Kinh tế tư nhân - Không chỉ phát triển, mà phải phát triển bền vững!

13/10/2017 - 08:13

PNO - Với tốc độ tăng trưởng trung bình 10,2%; tỷ trọng đóng góp vào GDP 39-40%; thu hút 85% tổng số lao động trong nền kinh tế; khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành động lực chính của nền kinh tế Việt Nam.

Từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương V (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân hồi tháng 6/2017 đến sự ra đời của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vào đầu tháng Mười, “phát triển kinh tế tư nhân” đã trở thành một trong những cụm từ “nóng” nhất tại các diễn đàn kinh tế.

Tuy nhiên, sức sống của khu vực kinh tế đang được đánh giá là “phát triển vượt bậc” này có thực sự đã được “thúc đẩy” và “trợ lực” đúng mức?

Báo Phụ Nữ đã nhận được sự chia sẻ của chính những “người trong cuộc” về trải nghiệm của một doanh nghiệp tư nhân trong môi trường kinh doanh Việt Nam hiện nay.

Vũ Nguyệt Ánh 
(CEO Công ty tư vấn hẹn hò Rudicaf): 
Cần những chính sách, thủ tục “thoáng” đối với các ngành nghề mới

* Thưa chị, hoạt động trong một lĩnh vực mới lạ như tư vấn hẹn hò, chị có kỳ vọng vào những động thái thúc đẩy chung đối với khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) hiện nay của Chính phủ?

Theo tôi, thúc đẩy KTTN phát triển là việc làm tất yếu khi khu vực kinh tế này ngày càng thể hiện rõ vai trò của nó trong nền kinh tế. KTTN là “mảnh đất” cho những kỳ vọng về đổi mới, năng động, sáng tạo của nền kinh tế nói chung, bởi có thế mạnh trong việc nắm bắt thị hiếu và hội nhập quốc tế.

Thế nhưng, nhìn từ điều kiện kinh doanh thực tế, thế mạnh đó đôi khi lại trở thành điểm yếu của các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. 
* Xin chị chia sẻ thêm về những thử thách với một “mô hình mới mẻ” như lĩnh vực chị đang làm?

Tôi kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn hẹn hò, là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam. Vì thế, tôi có cơ hội trải nghiệm sự “nhạy cảm với cái mới” ở nước ta. Tôi từng biết, nhiều bạn cũng khởi nghiệp với các mô hình mới như tôi đã phải qua rất nhiều cơ quan để xin giấy phép.

Và, thay vì đăng ký kinh doanh bằng cái tên đúng với ngành nghề của mình, chúng tôi buộc phải đăng ký chung vào một ngành rất… chung chung. Tất cả các giấy tờ hành chính của chúng tôi đều phải đăng ký trong ngành “dịch vụ tư vấn”, vì pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm “dịch vụ tư vấn hẹn hò”. Đó là một ví dụ cho sự thiếu chặt chẽ khiến các DN mới, chưa có kinh nghiệm phải hoạt động trong… phập phồng âu lo.

Tôi nghĩ, ở những bước tiếp theo trong việc cải tiến luật đầu tư, luật kinh doanh, luật ngành nghề… nhà nước cần quan tâm hơn đến các lĩnh vực, mô hình mới. Các chính sách, thủ tục đối với các DN mới cần phóng khoáng một chút để nuôi dưỡng động lực sáng tạo.

Thực tế, hiện ở các DN mới mọi nỗ lực chấp hành pháp luật đều chỉ ở mức tương đối khi họ còn non trẻ và hạn chế về kinh phí, nhân sự, lại không được hỗ trợ về thủ tục. Khi công ty gặp vấn đề lúng túng, việc tiếp cận các cơ quan chức năng để được giải đáp, hỗ trợ cũng không phải dễ dàng. Bước đi của một DN tư nhân, vì thế, sẽ bị chậm lại và mất động lực phát triển. 

"Khi công ty gặp vấn đề lúng túng, việc tiếp cận các cơ quan chức năng để được giải đáp, hỗ trợ cũng không phải dễ dàng. Bước đi của một doanh nghiệp tư nhân, vì thế, sẽ bị chậm lại và mất động lực phát triển." 

Kinh te tu nhan  - Khong chi phat trien, ma phai phat trien ben vung!
 

"Với chủ trương “thúc đẩy”, “trợ lực”, thì nhà nước cần có một hành lang pháp lý dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân."

Nguyễn Khoa Hồng Thành 
(đồng sáng lập Isobar Việt Nam): 
Các DN mới rất khó sống sót qua thời kỳ đầu nếu thiếu sự hỗ trợ

* Thưa anh, là người tham gia vận hành một DN khởi nghiệp thành công như Isobar Việt Nam, hẳn anh có nhiều trải nghiệm và trăn trở với từng giai đoạn cải tiến chính sách kinh tế của nước ta?

Theo tôi, khái niệm “trợ lực” vẫn chưa phải là hiện thực đối với các DN tư nhân ở Việt Nam, nên chúng ta khó có thể có một nền KTTN phát triển bền vững. Các DN tư nhân, trong đó có bộ phận DN khởi nghiệp, hiện vẫn chưa có một ưu đãi nào về chính sách so với các loại hình DN còn lại.

Khi mọi điều kiện kinh doanh đều giống nhau giữa “DN già” và “DN trẻ”, thì với tiềm lực còn non trẻ, làm sao các DN trẻ phát triển nổi? Vì thế, nếu không có nhà đầu tư,  hầu hết các DN tư nhân non trẻ đều vướng vào cái vòng luẩn quẩn của việc né thuế, trốn thuế, hoặc “nghèo đi” vì đóng thuế. Họ không có điều kiện để tái đầu tư, nên dễ nảy sinh tâm lý kinh doanh “ngắn hạn” chỉ nhắm đến lợi nhuận để cầm cự. Hầu hết các DN mới sống được và “sống khỏe” là nhờ vào các quỹ đầu tư.

Nhưng, cũng là quy luật tất yếu, những nhà đầu tư lại tạo áp lực để DN phải tăng tốc để sinh lợi nhuận. Khi phải gánh những áp lực như thế, DN sẽ không còn đủ năng lượng để phát triển theo đúng lộ trình của nó, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế.

Theo tôi, với chủ trương “thúc đẩy”, “trợ lực”, thì nhà nước cần có một hành lang pháp lý dành riêng cho khu vực KTTN.
* Nhưng, liệu những bất cập trong chính sách có phải là tất cả các “yếu tố khách quan” cản trở sự phát triển một DN?

Các DN tư nhân ở ta còn gặp khó khăn ở cả những nét đặc thù khá… kỳ lạ của thị trường. Ngay cả người tiêu dùng cũng dè dặt với cái mới, cả mô hình mới lẫn thương hiệu mới.

Chúng tôi hay đùa với nhau, nền kinh tế của ta là một nền kinh tế vận hành dựa vào các mối quan hệ. Đa số những thương vụ lớn đều thông qua sự quen biết. Ví dụ ở nước ngoài, tiêu chí lựa chọn dịch vụ là dựa vào tính chuyên nghiệp của nhà cung cấp dịch vụ, nhưng ở Việt Nam lại có quán tính lựa chọn những thương hiệu quen thuộc.

Những hợp đồng lớn thì cũng chỉ được trao đổi trên tiêu chí của “quen biết”, “hoa hồng”, “chiết khấu”. Tâm lý này thể hiện xuyên suốt từ chính sách cho đến cộng đồng tiêu dùng. Nếu bạn kinh doanh ở một lĩnh vực quá mới, hiển nhiên bạn sẽ gặp nhiều bất lợi hơn trong các thủ tục và việc tiếp cận các chính sách ưu đãi. Đó là điều nghịch lý trong một nền kinh tế chủ trương khuyến khích sáng tạo, đổi mới.

DN của chúng tôi may mắn là đã sớm có tầm nhìn cho việc phát triển bền vững, không chạy theo những món lợi tức thì. 

Nhưng thực lòng mà nói, nếu không nhờ những hợp đồng có được từ các mối quan hệ, chúng tôi đã không thể nào sống sót qua thời gian đầu để theo đuổi những mục tiêu bền vững ở giai đoạn tiếp theo.

Hơn nữa, kinh tế Việt Nam thể hiện rất rõ yếu tố “trọng thương” - một đặc điểm gây ảnh hưởng tiêu cực đến động lực phát triển kinh tế bền vững. Điều này thể hiện rõ ở chỗ, mọi giá trị cộng thêm của hàng hóa đều nằm ở “giai đoạn trung chuyển” của sản phẩm - với bộ phận thương lái, chứ không nằm ở gốc sản phẩm.

Những biến động về lợi nhuận của sản phẩm trên thị trường không “quay về” với người sản xuất, mà rơi vào tay thương lái. Người sản xuất không có điều kiện để đầu tư nâng cấp sản phẩm, mà ngược lại, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Sản phẩm nông nghiệp, công nghệ, may mặc… đều đang chịu chung thực trạng này.

Logic phát triển của từng ngành nghề dễ trở nên lệch lạc khi giá trị của sản phẩm không được đặt đúng chỗ và không có điều kiện phát triển đúng mức. Đến đây, tôi xin được đặt câu hỏi: Những chính sách “bao tiêu sản phẩm”, những phương án quy hoạch sản xuất thường xuyên được nhắc đến trong các cuộc họp đang ở đâu? Vai trò của các cấp quản lý ở đâu?

Nếu bạn kinh doanh ở một lĩnh vực quá mới, hiển nhiên bạn sẽ gặp nhiều bất lợi hơn trong các thủ tục và việc tiếp cận các chính sách ưu đãi. Đó là điều nghịch lý trong một nền kinh tế chủ trương khuyến khích sáng tạo, đổi mới.

Kinh te tu nhan  - Khong chi phat trien, ma phai phat trien ben vung!
 

Nguyễn Thúy Uyên Phương 
(nhà sáng lập tổ hợp giáo dục Tomato): 
Chúng tôi vẫn đang chờ đợi những chính sách đột phá

* Xã hội hóa giáo dục là một hoạt động được đặc biệt chú trọng trong suốt lộ trình phát triển KTTN của Chính phủ. Theo chị, có phải riêng về chính sách, các đơn vị giáo dục tư nhân có vẻ có lợi thế hơn nhiều so với các loại hình DN tư nhân khác?

Tôi không hiểu rõ những lĩnh vực khác để có thể đưa ra một so sánh chính xác. Với hiểu biết của tôi về một số yếu tố cơ bản của chính sách, thì những vấn đề của một DN làm giáo dục cũng không khác với các loại hình giáo dục khác là mấy.

Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tư nhân cho tôi những trải nghiệm cụ thể về sự nghịch lý giữa việc làm giáo dục đúng nghĩa và vận hành một DN tuân thủ các quy định của nhà nước. Giáo dục là một ngành không chỉ hướng đến mục tiêu thu lợi nhuận.

Nhưng, khi làm giáo dục tư nhân, bạn vẫn bị xem như mọi DN bình thường trong nghĩa vụ thuế. Nếu bạn càng làm giáo dục theo kiểu hiện đại, đầu tư cho chuyên môn càng lớn, thời gian “giáo dục thị trường” càng dài, thì bạn càng dễ “khốn khổ” với chính sách thuế theo kiểu “chẳng khác gì so với các DN thuộc ngành nghề khác”.

Vì thế, người làm giáo dục rất dễ vướng vào cái thòng lọng về lợi nhuận để DN có thể cầm cự. Mà một khi đã “vị lợi nhuận”, thì giá trị giáo dục cũng tiêu tán. 

Vấn đề thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục tư nhân, theo tôi, là khá bi hài. Ví dụ, với trường học tư nhân như Trường ngoại khoá Tomato, để xin được giấy phép hoạt động, chúng tôi phải thuê được mặt bằng, hoàn tất cơ sở hạ tầng, thuê và đào tạo nhân viên để các cơ quan chức năng có cơ sở thẩm định. Sau khi hoàn thành mọi thứ và bắt đầu... chịu mọi chi phí, trường mới đủ điều kiện để được thẩm định.

Rồi, đại diện trường phải đi qua không dưới 6 cơ quan, từ giáo dục, quy hoạch cho đến vệ sinh an toàn thực phẩm… để xin phép. Có khi, trường học phải gồng mình chịu đựng các khoản chi phí về cơ sở vật chất, nhân sự đến… 6 tháng mới được cấp phép.

Đây là một sự lãng phí về cả tiền của lẫn công sức. Chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành thẩm định dựa vào những yếu tố căn bản trước, rồi cấp phép để DN tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất.

Khi DN đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng có thể đến kiểm tra rồi quyết định cho phép DN tiếp tục hoạt động hay rút giấy phép. Cách làm này đơn giản và tiết kiệm hơn nhiều so với cách làm hiện tại. 
* Hầu hết những vấn đề chị vừa nêu đều thuộc về giai đoạn thành lập DN. Trong quá trình vận hành và phát triển DN, có thử thách nào xuất phát từ sự “bất cập chính sách” không, thưa chị?

Vận hành một mô hình giáo dục mới mẻ như Trường Tomato, tôi thấy chính sách giám sát của ta còn nặng về giám sát cách làm, thay vì giám sát mục tiêu. Điều này làm hạn chế sự sáng tạo của DN rất nhiều.

Ở các nước phát triển, việc giám sát của cơ quan chức năng chỉ nhắm vào mục tiêu của DN, nhất là bộ phận DN năng động như các DN tư nhân.

Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, ta chỉ cần xác định mục tiêu của một đơn vị nhất định là “tạo ra những đứa trẻ với những thế mạnh A, B, C” và giám sát sự theo đuổi/chệch hướng mục tiêu của đơn vị đó.

Ngược lại, ở ta lại có những quy định rất chặt chẽ về phòng học (phải là phòng vuông vức, trong khi giáo dục hiện đại thiên về không gian mở), hay quy định về lớp học cùng tuổi (trong khi quan điểm hiện đại khuyến khích cho trẻ mầm non học trong môi trường đa độ tuổi).Sự giám sát đó chỉ dựa trên “những điều đã biết” nên chỉ chấp nhận những cách làm đã cũ. Mà cách làm cũ thì không thể chạm đến những mục tiêu mới được.

Nói rộng ra, vấn đề phát triển KTTN của ta cũng tương tự. Với những mục tiêu mới và đột phá từ Chính phủ, chúng tôi đang chờ đợi những chính sách đột phá.

"Với những mục tiêu mới và đột phá từ Chính phủ, chúng tôi đang chờ đợi những chính sách đột phá."

Nếu bạn càng làm giáo dục theo kiểu hiện đại, đầu tư cho chuyên môn càng lớn, thời gian “giáo dục thị trường” càng dài, thì bạn càng dễ “khốn khổ” với chính sách thuế theo kiểu “chẳng khác gì so với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác”. 

Kinh te tu nhan  - Khong chi phat trien, ma phai phat trien ben vung!
 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI