Kinh tế toàn cầu đối mặt thời kỳ suy yếu kéo dài

05/01/2024 - 06:18

PNO - Liên hiệp quốc kêu gọi các nước tăng cường đầu tư để tránh tụt hậu vì khí hậu và phát triển bền vững.

 

Năm 2024 dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng ảm đạm.
Năm 2024 dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng ảm đạm

Liên hiệp quốc cảnh báo, thế giới đang phải đối mặt với một thời kỳ tăng trưởng kinh tế yếu kém kéo dài. Điều này sẽ làm suy yếu tiến trình phát triển bền vững, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường đầu tư để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Đánh giá hàng năm về tình hình kinh tế toàn cầu của tổ chức cho thấy triển vọng tăng trưởng ảm đạm, khi các nước phải vật lộn với tác động của chi phí vay cao hơn, căng thẳng địa chính trị và nguy cơ thảm họa khí hậu tăng cao.

Báo cáo Triển vọng và Tình hình kinh tế thế giới dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,4% trong năm 2024, từ mức 2,7% vào năm 2023 và thấp hơn đáng kể so với mức 3% trước đại dịch.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương hàng đầu tiếp tục triển khai lãi suất cao, nhằm ứng phó với đợt bùng phát lạm phát mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, sau tác động kinh tế của đại dịch và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

António Guterres - Tổng thư ký Liên hiệp quốc - cho biết: “2024 phải là năm chúng ta thoát ra khỏi vũng lầy này. Bằng cách khai thác các khoản đầu tư lớn và táo bạo, chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững và hành động vì khí hậu, đồng thời đưa nền kinh tế toàn cầu vào con đường tăng trưởng mạnh mẽ hơn".

Dự báo mới nhất cho thấy lạm phát toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm từ khoảng 5,7% năm 2023 xuống còn 3,9% trong năm 2025, giúp giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ áp lực chi phí tiêu dùng vẫn tăng cao, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng bất kỳ sự leo thang xung đột địa chính trị nào nữa đều có nguy cơ dẫn đến một đợt bùng phát lạm phát mới.

Các nhà kinh tế nhấn mạnh, sự gián đoạn kéo dài trong hoạt động vận tải biển, hoặc một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực liên quan đến Iran, hoặc việc đóng cửa eo biển Hormuz đối với hoạt động vận chuyển - tuyến đường vận chuyển dầu và khí đốt quan trọng - có thể làm tăng thêm đáng kể lạm phát toàn cầu.

Liên hiệp quốc cho biết, điều quan trọng là các chính phủ phải đưa ra nhiều hỗ trợ tài chính hơn để kích thích tăng trưởng kinh tế, vào thời điểm các ngân hàng trung ương đang giữ lãi suất ở mức cao.

Thu Hương (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI