Kinh tế hợp tác xã giúp nâng cao quyền năng của phụ nữ

29/03/2023 - 10:00

PNO - Không mới nhưng với sự đầu tư nguồn lực, phát huy sức sáng tạo… kinh tế hợp tác xã đang được kỳ vọng góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của người phụ nữ.

Phương thức mới giúp vượt khó, làm giàu

Từng là vùng chè nức tiếng của đất Thái Nguyên, nhưng hơn 10 năm trước, do phương thức làm ăn tụt hậu, không bắt kịp thị trường, chè Sông Cầu (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) mất dần chỗ đứng. Người nông dân ngao ngán bởi sản phẩm không có đầu ra, giá “rẻ như bèo”, kế sinh nhai tưởng chừng không thể duy trì. Nhưng với sự quan tâm, hỗ trợ từ UBND tỉnh Thái Nguyên, chị Vũ Thị Thanh Hảo đã mạnh dạn đứng ra kêu gọi những hộ gia đình có chung chí hướng thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Thịnh An, thay đổi hoàn toàn phương thức canh tác cũng như chế biến để cho ra những sản phẩm an toàn. Sự thay đổi đó đã giúp năng suất của cây chè tăng lên 30% và doanh thu lên đến 250 triệu đồng/ha, gấp hơn 2 lần so với lối canh tác và chế biến xưa cũ. Người dân cũng học được cách sử dụng các thiết bị sao chè mới hiện đại, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và giữ được hương vị đặc trưng của chè Sông Cầu. 

Từ thuần bán chè tươi với giá chỉ 12.000 đồng/kg, hiện nay chè Sông Cầu đã có mặt khắp cả nước với giá bán lên tới vài triệu đồng/kg. Khởi điểm với 7 thành viên, sau 5 năm hoạt động, HTX chè Thịnh An đã trở thành mái nhà chung của 150 hộ sản xuất. Đời sống của các nông hộ làm chè nhờ vậy mà được cải thiện rất nhiều.

Câu chuyện của chè Thịnh An chỉ là một trong số nhiều HTX do phụ nữ làm chủ đã và đang mang lại hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực. Theo thống kê, Việt Nam hiện có 29.000 HTX, trong đó có khoảng 10% đơn vị do phụ nữ tham gia quản lý, chiếm 39% chủ thể sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã 1 sản phẩm). 80% lực lượng lao động trong các HTX nông nghiệp hiện là phụ nữ.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng trên thực tế nhiều HTX do phụ nữ tham gia quản lý có quy mô còn nhỏ, chưa bắt kịp xu thế ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, sản phẩm chưa đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Là địa bàn có gần 200 HTX ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch… ông Lê Đức Thọ - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, nguồn lực hỗ trợ cho các HTX còn thấp, nhiều chính sách đã ban hành xong chưa nhiều đơn vị có thể tiếp cận. Nhiều HTX hoạt động còn hình thức, người dân chưa thấy được hiệu quả cụ thể khi tham gia. Vấn đề hỗ trợ lao động trẻ, lao động nữ cũng chưa tạo ra kết quả rõ nét…

"Cú hích" phát triển kinh tế, nâng cao bình đẳng giới

Trước tiềm năng, hiệu quả cũng như thực trạng của kinh tế HTX, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (gọi là đề án 01). Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - đánh giá, đây là đề án về phát triển kinh tế tập thể nhưng đặc thù cho giới nữ mà hội phụ nữ được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện. 

Hợp tác xã chè Thịnh An mang lại thu nhập và công ăn việc làm cho nhiều người dân tại Sông Cầu - ẢNH: UÔNG NGỌC
Hợp tác xã chè Thịnh An mang lại thu nhập và công ăn việc làm cho nhiều người dân tại Sông Cầu - Ảnh: Uông Ngọc

Đề án đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 có ít nhất 750 HTX, 5.000 tổ hợp tác do phụ nữ làm quản lý, điều hành và tạo việc làm ổn định cho 15.000 thành viên, lao động nữ; 40.000 lao động nữ trong tổ hợp tác. 100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành… Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có ít nhất 1.500 HTX hoạt động hiệu quả, 10.000 tổ hợp tác được các cấp hội hỗ trợ thành lập, tạo việc làm ổn định cho 30.000 thành viên nữ trong HTX và 100.000 lao động nữ trong tổ hợp tác…

Để đạt được mục tiêu đề ra, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, phát triển HTX không phải nhiệm vụ mới nhưng phải tư duy, đổi mới để luôn tạo ra sức sống mới và có bước phát triển mới. Muốn vậy, quá trình triển khai đề án phải lấy phụ nữ, người dân làm trung tâm, lồng ghép nguồn lực thực hiện đề án từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Các hoạt động hỗ trợ cụ thể cần kịp thời, nhạy bén, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế…” - Phó thủ tướng lưu ý.

Là cơ quan chủ trì thực hiện đề án, bà Trần Lan Phương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho biết, hội đã có kế hoạch triển khai tới từng cấp, nhằm thúc đẩy sự tham gia của các hội viên, phụ nữ cũng như toàn xã hội để phát triển kinh tế HTX. 

Hội LHPN Việt Nam đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như tuyên truyền, củng cố chất lượng HTX; hỗ trợ tư vấn thành lập mới, tăng cường hợp tác quốc tế; phối hợp cùng các bộ ban ngành, đơn vị để hỗ trợ phụ nữ làm quản lý ở các HTX được bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành; các thành viên, lao động nữ của HTX cũng được tham gia các khóa đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật… bằng các hình thức đào tạo phong phú. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - nhấn mạnh, đề án 01 của Chính phủ hết sức kịp thời trong bối cảnh tỉ lệ nữ tham gia làm chủ HTX đang ngày càng tăng và cũng gặp không ít khó khăn. Đề án sẽ có tác động mạnh tới việc phát triển kinh tế, nhất là ở địa bàn nông thôn. Đề án cũng góp phần nâng cao bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và tăng cường nhận thức của xã hội với vai trò của họ trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI