Kinh tế toàn cầu dự kiến ​​tăng trưởng 2,8% vào năm 2025

10/01/2025 - 06:43

PNO - Theo báo cáo của Liên hiệp quốc công bố ngày 9/1, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ duy trì ở mức 2,8% vào năm 2025, không thay đổi so với năm 2024.

Nam Á là khu vực có mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2025 - Ảnh: Bloomberg
Nam Á là khu vực có nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2025 - Ảnh: Bloomberg

Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2025 của Liên hiệp quốc cho biết, mặc dù lạm phát giảm, thị trường lao động được cải thiện, nhưng tăng trưởng toàn cầu vẫn được dự đoán thấp hơn trước đại dịch và nền kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều bất ổn đáng kể.

Báo cáo dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,9% vào năm 2026.

Cụ thể, lạm phát thấp hơn và nới lỏng tiền tệ đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bất ổn vẫn còn lớn, với những rủi ro bắt nguồn từ xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại gia tăng và chi phí vay tăng cao ở nhiều quốc gia.

Những thách thức này đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, các nước có nền kinh tế tăng trưởng kém và mong manh.

Tăng trưởng ở Mỹ dự kiến ​​sẽ giảm từ 2,8% vào năm 2024 xuống 1,9% vào năm 2025, do thị trường lao động suy yếu và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Châu Âu dự kiến ​có mức tăng trưởng khiêm tốn, GDP sẽ tăng từ 0,9% vào năm 2024 lên 1,3% vào năm 2025, nhờ lạm phát giảm và thị trường lao động phục hồi.

Đông Á được dự báo sẽ tăng trưởng 4,7 % vào năm 2025. Trong khi đó, Nam Á dự kiến vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất, với mức tăng trưởng GDP ​​là 5,7% vào năm 2025, dẫn đầu là mức tăng trưởng 6,6% của Ấn Độ.

Châu Phi được dự báo sẽ tăng trưởng khiêm tốn từ 3,4% vào năm 2024 lên 3,7% vào năm 2025, nhờ sự phục hồi ở các nền kinh tế lớn bao gồm Ai Cập, Nigeria và Nam Phi.

Lạm phát toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm từ 4% vào năm 2024 xuống còn 3,4% vào năm 2025, giúp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bớt đi phần nào gánh nặng.

Báo cáo nhấn mạnh các chính phủ nên tận dụng không gian tài chính, được tạo ra từ việc nới lỏng tiền tệ để ưu tiên đầu tư vào phát triển bền vững, đặc biệt là trong các lĩnh vực xã hội quan trọng.

Thu Hương (theo Tân Hoa )

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI