Kinh tế thế giới căng thẳng theo xung đột Nga - Ukraine

02/03/2022 - 06:31

PNO - Căng thẳng giữa Ukraine, phương Tây và Nga diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với kinh tế thế giới, vốn chỉ mới bắt đầu phục hồi sau sự tàn phá của COVID-19.

Khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn nhiều trong những thập niên gần đây và đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào khả năng phát triển kinh tế suốt hơn hai năm qua. Hiện tại, dù đã có một số dấu hiệu phục hồi, nhưng rủi ro lạm phát cao và tăng trưởng thấp vẫn còn, các khoản nợ công lớn hạn chế khả năng can thiệp, hỗ trợ kinh tế của nhiều chính phủ. Do đó, tác động đối với thị trường tài chính từ xung đột giữa Nga với Ukraine và phương Tây hoàn toàn có thể nhìn thấy trước. 

Đối mặt với cú sốc lớn, thị trường chứng khoán toàn cầu từ mức dao động tăng giảm 10% hiện nay chuyển sang sụt giảm nghiêm trọng (âm 20% hoặc hơn). Lợi suất trái phiếu của các chính phủ dự kiến sẽ giảm trong một thời gian và sau đó tăng lên khi lạm phát trở nên bất ổn. Giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng vọt, trong đó giá dầu lên đến trên mức 100 USD/thùng bên cạnh nhiều mặt hàng khác vì cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nguyên liệu thô và thực phẩm lớn. Các đồng tiền an toàn như đồng franc Thụy Sĩ sẽ mạnh lên, và giá vàng tiếp tục leo thang. Thị trường năng lượng thế giới - được biểu thị bằng điểm chuẩn Brent - sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá dầu thô của Mỹ. Tương tự, các lệnh trừng phạt sắp tới đối với Nga sẽ gây tổn hại không chỉ cho Nga mà còn cả Mỹ, phương Tây và các thị trường mới nổi.

Tác động từ xung đột giữa Nga, Ukraine và phương Tây có thể ảnh hưởng mạnh, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu - ẢNH: AFP
Tác động từ xung đột giữa Nga, Ukraine và phương Tây có thể ảnh hưởng mạnh, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu - Ảnh: AFP

Lạm phát cao và tiếp tục gia tăng càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt vốn đang ảnh hưởng đến nhiều người tiêu dùng trên thế giới. Đồng thời mở ra một tình thế khó xử đối với các ngân hàng trung ương trước đó đã đổ tiền vào nền kinh tế trong đại dịch.

Hầu hết các quốc gia hiện đang rút dần khoản hỗ trợ này và nâng dần lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng “tiền lương - giá cả”, nơi mọi người yêu cầu mức lương cao hơn để bù đắp cho chi phí sinh hoạt tăng, buộc các công ty phải tăng giá hàng hóa để bù đắp chi phí. Các ngân hàng trung ương sau đó phải tăng lãi suất cao hơn nữa. Lạm phát cũng khiến chính phủ phải siết chặt chi tiêu, làm giảm hiệu quả dịch vụ công. Với các công ty, một khi việc tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ để bù đắp cho việc chi phí trả lương cao hơn không thể đạt được, họ có thể cắt giảm nhân lực, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. 

Tác động đến châu Á
Justin Tang - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại tổ chức United First Partners ở Singapore - cho biết: “Tác động tức thời sẽ là giá dầu, vì vậy các công ty sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào sẽ thấy khó khăn”. Bên cạnh đó, việc giảm khả năng đi lại quốc tế do căng thẳng, cùng với giá nhiên liệu cao hơn, sẽ là đòn giáng vào các hãng hàng không. 

Sau sự bùng phát của biến thể Omicron, một số quốc gia châu Á, chẳng hạn như Thái Lan, bắt đầu mở cửa biên giới cho du khách đã tiêm phòng, nhưng rủi ro địa chính trị có thể khiến mọi người ngại du lịch, dẫn đến sự phục hồi du lịch chậm chạp. Đáng chú ý, Thái Lan và nhiều quốc gia Đông Nam Á là điểm đến du lịch ưa thích của du khách Nga. Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, 133.903 khách du lịch quốc tế đã đến nước này trong tháng Giêng, gấp hơn 17 lần cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 23.760 người đến từ Nga. Mặc dù các hãng hàng không châu Á không bị Nga đóng cửa không phận như nhiều hãng hàng không châu Âu, khả năng phục hồi sau đại dịch của nhóm doanh nghiệp này chậm hơn so với các đối thủ khác trên thế giới. 

Cuộc khủng hoảng hiện tại cũng diễn ra khi Ukraine nổi lên như một trung tâm công nghệ đang phát triển ở Đông Âu. Nhiều công ty công nghệ có cơ sở hoặc đối tác phát triển tại Ukraine. Những công ty này hiện đang phải đối mặt với lo ngại về tình hình tại địa phương. Chẳng hạn, Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) có khoảng 7.200 nhân viên từ công ty con GlobalLogic (Mỹ) đang làm việc tại Ukraine. Hiện, Hitachi đã lên kế hoạch sơ tán nhân viên. 

Ukraine còn là nước xuất khẩu lớn về lúa mì, bắp và các loại ngũ cốc. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiềm ẩn có thể làm tăng giá ngũ cốc, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Á. Với khu vực Đông Nam Á, Ukraine cung cấp phần lớn lúa mì, yến mạch và các loại ngũ cốc khác, chiếm 9,21% tổng giá trị thương mại vào năm 2020. Nga cung cấp thêm 3,99%. Tính chung, Nga và Ukraine là nguồn nhập khẩu ngũ cốc lớn thứ ba cho một khu vực đang tăng tiêu thụ các sản phẩm lúa mì. 

Cuối cùng, Mát-xcơ-va là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á từ năm 1999 - 2018, chiếm 26% tổng số vũ khí của khu vực, theo báo cáo năm 2019 của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm. Nhưng các hợp đồng vũ khí của Nga gần đây đã gặp khó khăn, một phần do khả năng bị Mỹ trừng phạt. 

Tấn Vĩ (theo Asia Nikkei, FT, The Conversation, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI