Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao

30/05/2022 - 07:01

PNO - Dù đang trong giai đoạn ôn tập nước rút, HS cũng cần phải nhớ giữ sức khỏe bằng cách ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, tránh các tác nhân gây căng thẳng, bệnh tật. Luôn giữ sự khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần. Có như vậy mới ôn tập và làm bài đạt kết quả tốt.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (ngày 7 và 8/7). Trong thời điểm “nước rút” này, các em học sinh cần có phương pháp ôn tập hiệu quả để đạt được kết quả tốt nhất. Dưới đây là lời khuyên từ các thầy cô giảng dạy các môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh gửi đến học sinh. 

Môn toán: Hệ thống hóa các dạng toán và phương pháp giải

Điều đầu tiên, học sinh (HS) cần nhớ là: Học thuộc lòng các công thức, các định nghĩa. Trong đề thi môn toán có một số câu hỏi liên quan đến định nghĩa, công thức như định nghĩa nguyên hàm, công thức tính thể tích các khối, công thức logarit, công thức tính diện tích một hình phẳng hay thể tích một khối tròn xoay… Với các câu hỏi dạng này, HS phải nhớ công thức mới trả lời đúng. Một số câu có thể bấm máy tính nhưng mất thời gian hơn việc thuộc công thức để làm bài. Mặt khác, nếu không thuộc định nghĩa có thể không giải được câu hỏi. Ví dụ: nếu HS không biết định nghĩa lăng trụ tứ giác đều, hình chóp tam giác đều, tứ diện đều… thì không thể vẽ hình để giải bài toán hình học không gian.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) đang ôn thi tốt nghiệp THPT - ẢNH: TRẦN HUY
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM) đang ôn thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: Trần Huy

Kế đến, hệ thống hóa các dạng toán và phương pháp giải các dạng toán đó. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc giải thành công hay không là việc nắm được đến mức độ nào các phương pháp giải dạng toán trong câu hỏi đó. Vì vậy, HS cần hệ thống lại các dạng toán đã học và các phương pháp giải các dạng toán đó. Mỗi dạng toán và mỗi phương pháp giải cần có ví dụ minh họa. Các em có thể hỏi thầy cô hoặc đọc sách và ghi chép lại để xem thường xuyên.

Trong giai đoạn này, các em cần rèn luyện bằng cách giải các đề thi thử. Nên chọn đề thi thử của các trường, các sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chọn các đề thi có đáp án và lời giải chi tiết để có thể so sánh với kết quả bài làm của mình, đồng thời tham khảo được lời giải các câu mà các em không làm được trong đề thi đó. Khi làm đề thi thử, phải đặt mình trong tư thế như đang thi thật. Làm với sự cố gắng tối đa và thời gian 90 phút như quy định. Tùy theo năng lực, các em tự phân bố thời gian làm bài cho thật hợp lý và hiệu quả nhất. Ví dụ: HS giỏi có thể đặt ra yêu cầu phải làm được 35 câu trong 60 phút đầu tiên và dành thời gian 30 phút cho 10 câu nữa, chấp nhận việc có thể bỏ vài câu khó nhất.

Khi giải xong một đề thi cần rút kinh nghiệm chỗ nào còn sai sót, chỗ nào cần ôn lại kiến thức, phương pháp giải nào cần phải ghi nhớ. Các sai sót thường gặp nhất là đọc không kỹ đề bài, quên đặt điều kiện, xét không đủ các trường hợp của bài toán hoặc tính toán sai… 

Học nhóm cùng trình độ là một cách học tập tốt vì khi thảo luận trong nhóm sẽ giúp nhớ lâu hơn các kiến thức và phương pháp giải toán. Nên lập nhóm khoảng 4 - 5 bạn có trình độ tương đồng để cùng nhau học tập. Có thể học chung trực tiếp hoặc học nhóm online.

Thầy Hoàng Hữu Vinh, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Vĩnh Viễn (TPHCM)

Môn văn: Hình thành thói quen làm nháp bố cục bài, dàn ý

Ngữ văn là môn học đòi hỏi HS phải chăm chỉ học tập, rèn luyện và tất nhiên cũng phải có những bí quyết học mới có thể đạt được điểm số tương đối. Thời gian này, các em phải tập trung, chú trọng hệ thống hóa lại những kiến thức cơ bản. Sau khi đã nắm vững kiến thức thì áp dụng trình bày bài theo các dạng đề. 

Các em chú ý đến khả năng diễn đạt cũng như luyện tâm lý vào phòng thi. Với dạng bài tập về nghị luận xã hội, khi luyện ở nhà, cần nắm vững kết cấu bố cục đoạn văn cũng như không nhầm lẫn đoạn văn với bài văn, bám sát nội dung văn bản đọc hiểu để tránh viết lan man... Trong quá trình luyện đề, nhiều HS vẫn nhầm lẫn kết cấu một đoạn văn và một bài văn. Nếu làm sai phần này, các em sẽ bị mất điểm một cách rất đáng tiếc. 

Đề thi sẽ có những câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu vận dụng… Để làm tốt, HS cần đọc kỹ đề, không vội vàng hấp tấp tránh trả lời nhầm, thiếu. Đối với câu vận dụng, HS nên đánh giá, nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều để bài viết sâu sắc hơn, khách quan hơn. Những kỹ năng này, các em phải thành thạo khi làm đề ở nhà thì khi đi thi mới không bị “tâm lý phòng thi”. 

Trong quá trình ôn luyện phần nghị luận văn học, các em luôn nhớ đảm bảo bố cục của một bài nghị luận văn học, nắm được kiến thức cơ bản của từng tác phẩm, chủ đề, đặc trưng nghệ thuật cũng như phong cách tác giả. Bởi lẽ, khi hiểu phong cách tác giả thì mới có thể dễ dàng bám sát văn bản, phân tích cảm nhận văn bản thấy được cái hay, cái đẹp của từng tác phẩm. 

Tất nhiên, thời gian này, làm đề cũng là cách HS luyện kỹ năng viết nhưng không phải lạm dụng việc làm đề. Thay vào đó, các em học theo phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề, thay vì chạy theo làm đề tràn lan. 

Một điều tôi lưu ý với các em là trong quá trình ôn tập, phải hình thành cho mình thói quen làm nháp về bố cục bài, và dàn ý - đây là kỹ năng cần thiết mà nhiều bạn xem nhẹ, bỏ qua. Tất nhiên, không phải quá chi tiết mà làm một dàn ý sơ lược để có cái nhìn tổng thể về bài, tránh mải mê viết mà bài thiếu ý, thiếu thời gian làm bài. 

Để nhớ được nội dung cơ bản của tác phẩm, HS có thể lập sơ đồ tư duy, sơ đồ cành cây. Để viết tốt cần nắm vững thao tác lập luận, sử dụng các thao tác lập luận để viết bài văn. Luôn đi từ nghệ thuật đến nội dung…

Cô Vũ Thị Đỗ Quyên, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Môn tiếng Anh: Tăng cường vốn từ vựng

Tiếng Anh là môn tích lũy kiến thức lâu dài. Để đạt đến trình độ khá giỏi thì phải nắm vững ngữ pháp và có vốn từ vựng phong phú. Do đó, trong giai đoạn này, những việc các em cần làm là:

Hiểu biết về bài thi: Trước hết, các em nên xem lại cấu trúc đề thi môn tiếng Anh các năm trước gồm: ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, giao tiếp, kỹ năng đọc, kỹ năng viết.

Lên kế hoạch tổng ôn kiến thức và phân bổ thời gian hợp lý: Mỗi phần thi đều có những điểm cần chú trọng riêng. Không nên dành quá nhiều thời gian vào việc ôn tập một phần thi cụ thể nào. Ngoài việc học ở lớp thì tự học là cách học hiệu quả nhất. Các em phải dành thời gian tự học ở nhà, làm đi làm lại những dạng bài mình còn chưa vững, chỗ nào chưa hiểu có thể mang đến lớp hỏi thầy cô và bạn học. 

Nâng cao và tăng vốn từ vựng: Một vấn đề khác khiến nhiều thí sinh bị điểm thấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đó là vốn từ vựng quá ít. Vì vậy, trước khi tham gia kỳ thi, thí sinh cần tăng cường vốn từ vựng phong phú về nhiều lĩnh vực khác nhau. HS phải học kỹ tài liệu sách giáo khoa lớp 12 và ôn kỹ vốn từ lớp 10, 11. Tốt nhất là ôn theo hệ thống chủ đề bài học của lớp 12, đồng thời đọc mở rộng các bài reading comprehension trong TOEIC, TOEFL, IELTS…

Khắc phục những điểm yếu và loại bỏ những phương án nhiễu: Khi đã làm quen với dạng đề thi, các em sẽ biết được bản thân yếu ở phần nào. Đây cũng là giai đoạn xem kỹ lại cấu trúc đã được cho trong các đề thi trước đây. Trong mỗi câu hỏi, thường có phương án nhiễu (là những phương án sai nhằm đánh lạc hướng thí sinh). Có rất nhiều loại phương án nhiễu như hiện tượng đồng âm, hiện tượng đồng nghĩa, ngữ pháp sai, hiện tượng lặp từ… Trong quá trình học, các em hãy liệt kê danh sách các loại phương án nhiễu ra để giúp mình quen với việc nhận dạng chúng.

Khi ôn luyện, HS phải luôn quan tâm tới thời gian làm bài. Một số điều cần lưu ý trong phòng thi:
- Đọc kỹ đề bài. 
- Phân bố thời gian phù hợp. Câu hỏi đơn giản làm trước, sau đó đến những câu có vấn đề cần suy luận và cân nhắc. Những câu khó nên để cuối cùng.
- Không nên dừng lại quá lâu ở một câu hỏi và tuyệt đối không để trống câu nào trong bảng trả lời.

 Thầy Phạm Tân Hoàng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Vĩnh Viễn (TPHCM) 

Đại Minh - Trương Mẫn


Kỳ tới: Môn vật lý, hóa học, địa lý 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI