Kinh nghiệm nuôi dạy con "đâu vào đó" của một bà mẹ

04/09/2022 - 10:05

PNO - Kirsty Kawano - một nhà báo tự do từ Melbourne (Úc), chia sẻ về những điều cô học được về cách nuôi dạy con sau nhiều năm sống tại nước Nhật.

Kirsty Kawano - một nhà báo tự do xuất thân từ Melbourne (Úc), tác giả của nhiều đề tài về giáo dục và trải nghiệm cuộc sống - chia sẻ về những điều mà cô đã học được về cách nuôi dạy con sau nhiều năm sống tại nước Nhật.

Theo Kawano, không ít người khi bắt đầu cuộc hành trình được gọi là làm cha mẹ, mới nhận ra rằng mình chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc này. Kawano cho biết, vì sẽ không có một công thức chung cho mọi gia đình trong việc nuôi dạy con cái, nên cô chỉ muốn chia sẻ một số cách tốt nhất mà vợ chồng cô đã rút ra trong quá trình nuôi dạy các con. 

chơi ở công viên sẽ giúp trau dồi khả năng thể chất toàn diện của một đứa trẻ, tốt hơn nhiều so với các lớp tập thể dục chuyên biệt
Trẻ chơi ở công viên giúp trau dồi khả năng thể chất toàn diện, tốt hơn nhiều so với các lớp tập thể dục 

Thường xuyên đưa con đi chơi trong công viên

Trước khi các con gái đi học mẫu giáo, hầu như ngày nào vợ chồng Kawano cũng dành một khoảng thời gian trong ngày để đưa con đến công viên chơi.

“Ở đó có rất nhiều trò chơi cho trẻ em, từ xích đu, cầu trượt, các khung leo trèo, đến hồ nước để đùa nghịch, và lưới bắt bóng. Chúng tôi đưa các con đi tìm các chỏm băng trong đất vào mùa đông, hái hoa quả vào mùa thu, nhặt vỏ ve sầu vào mùa hè, và ngắm hoa anh đào vào mùa xuân.

Công viên này đã dạy chúng tôi rất nhiều điều. Người ta nói rằng đi chơi ở công viên sẽ giúp trau dồi khả năng thể chất toàn diện của một đứa trẻ, tốt hơn nhiều so với các lớp tập thể dục chuyên biệt, và thực sự các con gái của tôi đã phát triển tốt về mặt này”, Kawano chia sẻ.

Cô cũng cho biết, từ việc đưa con đến công viên chơi, cô đã phát hiện ra một điều. Đó là các bậc cha mẹ không nên dừng con lại đột ngột khi các bé đang chơi đùa vui vẻ, mà hãy có một “thỏa thuận” trước đó về thời gian với con.

“Có lần, trước khi rời công viên, tôi giơ cả bàn tay và tất cả các ngón tay của mình lên và nói với các con: “Chúng ta sẽ rời đi sau 10 phút”. Rồi tôi bắt đầu để mắt đến đồng hồ, và 5 phút sau, tôi chỉ một tay giơ lên ​​và nói: “Chúng ta sẽ rời đi sau 5 phút”. Năm phút sau đó, cả gia đình đã vui vẻ cùng đi về nhà”, Kawano đưa ra ví dụ.

Dạy con chào hỏi

Kawano cho biết: “Tôi nghĩ rằng, nếu tôi chào ai đó mà tôi không quen biết, thì theo nghi thức cơ bản, bắt buộc họ phải chào hỏi đáp lại, như thế sẽ an toàn hơn”, Kawano giải thích.

Kawano cho biết, khi các con gái của cô lớn lên, các con đã bắt chước cách tiếp cận của cô một cách tự nhiên, và cách làm đó đã giúp gia đình cô thân quen với nhiều người hàng xóm, những người dân địa phương, các chủ cửa hàng, và những người đến công viên, từ đó làm cho gia đình cô cảm thấy mình như là một phần của cộng đồng địa phương.

“Việc này cũng mang lại cho các con gái tôi sự tự tin và các kỹ năng xã hội tuyệt vời. Tôi cũng yên tâm khi biết rằng có rất nhiều người xung quanh thị trấn đều biết và quan tâm đến các con gái của tôi”, Kawano chia sẻ.

Giao tiếp bằng mắt đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống
Giao tiếp bằng mắt đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống

Giao tiếp với con bằng mắt hàng ngày

Kawano cho biết, vợ chồng cô chưa bao giờ sử dụng một chiếc bàn ăn khi sống ở Nhật. Chiếc bàn đa năng duy nhất của gia đình cô là là kotatsu - một loại bàn rất được người Nhật ưa chuộng, vì nó được khéo léo lắp một lò sưởi điện vào mặt dưới của mặt bàn để làm ấm chân người dùng khi ngồi. Mặc dù bàn có bản thiết kế chân cao, nhưng gia đình cô luôn sử dụng phiên bản bàn cà phê thấp và dùng để ngồi trên sàn.

“Chiếc bàn thấp như vậy giúp chúng ta có tầm mắt ngang với những đứa trẻ mới biết đi. Đó là cả một vấn đề lớn đối với các bé chỉ mới biết nói bập bẹ. Giao tiếp bằng mắt là nền tảng của giao tiếp trong gia đình chúng tôi.

Khi các con gái của tôi lớn lên, tôi nhận ra rằng kỹ năng giao tiếp quan trọng như thế nào đối với việc nuôi dạy con cái tốt, và trong đa số trường hợp, giao tiếp tốt cũng đồng nghĩa với việc thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu trẻ cảm nhận rằng chúng thật sự được trân trọng, thì mọi thứ khác liên quan đến chuyện nuôi dạy chúng sẽ đâu và đó. Ít nhất, đó là cách nuôi dạy con cái tốt nhất mà tôi đã rút ra được sau 11 năm”, Kawano chia sẻ.

Bỏ tivi

Kawano cho biết, khi chiếc tivi của gia đình cô bị hỏng, hai vợ chồng đã quyết định không mua cái mới.

“Do bận rộn với việc có con nhỏ, nên dù sao thì tôi cũng không xem tivi nhiều. Nhưng người chồng nghiện tivi của tôi thì vẫn đang giữ thói quen thư giãn trước màn hình nhỏ như trước đó. Cả bản thân tôi trước đây cũng vậy, mỗi khi về đến nhà và cảm thấy mệt mỏi, tôi cũng thường ngồi xuống và bật tivi lên một chút. Và tôi đã phải mất 3 năm để thay đổi điều này”, Kawano kể.

“Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng việc thiếu tivi có thể khiến con gái chúng tôi khó hòa nhập với các học sinh khác khi vào tiểu học, nhưng điều đó đã không thành vấn đề. Bây giờ cháu đã học lớp 5, và thỉnh thoảng cháu ngồi vào máy vi tính để tra cứu những gì các bạn học đang bàn luận.

Mặc dù Internet vẫn có những mặt trái riêng đối với trẻ em, nhưng ít nhất trẻ vẫn chủ động tìm kiếm những gì mà chúng quan tâm, thay vì bị động trước màn hình tivi để xem những chương trình không dành cho chúng”, cô giải thích thêm.

Tạo điều kiện để con nghỉ ngơi

Kawano cho rằng, các bậc cha mẹ thường quá tập trung vào những thất bại của con cái, có lẽ phần lớn là do bản năng của cha mẹ là bảo vệ con, tránh những điều tồi tệ xảy đến với con.

“Không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo kế hoạch và mọi người có khuynh hướng tuân thủ các khuôn phép cứng nhắc. Tôi đã nhận ra rằng, các bậc cha mẹ hãy để con cái và bản thân mình nghỉ ngơi một lúc nào đó, để cùng nhìn vào những điều tốt mà chúng ta đã và đang làm mỗi ngày”, Kawano khuyên.

Nhất Nguyên (theo Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI