Kinh phí trùng tu, bảo tồn di tích: Làm thế nào để có thể vận động xã hội hóa?

27/06/2024 - 17:14

PNO - Do nguồn lực để trùng tu các di tích ở nhiều địa phương rất hạn chế trong khi nhu cầu rất lớn nên xã hội hóa là phương thức được xem là giải pháp đầu ra cho vấn đề. Tuy nhiên hiện kết quả vận động xã hội hóa của các địa phương rất thấp. Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế - về vấn đề này.

Phóng viên: Theo ông, việc vận động xã hội hóa trong bảo tồn, trùng tu di tích có ý nghĩa ra sao trong bối cảnh hiện tại

Ông Phan Thanh Hải: Bên cạnh kinh phí, với mỗi dự án trùng tu, điều quan trọng không kém là chúng ta có cơ hội để đào tạo, tăng kinh nghiệm cho đội ngũ nhân lực thực hiện. Nguồn lực ngân sách nhà nước chắc chắn có hạn. Xã hội hóa là việc làm hết sức cần thiết và là hướng đi đúng. Khi nhiều người cùng góp sức, chắc chắn nguồn lực sẽ lớn hơn rất nhiều.


* Thừa Thiên - Huế đã đạt những kết quả khả quan trong lĩnh vực này. Việc có số lượng di tích lớn, bề dày văn hóa… có phải là lợi thế so với những địa phương khác?

- Tại Huế, bên cạnh hệ thống di tích được quan tâm (quần thể di tích cố đô Huế, một số di tích cách mạng), vẫn còn rất nhiều di tích có nguồn đầu tư hạn chế. Tình hình tại Huế có thể tốt hơn nhiều địa phương khác nhưng sự vướng mắc về cơ chế, chính sách, cộng với một số nguyên nhân khác cũng khiến việc này chưa phát triển như mong muốn.

Theo quan sát của tôi, ở một số địa phương, cách tiếp cận vấn đề chưa thực sự tốt. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào lãnh đạo sở tại, cách đặt mục tiêu đầu tư, phát triển văn hóa ra sao. Địa phương cũng cần có những chính sách cởi mở, linh hoạt để thu hút nguồn lực của xã hội dựa trên sự so sánh, đối chiếu với quy định chung.

* Điểm nghẽn nào được xem là cấp thiết cần tháo gỡ thưa ông?

Tại Thừa Thiên - Huế, lăng mộ của hoàng thái hậu Từ Dụ (vợ vua Thiệu Trị) đã hoàn thành việc trùng tu vào đầu tháng Sáu vừa qua với kinh phí 6,9 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Từ năm 1992 đến nay, nhiều công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế (Ngọ Môn, nhà hát Duyệt Thị Đường, lăng vua Minh Mạng, điện Long Đức, cung An Định…) đã nhận được nguồn tài trợ trùng tu từ nhiều quốc gia thông qua UNESCO (Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc, Thái Lan, Canada, Đức…) cũng như sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp trong nước với tổng số tiền tài trợ khoảng 100 tỉ đồng.

- Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa có lĩnh vực văn hóa. Đây là điều cần tháo gỡ. Tôi cũng là một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu, đóng góp sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Chúng tôi đã có những đề xuất để tháo gỡ những trở ngại này và hy vọng sẽ có tín hiệu tốt.

Luật được sửa đổi, bổ sung sẽ thu hút được các cá nhân, tổ chức tham gia trực tiếp vào quá trình này, chứ không chỉ dừng ở việc đóng góp như hiện tại. Khi đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích mới thực sự đến gần cộng đồng được.

* Từ tình hình thực tế hiện nay, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

- Từ năm 2020, tại Huế, chúng tôi đã có sự hỗ trợ cho hệ thống bảo tàng ngoài công lập. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 5 bảo tàng tư nhân đi vào hoạt động khá hiệu quả. Đây cũng là một trong những nguồn lực khá quan trọng.

Hiện có rất nhiều cá nhân sở hữu những bộ sưu tập cổ vật lớn. Nhưng muốn thành lập bảo tàng phục vụ công chúng, du lịch thì phải cho thấy họ sẽ có lợi ích gì, được hỗ trợ gì. Khi có thêm bảo tàng với tư liệu tốt, địa phương sẽ có thêm một điểm du lịch.

Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho những đơn vị này duy trì hoạt động hoặc có lợi nhuận tương đối. Có người muốn thành lập bảo tàng vì đam mê, muốn đóng góp cho văn hóa. Nhưng nếu chỉ có nguồn thu từ bán vé chắc chắn khó có lời. Nhà nước cần tạo điều kiện tốt về giá thuê mặt bằng, kinh doanh các dịch vụ đi kèm phù hợp, chính sách quảng bá điểm đến, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn tốt… Khi có sự hỗ trợ này, các đơn vị tư nhân cũng sẽ có những cam kết, hỗ trợ địa phương trở lại trong các dự án cần nguồn đầu tư xã hội hóa. Điều quan trọng nhất là cơ quan quản lý, địa phương cần khơi gợi được ý thức từ cộng đồng.

Lăng hoàng thái hậu Từ Dụ vừa hoàn thành trùng tu vào đầu tháng Sáu từ nguồn kinh phí xã hội hóa - ẢNH: THUẬN HÓA
Lăng hoàng thái hậu Từ Dụ vừa hoàn thành trùng tu vào đầu tháng Sáu từ nguồn kinh phí xã hội hóa - Ảnh: Thuận Hóa

* Với các doanh nghiệp, cá nhân làm kinh doanh thì mục tiêu lợi nhuận sẽ được đặt lên hàng đầu. Nhưng việc đầu tư cho văn hóa, di tích không thể có lợi nhanh, khó khăn này cần được giải quyết như thế nào thưa ông?

- Quan trọng nhất vẫn là cách thuyết phục của chúng ta với họ như thế nào. Bên cạnh lợi ích trực tiếp về vật chất (đồng tiền xoay vòng, tạo ra lợi nhuận…) cần nhấn mạnh giá trị vô hình về thương hiệu, sự đóng góp tạo ra sự phát triển của địa phương và quốc gia, nâng cao đời sống tinh thần của người dân…

Có 2 điều quan trọng trong việc thuyết phục là xứng đáng và hiệu quả. Sự trung thực, chân thật luôn phải đi đầu. Chính sách vận động phải tương xứng với tình hình thực tế tại địa phương và tạo dựng được niềm tin trong cộng đồng. Chúng ta cũng cần có những ví dụ, mô hình cho thấy rõ điều này chứ không chỉ là lý thuyết suôn. Dĩ nhiên, để có được thành công không phải chuyện của ngày một ngày hai. Cần bắt đầu ngay bây giờ và tất cả hành động phải đặt lợi ích chung lên hàng đầu.

* Xin cảm ơn ông.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa