Kinh nghiệm thế giới về bảo tồn di sản

20/06/2019 - 07:24

PNO - Khi mà khái niệm 'di sản đô thị' mới được nhắc ở ta mấy năm trở lại đây thì từ năm 1852, một nhà quy hoạch của Pháp đã đưa ra khái niệm này.

Tại Singapore, ở các góc phố, người ta cho dựng lên các bảng thông tin lịch sử, di sản với chi phí có khi chưa đến 10 triệu đồng, người dân hoàn toàn có thể đóng góp được, không cần phải đưa vào ngân sách thành phố. Có hai đơn vị liên quan đến di sản mà chúng ta đã bỏ quên, đó là Cục Lưu trữ và Thư viện. Ở Singapore, họ dùng hai đơn vị này để phát động phong trào Singapore Memory (Ký ức Singapore). Người dân nào có hình ảnh hoặc bất cứ cái gì liên quan đến ký ức thành phố, có thể gửi đến đây để lưu trữ, giới thiệu và kể câu chuyện của thành phố mình.

Thậm chí, họ còn tổ chức phong trào cho học sinh, sinh viên viết lại những câu chuyện của những người già về ký ức của Singapore trước đây. Một số thành phố khác trên thế giới cũng thường có các bảng thông tin dạng này. Ở Anh và Mỹ, các bảng thông tin ấy còn được làm cả hai mặt - một mặt hướng dẫn du lịch, mặt còn lại ghi thông tin lịch sử di sản. Các bảng thông tin được gắn ở nhiều góc độ, từ cấp quốc gia, bang, về thành phố…

Kinh nghiem the gioi ve bao ton di san

Giống Việt Nam, Úc cũng đi lên từ một nước thuộc địa, nhưng họ không phủ nhận điều đó, mà coi đó là di sản. Trên thế giới, chỉ có bang lớn nhất của nước này là New South Wales có cơ quan gọi là Bộ Môi trường và Di sản. Họ coi di sản là một phần của môi trường và môi trường thiên nhiên cũng là di sản. Năm 1975, Quốc hội Úc thông qua luật thành lập Australian Heritage Commission (AHC) là cơ quan ngang bộ, phụ trách các vấn đề về giữ gìn di sản thiên nhiên và di sản văn hóa. Năm 2004, AHC được thay bằng một cơ quan độc lập với chính phủ, lập danh sách di sản cần bảo vệ, tư vấn chiến lược và các luật lệ di sản; đồng thời giám sát việc thực hiện.

Từ năm 1979, Úc thông qua Hiến chương Burra, đưa ra các quan điểm và phương pháp cụ thể trong gìn giữ di sản, trở thành văn kiện nền tảng cho các chính sách và luật lệ liên quan đến di sản sau này, không chỉ ở Úc.

Ở miền Nam Úc, từ năm 2004 đến nay, hằng năm đều tổ chức Festival of History - lễ hội lịch sử kéo dài từ 1 - 4 tuần trong tháng Tư và tháng Năm, với nhiều hoạt động tham quan, nghiên cứu, thương mại, văn hóa… để tôn vinh, tái tạo lịch sử. Vào những ngày đó, tất cả dinh thự đều mở cửa và đích thân ông toàn quyền của bang sẽ đứng ở cửa đón du khách và miễn phí. Ngay tại tòa nhà UBND TP.HCM, ta hoàn toàn có thể chọn một ngày trong năm, mở cửa cho dân vào. Lãnh đạo TP.HCM có thể đón và tiếp khách, để thấy chính quyền thành phố này quan tâm tới di sản, văn hóa như thế nào.

Ở Anh, từ thế kỷ XIV, đã có Office of Works - Bộ Công (sau này đổi thành Bộ Văn hóa - Truyền thông và Thể thao), phụ trách đất đai, công thự, công trình lịch sử các tượng đài, lâu đài. Họ có Bảo tàng giao thông vận tải Riverside - nơi trưng bày hơn 3.000 hiện vật liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, một ngành kỹ thuật có lịch sử lâu đời tại Glasgow, Scotland. Nguồn gốc của nó là một bến cảng, như Ba Son ở TP.HCM, thậm chí không bằng Ba Son, vì nó không phải là nơi xuất xưởng của những tàu thủy khởi đầu công nghiệp hàng hải. Nhưng trong quá trình phát triển, họ không phá đi, mà quyết định làm ở đó một bảo tàng hàng hải và giao thông của thủ phủ Scotland.

Ở Pháp, từ năm 1819, chính phủ đã có ngân sách riêng cho tượng đài lịch sử. Khi mà khái niệm “di sản đô thị” mới được nhắc ở ta mấy năm trở lại đây thì từ năm 1852, một nhà quy hoạch của Pháp đã đưa ra khái niệm này. Năm 2004, chính phủ Pháp ban hành bộ quy phạm di sản. Ngoài Bộ Văn hóa, nước Pháp có hàng loạt cơ quan nghiên cứu, huấn luyện, quảng bá về di sản. 

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI