Kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực bởi bão lũ

23/09/2024 - 16:58

PNO - Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, do ảnh hưởng mưa bão, nguồn cung nông sản giảm, chi phí sản xuất và vận chuyển các mặt hàng khác tăng… khiến giá nhiều mặt hàng tăng cao. Đồng thời, nhu cầu dịch vụ sửa chữa nhà cửa, kho xưởng bị hư hại, cứu hộ, cứu trợ cũng tăng gây áp lực lên giá cả.

Mưa bão gây thiệt hại về tài sản, cây trồng, vật nuôi… làm giảm thu nhập của người dân, trong khi giá cả tăng khiến họ giảm chi tiêu trong ngắn hạn. Nếu không điều hòa cung cầu, khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi trong khi giá cả vẫn neo cao thì người dân sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát.

Cơn bão Yagi khiến miền Bắc thiệt hại hơn 40.000 tỉ đồng
Cơn bão Yagi khiến các địa phương miền Bắc thiệt hại hơn 40.000 tỉ đồng

Theo ông Ngô Trí Long, để hạn chế tác động của mưa bão đến lạm phát, Nhà nước phải can thiệp vào thị trường để ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu. Cần giám sát chặt chẽ công tác quản lý thị trường thông qua việc kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, nhất là các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối để phát hiện và xử lý tình trạng găm hàng, lợi dụng tình hình để tăng giá. Khi nguồn cung trong nước khan hiếm sẽ xuất hiện tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nên phải tăng cường kiểm tra nhóm mặt hàng này.

Để nền kinh tế sớm phục hồi, Nhà nước cần cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế cho người dân và doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí sản xuất. Ông đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước vào cuộc triển khai các gói hỗ trợ như cho phép khách hàng được giãn, hoãn thời gian trả nợ gốc, lãi, điều chỉnh lại kỳ hạn vay, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay trong hạn và khoản vay mới, tăng hạn mức tín dụng… là rất tích cực. Hiệu quả của chính sách này là người vay giảm bớt áp lực trả nợ vay, có thể tái đầu tư, tạo việc làm, ổn định sản xuất và cung ứng hàng hóa, góp phần ổn định thị trường và kiểm soát được lạm phát.

Tuy nhiên, thay vì hỗ trợ đại trà các khách hàng có khoản vay trong khoảng thời gian từ đây đến cuối năm, ngân hàng chỉ nên tập trung hỗ trợ những hộ gia đình và doanh nghiệp thực sự bị ảnh hưởng do bão lũ để các đối tượng này nhận được hỗ trợ nhiều hơn, hiệu quả hơn. Các ngân hàng nên tích cực phối hợp với các công ty bảo hiểm để hỗ trợ người vay được hưởng các quyền lợi bảo hiểm một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến nhập khẩu, vận chuyển, phân phối các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng phải cần được ưu tiên giải quyết để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, góp phần giúp giảm áp lực tăng giá.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI