Kinh tế TPHCM khả quan nhưng còn nhiều khó khăn phía trước

02/02/2024 - 06:14

PNO - Tại phiên họp về tình hình kinh tế, xã hội tháng 1/2004, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tháng 2/2024 do UBND TPHCM tổ chức ngày 1/2, lãnh đạo các sở cho biết, các chỉ số kinh tế của TPHCM trong tháng 1/2024 đều khả quan nhưng dự báo sẽ còn nhiều khó khăn phía trước.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - thông tin, trong tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 19,88% so với cùng kỳ năm trước; ngành dệt may, giày da đã có đơn hàng sản xuất tới quý II/2024; lượng hàng phục vụ nhu cầu tết về 3 chợ đầu mối tăng, sức mua qua các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử tăng mạnh. 

Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho hay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 đạt 103.241 tỉ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo từ ngày 1 - 9/2, sức mua ở chợ truyền thống sẽ tăng lên 20 - 30% so với ngày thường, giá các mặt hàng tương đối ổn định. 

Từ cuối năm 2023, TPHCM liên tục có các hoạt động thu hút khách du lịch. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan các điểm đến của TPHCM trong Tuần lễ du lịch năm 2023 diễn ra từ ngày 4 - 10/12/2023 -  ẢNH: CHÍ HÙNG
Từ cuối năm 2023, TPHCM liên tục có các hoạt động thu hút khách du lịch. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan các điểm đến của TPHCM trong Tuần lễ du lịch năm 2023 diễn ra từ ngày 4 - 10/12/2023 - ẢNH: CHÍ HÙNG

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho biết, du lịch đang phục hồi tốt với tổng doanh thu tháng 1/2024 đạt gần 13.000 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 20% doanh thu du lịch cả nước. Tuy nhiên, nhiều khả năng doanh thu quý I/2024 và các tháng sau tết sẽ không tăng cao như trong tháng 1/2024. Hiện doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống có xu hướng giảm do kinh tế khó khăn và do việc quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo bà, cần phải có những giải pháp kích cầu chi tiêu, du lịch phù hợp với tình hình kinh tế. 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, sau kỳ nghỉ tết, ngành công thương sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, đưa nguồn vốn vào sản xuất, kinh doanh. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của doanh nghiệp, cả thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua việc hỗ trợ các hiệp hội chuyên ngành tham gia triển lãm ở các thị  trường tiềm năng, đồng thời cũng xây dựng trung tâm hậu cần (logistics) đầu tiên ở TPHCM. 

 Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - dự báo: hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024 có thể tiếp tục khó khăn do tổng cầu giảm mạnh ở một số thị trường chủ lực của các doanh nghiệp TPHCM, giá mặt hàng xuất nhập khẩu cũng sẽ giảm. Theo ông, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TPHCM tháng 1/2024 giảm 4,5% so với tháng trước, chỉ số tồn kho tăng cao cho thấy một số ngành sản xuất có nguy cơ gặp khó khăn. Ngoài ra, các yếu tố như áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ ngày 1/1/2024, cơ chế điều chỉnh quy chế carbon, các thuế môi trường áp dụng ở châu Âu tạo ra sự đan xen những cơ hội và thách thức trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TPHCM - hiện vẫn còn vài chỉ số kinh tế giảm; trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước giảm 5,8%. Do đó,  cần tổ chức các hoạt động để tăng nguồn thu ngân sách, như thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn, sớm đưa trung tâm logistics vào hoạt động, có thêm chính sách hỗ trợ người thất nghiệp. Trong tháng 1/2024, đã có 10.000 người lao động thất nghiệp, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 23,4% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa có tăng nhưng vẫn còn thấp so với các địa phương, việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản chưa đáp ứng kỳ vọng, nhất là các dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Ông đề nghị trong quý I/2024, các sở, ban, ngành của TPHCM cần chú trọng triển khai 5 nhiệm vụ để thúc đẩy kinh tế. Thứ nhất, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tiếp tục nghiên cứu sâu các kịch bản tăng trưởng, đưa ra dự báo để các ngành, các cấp quan tâm và có kế hoạch thực hiện. Thứ hai, toàn thành phố phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công phải đạt 12% với tổng tiền 75.550 tỉ đồng. Thứ ba, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, đào tạo tiểu thương live stream bán hàng để góp phần thúc đẩy thương mại điện tử và tiêu dùng nội địa phát triển. Thứ tư, các cơ quan triển khai quyết liệt chủ đề năm 2024 về tập trung chuyển đổi số, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Nghị quyết 98/2023/QH15, thành lập trung tâm chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội. Thứ năm, thúc đẩy mô hình dòng vốn xanh thông qua việc kêu gọi, thu hút đầu tư. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI