Kinh tế khó khăn, người dân Trung Quốc giảm mua thịt dịp năm mới

07/02/2024 - 22:25

PNO - Những người bán thịt ở Bắc Kinh buồn bã vì doanh số bán hàng dịp tết Nguyên đán chậm lại, giữa lúc người dân chọn “thắt lưng buộc bụng” trước cảnh kinh tế khó khăn.

 

Những người bán thịt phục vụ khách hàng tại chợ bán buôn Xinfadi ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 2 tháng 2 năm 2024. REUTERS/Mei Mei Chu
Những người bán thịt phục vụ khách hàng tại chợ bán buôn Xinfadi ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 2/2/2024 - Ảnh: REUTERS/Mei Mei Chu

Những người bán thịt ở chợ bán buôn thực phẩm Xinfadi - ngôi chợ lớn nhất Bắc Kinh - ngồi buồn bã trên những chiếc ghế đẩu phía sau quầy hàng chất đầy thịt. Thỉnh thoảng, họ ngước nhìn lên từ màn hình điện thoại thông minh để mời gọi một số ít người mua hàng đang lơ đãng đi ngang qua.

“Thời điểm này năm ngoái, khu chợ chật kín người đến nỗi bạn không thể di chuyển” - một người bán thịt heo tên Li cho biết. Anh Li từng bán 20 con heo mỗi ngày trong dịp nghỉ lễ năm trước, nhưng năm nay anh chỉ bán được khoảng 5 con.

Những ngày gần tết Nguyên đán lẽ ra là thời điểm bận rộn nhất trong năm của khu chợ Xinfadi, nhưng doanh số bán hàng chậm chạp phản ánh tình trạng bất ổn sâu sắc hơn đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm nay, những người tiêu dùng trầm ngâm đang thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh triển vọng việc làm không chắc chắn, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, thị trường chứng khoán lao dốc và giá trị tài sản sụt giảm.

Kỳ nghỉ lễ, còn được gọi là lễ hội mùa xuân, thường chứng kiến người dân ở quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới mua thịt tích trữ, chuẩn bị cho các dịp đoàn tụ gia đình. Dù vậy, hãng tin Reuters dẫn lời 10 người bán thịt và hải sản ở Xinfadi cho biết, nhu cầu mua  sắm năm nay rất mờ nhạt.

Anh Li nói: “Mọi chuyện đang trở nên tồi tệ hơn từ năm này sang năm khác. Có ít người mua sắm hơn và mọi người cũng mua ít hơn”.

Trung Quốc đã làm nhiều cách nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Nhưng với niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu, nợ chính phủ ngày càng gia tăng và tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại, triển vọng việc làm, kinh doanh và đầu tư đều không mấy khả quan.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 4,6% vào năm 2024, từ mức 5,2% vào năm 2023 và tiếp tục giảm trong trung hạn.

Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, cho biết: “Việc giảm tiêu thụ thịt là một dấu hiệu của suy thoái kinh tế”.

Công ty tư vấn nông nghiệp JCI có trụ sở tại Thượng Hải dự đoán mức tiêu thụ thịt heo năm 2023 của Trung Quốc vào khoảng 53 triệu đến 54 triệu tấn, thấp hơn mức trung bình 10 năm là từ 54 triệu đến 55 triệu tấn.

Nguồn cầu yếu khiến nông dân và thương nhân phải gánh chịu áp lực sau khi mở rộng mạnh mẽ hoạt động chăn nuôi trong những năm gần đây; từ đó dẫn đến dư thừa thịt heo và gia cầm. Vào cuối năm 2023, Bắc Kinh phải đưa ra phương án mua hàng chục ngàn tấn thịt heo đưa vào kho dự trữ nhà nước nhằm nâng giá thịt.

Một người bán buôn tên Jin Tao cho biết, lợi nhuận thu hẹp đã buộc một số nhà cung cấp ở Xinfadi phải đóng cửa. Anh tiết lộ: “5 năm trước, chợ này có thể bán tới 4.000 con heo mỗi ngày trong dịp tết Nguyên đán. Bây giờ, chúng tôi thậm chí không thể bán được 2.200 con”.

Người bán gà Ma Huolu nói, doanh số bán hàng trong lễ hội mùa xuân đã giảm 30% so với 1 năm trước, sau khi nhiều nhà hàng đóng cửa.

Về lâu dài, dân số Trung Quốc giảm trong năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023 đã làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu từ quốc gia nhập khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và những tác động của nó đối với ngành nông nghiệp toàn cầu.

Theo dữ liệu hải quan, tổng lượng thịt nhập khẩu đã giảm từ mức đỉnh 9,91 triệu tấn vào năm 2020 xuống còn 7,38 triệu tấn vào năm 2023, trong bối cảnh sản lượng trong nước tăng cao.

Tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và dân số già cũng đồng nghĩa với việc nhiều thực khách quan tâm đến sức khỏe đang chuyển từ thịt sang các món thay thế như đậu hũ.

Ở Xinfadi, anh Li thở dài khi cân một miếng thịt bụng heo cho người mua hàng. Anh chia sẻ: “Trước đây khách thường mua 2-3 miếng thịt bụng. Bây giờ ngay cả sườn heo cũng khó bán. Đây thực sự là một năm khó khăn”.

Linh La (theo Reuters, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI