Kinh phí nghiên cứu của cán bộ ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ bằng 1/250 so với đại học nước ngoài

08/01/2019 - 16:57

PNO - Ngày 8/1, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cùng Ủy Ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia TPHCM.

PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết có nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Ngoài vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, nguồn kinh phí hoạt động có nhiều khó khăn.

Cụ thể, nguồn ngân sách nhà nước cấp trong 3 năm gần đây liên tục giảm dần. Năm 2016 -2018 ngân sách cấp lần lượt là 1.188 tỷ đồng, 750 tỷ đồng và 798 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng ngân sách so với tổng kinh phí hoạt động trong 3 năm qua giảm lần lượt từ 40,7%, xuống 29,3% và 29,4%.

Từ đó chi phí đào tạo cho 1 sinh viên/năm của ĐH Quốc gia TPHCM chỉ ở mức 27,99 triệu đồng/năm. Trong khi đó, chi phí bình quân cho một sinh viên đại học tại Singapore khoảng 21.853 SGD (thống kê năm 2017 của Bộ GD-ĐT Singapore) tương đương 350 triệu đồng/năm, thì con số này quá thấp.

Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu cũng thấp không kém. Theo TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Kế hoạch - tài chính ĐH Quốc gia TP.HCM, trung bình hàng năm mỗi cán bộ nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM nhận được kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 16 triệu/năm. Trong khi, tại Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) con số này là… 4 tỉ đồng, gấp 250 lần so với chúng ta. Điều này làm ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực.

Kinh phi nghien cuu cua can bo DH Quoc gia TP.HCM chi bang 1/250 so voi dai hoc nuoc ngoai
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Quốc hội trao đổi với cán bộ nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM

Tại buổi làm việc, PGS Đạt kiến nghị Chính phủ tháo gỡ bằng cách bố trí vốn để hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học công lập; tăng mức cho vay dành cho sinh viên để phù hợp với thực tế hơn…

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội nhìn nhận, chi phí thấp mà đòi hỏi chất lượng cao, dạy bằng tiếng Anh là rất khó. Việc cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực cũng nhiều khó khăn khi chi phí các công tác phục vụ đào tạo của ta hiện nay quá thấp.

"Tôi thống nhất đề xuất ngân sách nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư cho ĐH Quốc gia. Về cơ chế tự chủ tài chính, các trường phải có phương án cụ thể. Các trường đại học khác tồn tại được thì chúng ta cũng phải tồn tại theo cơ chế thị trường, giảm gần sự cấp phát của nhà nước", ông Hải nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hải cho biết thêm: "Điều đáng mừng là tháng 11 vừa rồi Quốc hội đã thông qua và thống nhất về chủ trương phân bổ nguồn lực dự phòng cho một số dự án quan trọng. Trong đó, các dự án của giáo dục gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ được ưu tiên để bố trí nguồn vốn".

Theo ông Hải, dự kiến tháng 4/2019 Quốc hội và Chính phủ sẽ có văn bản cụ thể để hướng dẫn triển khai. Sắp tới Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng sẽ làm việc cụ thể về những vấn đề khó khăn của dự án để kiến nghị cụ thể với Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI