Sau khi được sơ tán từ Vũ Hán về Việt Nam trên “chuyến bay đặc biệt” ngày 10/2, chúng tôi được đưa thẳng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Cơ sở 1, thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) để cách ly.
Chúng tôi tin, nếu chẳng may bị nhiễm COVID-19, chúng tôi sẽ được tận lực chữa trị và sẽ vượt qua.
Cuộc sống 21 ngày trong khu cách ly
Thay vì trải qua 14 ngày cách ly như bao nhiêu trường hợp khác, đoàn 30 người chúng tôi được cách ly 21 ngày. Đến ngày thứ 22 thì chính thức bước ra khỏi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với thật nhiều cảm xúc. Đối với chúng tôi, đây giống như một chuyến “nghỉ dưỡng” cả về tinh thần và thể chất.
|
Những bữa cơm đầy đủ dưỡng chất tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (ảnh Ngọc Nuôi) |
Giờ giấc sinh hoạt trong những ngày cách ly ở đây khá thoải mái. 7g30, nhân viên vệ sinh đi lau chùi từng phòng bệnh. “Giờ vẫn chưa dậy à, các công chúa?”, tiếng gọi quen thuộc của cô hộ lý vẫn còn in sâu trong kí ức chúng tôi.
Trước giờ ăn sáng, chúng tôi viết tờ khai y tế, báo cáo tình trạng sức khỏe bản thân. Sau đó bác sĩ đi thăm khám từng phòng. 11g, tiếng xe đưa cơm trưa đã vọng lại từ ngoài hành lang.
Buổi chiều và tối thường có nhiều khoảng thời gian trống hơn để sinh hoạt cá nhân. 17g là lúc chúng tôi được “phát” cơm tối. Nhịp sinh hoạt cứ đều đặn như vậy, suốt 3 tuần.
Trang bị vật tư y tế, vật dụng sinh hoạt ở bệnh viện rất đầy đủ. Mỗi người sẽ có giường và tủ đựng tư trang riêng. Vừa bước vào phòng bệnh, trên tủ của mỗi người đã được bệnh viện chuẩn bị sẵn khăn mặt, kem đánh răng, xà phòng tắm, dung dịch rửa tay, nhiệt kế, nước súc miệng, dung dịch sát khuẩn, thuốc nhỏ mắt, giấy vệ sinh, dầu gội... Mỗi buổi sáng, chúng tôi sẽ được phát mỗi người 2 cái khẩu trang y tế.
Khu cách ly ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương phổ biến nhất là kiểu phòng có 5 giường, khoảng cách giữa các giường bệnh khoảng 2m. Ngoài ra cũng có những phòng cách ly dành cho gia đình. Trong mỗi phòng bệnh đều có ti vi, nước nóng, khu vệ sinh riêng. Hơn nữa, mọi chi phí đều được chính phủ hỗ trợ.
Chuẩn bị trước khi đến khu vực cách ly
Mặc dù đã được bệnh viện trang bị đầy đủ đồ dùng cá nhân nhưng theo kinh nghiệm bản thân, trước khi đến khu vực cách ly, chúng tôi nhận thấy cần dành một ít thời gian chuẩn bị một số vật dụng cần thiết như sau:
- Đồ dùng cho học tập, làm việc: Sổ ghi chú, laptop, điện thoại là những vật bất ly thân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức. Nhiều bạn trong thời gian cách ly vẫn học trực tuyến, có bạn còn dành thời gian quý báu này để viết luận văn, luận án.
- Đồ dùng cá nhân: Chuẩn bị quần áo đủ dùng trong suốt thời gian cách ly. Mặc dù mỗi ngày sẽ được bệnh viện phát quần áo nhưng đa phần mọi người vẫn thích dùng quần áo của riêng mình.
Bên cạnh đó, nên chuẩn bị thêm bình giữ nhiệt mini bởi khu vực lấy nước nóng đặt ở góc hành lang ngoài phòng bệnh. Nếu có bình giữ nhiệt thì sẽ tiện hơn trong sinh hoạt. Đặc biệt, đối với người già và trẻ nhỏ, uống nước ấm vào mỗi buổi sáng ngay sau khi thức dậy sẽ tốt cho sức khỏe.
Trong nhóm đi cùng chúng tôi, các bạn còn có dụng cụ làm đẹp, máy sấy tóc, tông đơ cắt tóc để “tự phục vụ” trong thời gian dài ở bệnh viện.
- Vật dụng để tiêu khiển: hãy mang theo sách hoặc bất cứ thứ gì khiến bạn cảm thấy vui vẻ trong suốt quãng thời gian bị cách ly. Đối với những gia đình có trẻ em, nên chuẩn bị thêm đồ chơi riêng. Một bộ lắp ráp, vài tập giấy và bút vẽ... sẽ là những món tuyệt vời cho các bạn nhỏ.
|
Nguồn sách được các nhà hảo tâm tặng cho nhóm công dân về từ Vũ Hán trở thành "người đồng hành" tuyệt vời của con gái tôi trong suốt quá trình cách ly tại bệnh viện (Ảnh Vũ Hoài) |
Ngoài ra, bệnh viện có wifi miễn phí, tivi đủ mọi kênh thông tin sẽ khiến một ngày ở bệnh viện của chúng tôi trở nên ngắn hơn. Có khi, chúng tôi cùng nhau nhảy Aerobic để giữ tinh thần luôn lạc quan.
Ở trong khu cách ly, nếu thấy thiếu thực phẩm hoặc đồ dùng sinh hoạt, chúng tôi vẫn có thể đặt mua qua mạng hoặc nhờ người thân gửi vào. Những nhu yếu phẩm như bánh, sữa… chỉ cần gọi điện thì vài phút sau sẽ có người của căn-tin bệnh viện đưa đến.
Vào tuần thứ 3, khi đã quen với những món ăn trong bệnh viện, chúng tôi cùng nhau đặt mua các món đặc sản qua mạng để “đổi vị”. Việc ăn uống và sinh hoạt vì thế mà trở nên vui vẻ, thú vị hơn khi ở trong khu cách ly.
Cách phòng tránh nhiễm chéo
Việc đầu tiên sau khi vào khu cách ly đó là được lấy dịch họng, lấy máu và đi chụp X-quang phổi. Bác sĩ sẽ đến tận từng giường để lấy dịch họng và máu, còn chụp X-quang thì phải tập trung bên ngoài, sau đó sẽ được bác sĩ gọi tên theo thứ tự để vào phòng chụp.
Xếp hàng đợi đến lượt chụp X-quang là thời điểm khá nhạy cảm, bởi lúc này, trong số những người đứng tập trung vẫn chưa xác định được có hay không người bị nhiễm bệnh, thế nên phải hết sức cẩn thận.
Chúng tôi đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước và sau khi vào phòng chụp. Để tránh nhiễm chéo, trước, trong và sau quá trình chụp không chạm tay lên mắt mũi miệng, khử trùng và thay quần áo ngay sau khi về phòng.
Ngay từ đầu, chúng tôi xác định cách ly ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều là nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Xung quanh khu cách ly của chúng tôi còn có những nhóm công dân khác đang trong quá trình theo dõi và đều có nguy cơ bị nhiễm COVID-19. Thế nên, việc cần thiết là bảo hộ thật tốt khi đi chụp X-quang, đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi (chỉ trừ khi ăn cơm).
Một vài ngày đầu, tôi cảm thấy rất khó chịu với việc đeo khẩu trang trong khi ngủ. Nhưng lâu dần thấy quen. Tôi tự nhủ, chịu khó vài hôm nhưng là giữ gìn cho mình và cho cộng đồng. Nhỡ đâu bị nhiễm bệnh từ người khác, hay nhỡ đâu mình trở thành nguồn lây nhiễm, hậu quả sẽ nặng nề gấp trăm nghìn lần.
Ngoài cửa mỗi phòng bệnh luôn để sẵn dung dịch sát khuẩn. Mỗi lần ra ngoài, chúng tôi đều dùng dụng dịch này rửa tay trước khi mở cửa bước vào phòng.
|
Khu vực cách ly nhóm 30 công dân trở về từ Vũ Hán (ảnh Vũ Hoài) |
Chúng tôi về từ Vũ Hán, thuộc nhóm nguy cơ cao nên việc đề phòng trong khu cách ly càng được chú ý. Đặc biệt là trong 2 ngày đầu. Đây là thời gian đợi kết quả chụp phim, xét nghiệm máu và dịch họng, nếu cá nhân nào có chỉ số bất thường sẽ được bệnh viện "thu xếp" phòng đặc biệt riêng để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn được bác sĩ khuyến cáo phải nhỏ mắt, súc họng thường xuyên, nhất là sau khi tiếp xúc gần với người khác để chặn sự xâm nhập của virus.
|
Dung dịch rửa tay sát khuẩn, nước rửa tay, dung dịch rửa mũi, dung dịch súc họng, nhiệt kế là những vật dụng y tế không thể thiếu ở mỗi phòng cách ly (Ảnh Vũ Hoài) |
Một kinh nghiệm nữa đó là khai đúng sự thật các triệu chứng trong tờ khai y tế. Bởi triệu chứng của COVID-19 đôi khi không thật sự rõ ràng, nếu chủ quan ngay cả trong thời gian cách ly cũng có thể gây hậu quả khôn lường.
Khi đã có yếu tố dịch tễ vì về từ tâm dịch Vũ Hán, bản thân chúng tôi luôn lo sợ mình đã bị nhiễm bệnh. Để yên tâm, dù là hắt hơi, sổ mũi, vài tiếng ho hay sự nhích nhẹ của nhiệt độ cơ thể cũng cần khai báo chính xác để bác sĩ nắm tình hình và chỉ định xét nghiệm kỹ càng hơn.
Đến ngày thứ 22, chúng tôi được xác nhận không bị nhiễm bệnh, bình an ra viện trong sự chúc mừng của mọi người. Trở về từ khu cách ly, chúng tôi rất hạnh phúc vì vẫn khỏe mạnh. Chúng tôi vẫn luôn tâm niệm, cẩn thận phòng ngừa vẫn chưa bao giờ là việc thừa thãi, trong mọi trường hợp.
Vũ Hoài - Đình Nhân (trở về từ Vũ Hán)