Kinh tế tư nhân cần gì để “cất cánh”? - Bài 2: Vẫn còn nhiều rào cản

31/03/2025 - 08:10

PNO - Trong số báo trước, các chuyên gia kinh tế đã phân tích và khẳng định vai trò to lớn của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của TPHCM và cả nước. Trên thực tế, trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, khu vực kinh tế này vẫn gặp nhiều rào cản, trở ngại như thiếu vốn, thủ tục hành chính nhiêu khê…

Thời gian qua, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ liên tục có những động thái thể hiện quyết tâm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, mời gọi họ tham gia các dự án trọng điểm của đất nước. Điều này cho thấy, kinh tế tư nhân đang được xem trọng một cách đặc biệt.

Bài 1: Chính sách phải tập trung thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh

Thủ tục hành chính gây lãng phí nguồn lực

Ông Phạm Hải Long - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm, Nông sản, Xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Saigon) - nhận xét: “Thủ tục hành chính như mê cung khiến doanh nghiệp (DN) bị mắc kẹt. Có nhiều quy định vượt quá yêu cầu của thị trường, gây lãng phí nguồn lực”.

Ông nêu ví dụ, khi lô hàng thực phẩm không đạt chuẩn, DN xuất khẩu phải nhận lại toàn bộ hàng. Nghĩa là chính DN phải bảo đảm chất lượng của lô hàng xuất khẩu. Thế nhưng, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đều đặn bổ sung các quy trình kiểm tra lý hóa, lấy mẫu chồng chéo, khiến sản phẩm xuất khẩu bị kiểm tra đến 2 lần, làm chậm thời gian giao hàng và giảm chất lượng sản phẩm. Tiến độ hoàn thuế cho DN cũng rất chậm khiến dòng tiền của DN bị tắc nghẽn.

“Vay vốn thì không được, tiền hoàn thuế thì ách tắc nên DN không biết lấy tiền đâu ra để xoay xở. Nhiều chủ DN phải bán nhà đất, tài sản cá nhân để duy trì hoạt động”.

Ông Phạm Hải Long

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - cho rằng, luật pháp còn nhiều điểm mơ hồ, thủ tục hành chính thì phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Đây là điểm mà các cơ quan quản lý nhà nước vin vào để đưa ra các yêu cầu mâu thuẫn, gây khó khăn cho DN. Ông dẫn chứng, công ty ông sử dụng đất được nông lâm trường giao khoán cho dân những năm 1993-1995, cách đây hơn 30 năm. Khi đó, đất đai rất cần người khai thác. Những người nhận đất lúc đó nay đã già hoặc chuyển đổi nghề nghiệp và muốn chuyển nhượng lại đất của mình. Công ty ông muốn mua lại quyền sử dụng đất và cây trồng trên đất nhằm sản xuất nông sản quy mô lớn để xuất khẩu nhưng chính quyền địa phương không cho. Họ còn yêu cầu chặt bỏ cây trồng dù công ty đã có đơn xin tiếp tục canh tác. Do phải thuê đất nên công ty không thể thế chấp đất hay tài sản trên đất để vay vốn.

Công ty cổ phần Môi trường V.C. đang gặp khó khăn về vốn và mặt bằng. Đại diện công ty cho hay, khi thành lập khu công nghiệp Lê Minh Xuân, ban quản lý khu này mời gọi DN đầu tư với những lời hứa hẹn hấp dẫn. Ban đầu, họ cho thuê đất, sau đó rao chuyển nhượng quyền sử dụng đất. DN này đã mua đất và được cấp “sổ đỏ” nhưng đùng một cái, ban quản lý khu công nghiệp yêu cầu phải di dời DN để nhường chỗ cho các ngành công nghiệp “sạch” dù Công ty V.C. đã đạt chứng nhận DN xanh 2 năm liên tiếp. Hiện công ty vẫn hoạt động trong khu công nghiệp này nhưng không được phép mở rộng nhà máy. Công ty đã mua thêm 7.000m2 nhưng bị yêu cầu hủy hợp đồng và hoàn trả tiền đặt cọc.

Hoạt động chế biến hàng xuất khẩu của Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) tại An Giang - ẢNH: MAI CA
Hoạt động chế biến hàng xuất khẩu của Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) tại An Giang - Ảnh: Mai Ca

Đại diện Công ty cổ phần Môi trường V.C. nói: “Tôi cảm thấy kinh tế tư nhân đang bị đối xử bất công. Chúng tôi thường bị đặt ở vị trí sau các DN nhà nước. Chúng tôi có nguồn lực để chuyển đổi xanh nhưng lại thiếu mặt bằng để thực hiện. Nếu có không gian rộng lớn hơn, chúng tôi có thể triển khai các dự án chuyển đổi xanh với quy mô lớn hơn”.

Cần gỡ khó cho doanh nghiệp tư nhân

Ông Phạm Hải Long cho rằng, để DN Việt vươn lên tầm quốc tế, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát, bãi bỏ những quy định rườm rà, không cần thiết, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt cho họ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Lãi suất vay ở Việt Nam đang là gánh nặng cản trở sự đổi mới của DN.

Ông Võ Quan Huy nhận định, tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất lớn. Muốn khai thác tốt tiềm năng này, cần dỡ bỏ những rào cản đối với DN, nhất là DN tư nhân. Chẳng hạn, với các mặt hàng chiến lược như chuối, sầu riêng, thủy sản, nếu thủ tục được đơn giản hóa, DN có thể đạt mức tăng trưởng từ 15 - 20%, thậm chí 30 - 40% mỗi năm. Ông dẫn chứng, năm 2024, Công ty Huy Long An xuất khẩu 20.000 tấn sản phẩm, mang về 13 triệu USD. Nếu mọi việc thuận lợi, trong năm 2025, công ty dự kiến xuất khẩu 35.000 tấn, đạt doanh thu 22 triệu USD.

Ông đề xuất, cần có chính sách bảo vệ cán bộ tín dụng khi thẩm định các dự án nông nghiệp bởi lĩnh vực này luôn tiềm ẩn rủi ro, khó áp dụng nguyên tắc chung như các lĩnh vực khác. Ngoài ra, cơ quan quản lý nên để DN được tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật cho phép, cần tránh những quy định gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Ông Trần Như Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, Việt Nam có trên 7.000 DN dệt may, trong đó DN tư nhân chiếm hơn 80%. Ngành dệt may là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của quốc gia và tạo việc làm cho hàng triệu người. Năm 2024, giá trị xuất khẩu của ngành dệt may đạt 44 tỉ USD và mục tiêu năm 2025 là đạt 48 tỉ USD.

Theo ông, ngoài sự khó lường của thị trường thế giới, DN dệt may còn thiếu vốn để đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm xanh, bền vững. Để đầu tư một dây chuyền sản xuất đáp ứng các tiêu chí xanh, hiện đại, cần số vốn tối thiểu 1 triệu USD (khoảng 25 tỉ đồng). Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ vốn để DN đổi mới công nghệ nhưng DN chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này. Ông đề xuất lập quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh cho DN ngành dệt may, giúp họ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, đồng thời giảm 30% tiền thuê đất để DN phát triển nhà xưởng, từ đó cạnh tranh bình đẳng với DN có vốn nước ngoài.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex: Cần có quỹ để hỗ trợ khi Doanh nghiệp lâm nguy

Năm 2006, Intimex được cổ phần hóa từ công ty nhà nước với số vốn ban đầu chỉ 8 tỉ đồng. Vượt qua những rào cản trong kinh doanh, năm 2024, Intimex đã đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,5 tỉ USD, doanh thu 70.000 tỉ đồng. Chúng tôi dự kiến năm 2025, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 2 tỉ USD, doanh thu dự kiến 90.000 tỉ đồng.

Kinh nghiệm của chúng tôi là “cứ có tiền là cho xây nhà máy”, sau đó dùng nhà máy làm tài sản để thế chấp vay vốn ngân hàng, từ đó mở rộng thị trường, làm tăng doanh thu. Hiện chúng tôi đang có 30 nhà máy chế biến cà phê, hồ tiêu, gạo và điều. Intimex xuất khẩu cà phê với số lượng và giá trị chiếm 1/3 toàn ngành và xuất khẩu trên 600.000 tấn gạo/năm.

Để kinh tế tư nhân phát triển, ở mỗi lĩnh vực, cần có doanh nghiệp (DN) đầu đàn. Trước đây, các tổng công ty nhà nước rất mạnh nhưng khi ra cơ chế thị trường thì không vươn lên được do có nhiều rào cản. Chẳng hạn, họ không giữ được người tài do chính sách tiền lương cứng nhắc, nhưng DN tư nhân sẵn sàng trả lương cao để thu hút nhân tài.

Mấy năm trước, Olam - công ty nông sản mạnh của Singapore - suýt phá sản nhưng đã được một quỹ của Singapore mua lại, tái cơ cấu và lớn mạnh trở lại. Việt Nam cũng nên có các quỹ tương tự để hỗ trợ DN tư nhân trong trường hợp họ sắp phá sản do một sai lầm nhất thời nào đó. Theo tôi biết, Việt Nam cũng có quỹ tương tự nhưng chỉ mới hỗ trợ DN nhà nước, chưa hỗ trợ DN tư nhân.

Về thuế, Việt Nam có xu hướng thu thuế tối đa, chưa tạo điều kiện cho DN dùng lợi nhuận để tái đầu tư, phát triển. Với chính sách thuế này, các DN sẽ giấu bớt lợi nhuận để giảm đóng thuế hoặc chỉ làm vừa phải, đóng thuế vừa phải, nghĩa là chính sách thuế chưa kích thích họ phát triển. Trong khi đó, Tập đoàn Intimex có một công ty ở Singapore; khi có lợi nhuận 300.000 USD, thuế suất là 17% nhưng khi lợi nhuận vượt ngưỡng này thì thuế suất giảm còn 10%. Do đó, công ty luôn muốn có lợi nhuận cao để được hưởng ưu đãi về thuế.

Nhà nước Việt Nam cũng cần xem lại chính sách thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích người lao động làm nhiều, cống hiến nhiều và tuân thủ quy định. Với chính sách hiện hành, lương càng cao thì tiền đóng thuế càng nhiều nhưng người lao động chỉ muốn biết mình thực nhận bao nhiêu và DN phải tự lo phần đóng thuế.

Kỳ tới: Đòn bẩy về tài chính và cơ chế, chính sách

Thanh Hoa - Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI