Nhiều khó khăn, thách thức
Tọa đàm thu hút 350 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, những người có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, lãnh đạo các đơn vị thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo các sở ban ngành và các nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp tại điểm cầu chính (60 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) và 20 điểm cầu tại các tỉnh, thành phía Nam.
Về những rào cản, khó khăn, bà Trương Thị Bạch Thủy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Thủy Tuyết (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết, sinh ra và lớn lên gắn bó với làng nghề truyền thống, bà thấu hiểu giá trị văn hóa của từng sản phẩm từ tre, trúc. Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống của vùng Sóc Trăng, đặc biệt tại xã Phú Tân, tháng 2/2023, HTX Mây tre đan Thủy Tuyết được thành lập với 32 xã viên và vốn điều lệ 5,32 tỉ đồng. HTX tập trung sản xuất các sản phẩm thủ công từ tre, trúc như bàn ghế, giường, đồ trang trí và vật dụng nội thất.
|
Buổi tọa đàm tại điểm cầu chính (60 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) |
Năm 2023, HTX đã tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Ý tưởng khởi nghiệp của bà Bạch Thủy đã xuất sắc giành giải Đặc biệt khu vực miền Nam và giải Nhất chung kết toàn quốc, khẳng định tiềm năng của nghề mây tre đan truyền thống. Từ đó, HTX Mây tre đan Thủy Tuyết cũng nhận được sự hỗ trợ từ Hội LHPN các cấp, chính quyền địa phương và các tổ chức giáo dục.
Hội LHPN không chỉ giúp HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mà còn tổ chức các khóa tập huấn về quản lý, khởi nghiệp và kỹ năng kinh doanh. Chính quyền địa phương hỗ trợ quảng bá sản phẩm, đăng ký kinh doanh và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ. Hiện, HTX đã mở rộng với 20 thành viên liên kết, sản xuất hơn 200 sản phẩm, giải quyết việc làm cho 80 lao động địa phương với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm của HTX không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Thụy Sĩ, với doanh thu xuất khẩu khoảng 2 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Dù đạt được nhiều thành tựu, bà Thủy và HTX vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Việc duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng trong thiết kế và cải tiến chất lượng. Bên cạnh đó, đào tạo xã viên thành thạo kỹ thuật sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn “xanh” thân thiện môi trường cũng là bài toán khó. Việc cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp giá rẻ trên thị trường cũng rất cam go, yêu cầu HTX phải tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Thị Huyền Thanh - Trưởng ban Công tác phía Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam - cho biết: sau khi đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (đề án 939) được ban hành, tại các tỉnh phía Nam, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu các tỉnh, thành và bố trí nguồn ngân sách để thực hiện đề án.
Qua 6 năm triển khai, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp phù hợp nhu cầu của phụ nữ. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đa dạng cả về nguồn lực, kỹ thuật và trên các lĩnh vực, vượt ra ngoài phạm vi các ngành nghề truyền thống; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với tình hình mới.
Tuy vậy, phụ nữ khu vực phía Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, bao gồm khó khăn trong tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý và môi trường kinh doanh. Tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn thấp (3%) và phần lớn có quy mô nhỏ, hạn chế tham gia chuỗi giá trị. Dù các quy định pháp luật về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khá đầy đủ và tuân thủ các cam kết quốc tế về bình đẳng giới, nhưng hiệu quả thực tế chưa cao.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và sự phát triển của công nghệ số cũng tác động lớn đến cấu trúc xã hội, khiến nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.
|
Các chuyên gia, đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ ý kiến |
Nhiều giải pháp giúp phụ nữ khởi nghiệp
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, chuyên gia kinh tế - thông tin về nhiều thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy phụ nữ tham gia khởi nghiệp tại các tỉnh phía Nam sau khi triển khai đề án 939. Điểm nổi bật nhất là tỉ lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp đã tăng 15% so với trước khi triển khai đề án.
Con số này phản ánh một sự thay đổi tích cực về nhận thức và hành động của phụ nữ trong việc bắt đầu khởi nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Lộc cũng nhấn mạnh: những thách thức và khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ là vấn đề đáng lưu ý, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam Việt Nam. Thách thức, khó khăn chủ yếu đến từ 3 yếu tố: khó khăn trong tiếp cận vốn, thiếu kỹ năng quản lý và môi trường kinh doanh.
Về chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp công bằng và toàn diện cho phụ nữ tại các tỉnh phía Nam, ông Lộc đề xuất triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là cải thiện khả năng tiếp cận vốn thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi và quỹ hỗ trợ riêng cho nữ doanh nhân. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo kỹ năng quản lý và phát triển mạng lưới hỗ trợ chuyên biệt.
Việc cải thiện môi trường pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng rất quan trọng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ trong kinh doanh. Cuối cùng là xây dựng cơ sở dữ liệu về nữ doanh nhân để giúp hoạch định chính sách hiệu quả.
Bà Châu Hồng Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nữ doanh nhân TPHCM - chia sẻ, phụ nữ khởi nghiệp hiện nay đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là các yếu tố như thị trường, tài chính, quy trình và nhân sự. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ số và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh mang lại cả cơ hội và thách thức, buộc các doanh nghiệp phải thích ứng nhanh chóng để không bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, bà cho rằng yếu tố quan trọng nhất vẫn là bản lĩnh và tầm nhìn của người chủ doanh nghiệp, đặc biệt là phụ nữ. Mặc dù các yếu tố bên ngoài có thể thiếu, nhưng nếu có nội lực, chất xám, chí hướng và quyết tâm, chị em khởi nghiệp sẽ thành công.
Lời khuyên của bà dành cho chị em khởi nghiệp là phải yêu thương bản thân, tập trung vào học hỏi và phát triển bản thân, đồng thời cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Doanh nghiệp cần mang lại giá trị chung cho xã hội, cũng như cân bằng được các yếu tố nhân văn, môi trường, pháp luật thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó giám đốc Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - cho rằng phát triển kinh tế xanh là xu thế toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của quốc gia.
Trong bối cảnh này, chị em phụ nữ khởi nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò của mình, chủ động và tiên phong ứng dụng các kiến thức về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát thải thấp, kết hợp với chuyển đổi số. Đây sẽ là mục tiêu và cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững trong xu thế toàn cầu hóa.
Ngọc Trăm