đội ngũ chuyên gia giỏi hướng dẫn cách tái sử dụng, tái chế chất thải. Tới đây, cần hình thành vùng sản xuất tập trung lớn, liên kết chuỗi ngành hàng để ứng dụng công nghệ cao và các giải pháp tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư đồng bộ các khâu, trong đó có khâu tiêu thụ nông sản chất lượng cao, an toàn. 

Bà Phan Hoàng Ngọc Anh (Học viện Chính trị khu vực II) so sánh, mô hình kinh tế nông nghiệp truyền thống chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, vứt bỏ nhiều thứ sau thu hoạch, tiêu thụ, làm phát sinh lượng rác thải lớn. Mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn chú trọng vào quản lý, tái tạo tài nguyên theo vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải, đồng thời làm gia tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí cải tạo đất. Việc áp dụng tính tuần hoàn trong nông nghiệp sẽ tạo ra hệ sinh thái mới, xanh, sạch hơn. 

Bà nhận định, ở nước ta, chưa có những mô hình tuần hoàn đầy đủ, đúng nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng đã có những biểu hiện hình thành và phát triển, chẳng hạn như mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng - hầm biogas… Có thể nói, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng phát triển bền vững, đạt được cả hai mục tiêu là ứng phó với cạn kiệt tài nguyên đầu vào và ô nhiễm môi trường trong phát triển đầu ra. 

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI