Kinh nghiệm mở cửa trường học của Việt Nam và quốc tế

20/01/2022 - 06:15

PNO - Để mở cửa trường học, các quốc gia đều có văn bản hướng dẫn, tại Việt Nam cũng có địa phương đi đầu trong việc đón học sinh quay lại trường.

Theo ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong bối cảnh mô hình “Sống chung với COVID-19” được nhiều nước áp dụng, mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Số liệu UNICEF và UNESCO ngày 7/1/2022 cho thấy trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương với 26 nước có 65% mở cửa hoàn toàn; 35% còn lại mở cửa một phần, trong đó có Việt Nam.

UNICEF và UNESCO khuyến cáo: “Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học”.

Để mở cửa trường học, theo ông Phạm Quang Hưng, các quốc gia đều có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trường học, trong đó dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO về mở cửa trường học.

Trong đó, có quy định về việc tiêm vắc xin và chiến lược xét nghiệm cho học sinh; các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường học; tăng cường nhận thức của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn đầu mở cửa trường học.

Ông Hưng đưa ra dẫn chứng, Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên/nhân viên tiêm chủng vắc xin COVID-19 từ 85% trở lên được mở cửa trở lại. Một số quốc gia (Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia) triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hàn Quốc và Singapore hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh từ 12-18 tuổi.

Với trẻ chưa tiêm và không tiêm, các nước cũng hối thúc đi học. Kinh nghiệm của Singapore và Nhật Bản trong việc này là quản lý chặt hơn (kiểm tra các triệu chứng), hay với Canada và Mỹ thì yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm.

Mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, Nhật Bản và Thái Lan cho phép hiệu trưởng được quyền quyết định đóng cửa trường học khi xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong trường học, thời gian đóng cửa tối đa 7 ngày.

Vùng tâm dịch Bắc Giang đi đầu trong mở cửa trường

Tại Việt Nam, từng là tâm dịch, nhưng Bắc Giang vẫn thực hiện mở cửa trường học trở lại một cách an toàn. Theo thống kê đến 18/1/2022, mặc dù F0 vẫn còn nhiều và phát sinh hàng ngày, tỉnh này vẫn có 543 trường tổ chức dạy học trực tiếp.

Học sinh Bắc Giang trở lại học trực tiếp tại trường
Học sinh Bắc Giang trở lại học trực tiếp tại trường

Theo đó, thời gian vàng của Bắc Giang từ tháng 9 đến 26/10/2021, các cơ sở giáo dục tổ chức học trực tiếp. Ngày 27/10/2021 dịch bùng phát tại Thượng Lan (Việt Yên), sau đó lan nhanh ở nhiều địa phương, toàn ngành nhanh chóng chuyển trạng thái sang tổ chức dạy học trực tuyến.

Đến ngày 18/1/2022, mặc dù số lượng F0 vẫn còn nhiều và phát sinh hàng ngày (362 học sinh và 22 giáo viên F0), nhưng do triển khai thích ứng linh hoạt, nên toàn tỉnh có 543 trường tổ chức dạy học trực tiếp, chỉ còn 17 trường tổ chức dạy học trực tuyến và 189 trường tổ chức dạy học kết hợp. Còn 11 trường mầm non cho trẻ nghỉ học.

Với cách làm sáng tạo này, trong tình huống nào ngành giáo dục Bắc Giang vẫn có thể duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn, ứng phó với dịch trong mọi tình huống. Có thể nói, Bắc Giang là một trong số ít tỉnh không phải điều chỉnh thời gian năm học 2020-2021, hoàn thành nội dung chương trình và chất lượng giáo dục. Các hoạt động chuẩn bị đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn đúng tiến độ, chất lượng giáo dục được duy trì.

Theo ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang – để duy trì hoạt động giáo dục trong bối cảnh “sống chung an toàn” với dịch COVID-19 hiện nay, từ thực tiễn chỉ đạo 2 năm qua, Bắc Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm như:

Các cơ sở giáo dục phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; chủ động ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào các cơ sở giáo dục.

“Vì muốn mở cửa trường học, để bảo đảm an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên, thì phải xây dựng môi trường học đường tuyệt đối an toàn. Từng cơ sở giáo dục phải thường xuyên rà soát, củng cố, cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống dịch. Các kịch bản, phương án tổ chức dạy học phù hợp với từng thời điểm để tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục nhằm ứng phó với các cấp độ dịch, để bất cứ lúc nào cũng có thể “kích hoạt”, "ứng phó, không bị động”, ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, phải kiểm soát tốt việc phòng dịch tại trường học, quản lý y tế chặt chẽ đối với khách, phụ huynh học sinh đến làm việc, dạy học, giao dịch, đưa đón học sinh (như khai báo y tế, quét mã QR-Code). Các nhà trường xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ theo quy định cho cán bộ, giáo viên, người lao động, học sinh trong nhà trường.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ để sẵn sàng tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với tình hình dịch COVID-19 cũng như đầu tư, bổ sung phòng học trực tuyến, các thiết bị cần thiết để tổ chức dạy học trực tuyến và kết hợp... Tỉnh này cũng quán triệt xử lý nghiêm các trường học vi phạm lơ là, chủ quan trong phòng dịch. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị...

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI