|
Thảm họa cháy luôn để lại hậu quả kinh hoàng (Ảnh: internet) |
Cả nước đang chấn động trước 2 vụ hỏa hoạn kinh hoàng liên tiếp tại Hà Nội, TPHCM. 13 sinh mạng đã mãi mãi ra đi, gần 20 người mang trên mình những vết thương thể xác lẫn tinh thần. Những con số thống kê khô khan không thể nào lột tả hết được sự tàn khốc của "giặc lửa", nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân và cả nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người may mắn sống sót.
Tôi xin chia sẻ câu chuyện gia đình mình đã may mắn dập được đám cháy, ngăn lửa lan ra cả chung cư cùng vài lỗi nguy hiểm chết người của chúng tôi.
Đó là một đêm mùa hè năm 2014, tôi đang ngủ thì giật mình bởi tiếng đập cửa ầm ầm và tiếng hét của chị gái: "Út ơi, út ơi! Cái quạt cháy!".
Vợ chồng tôi mở cửa phòng (căn hộ của tôi có 3 phòng ngủ kế tiếp nhau). Khi đó, tôi nghĩ: “Chắc là xẹt điện thôi”. Thế nhưng, khi nhìn vào phòng ngủ phía trong cùng, tôi muốn sụm xuống vì thấy lửa phừng phừng, căn phòng đỏ rực như một quả cầu lửa.
Chồng tôi xách xô nước định chạy vào dập lửa, nhưng anh phải trở ra vì quá nóng và chiếc quạt trên trần đang cháy khi vẫn quay vòng vòng, bắn tia lửa khắp khắp nơi, văng ra cả lối đi. Lửa bắt đầu bén vào sào quần áo.
Tôi chạy ra ban công kêu cứu, nhưng vì quá hoảng, tiếng tôi không thể bật ra. Tôi lấy 2 vung nồi đập vào nhau kêu cứu nhưng âm thanh cũng không thể phát ra to. Tôi chạy lại cắt cầu dao tổng (về sau tôi mới biết đó chưa phải cầu dao tổng, mà chỉ cắt được cầu dao đèn. Vì căn hộ của tôi có 1 bảng điện với 9 cầu dao và tôi chưa biết đâu là cầu dao tổng của nhà). Tôi gọi 2 chị gái bồng 2 con nhỏ của tôi tháo chạy.
Tuy nhiên, một phần vì quá run, một phần tôi cứ ngoái lại nhìn lửa, vì sợ cháy lan nhanh ra phòng khách, nên không thể mở được khóa. Cuối cùng chồng tôi mở được cửa cho cả nhà thoát ra. Tôi bấm chuông báo cháy của tầng lầu, nhưng chuông không hoạt động. Trong lúc chồng tôi chạy lấy bình chữa cháy của chung cư trang bị cho mỗi tầng lầu, tôi chạy xuống phòng bảo vệ chung cư (tôi ở lầu 2) báo cháy.
Khi đó, trong đầu tôi nghĩ “tiêu tan hết rồi, mất hết rồi”. 4 người bảo vệ bối rối đứng nhìn và hỏi nhau: “Có gọi cho anh Nghĩa không? (Nghĩa là tên chủ đầu tư chung cư).
Tôi vừa khóc, vừa hét: “Nhà tôi sắp thành tro, các anh lên chữa cháy trước, rồi báo sau”. Tôi vừa hét, vừa lạy lục 4 anh mới chịu đi lên… bằng thang máy (đây là một sai lầm, tôi sẽ phân tích sau).
Chúng tôi cùng đến cửa thấy phòng khách, đầy muội đen và bọt bình chữa cháy vương vãi dưới sàn, khói vẫn đang bay cuồn cuộn (lúc này đèn đã mở, nhưng tôi không hề nhận ra). Tôi nhìn vào phòng trong: lửa đã tắt ngúm. Hóa ra chồng tôi đã dùng 2 bình chữa cháy để dập lửa. Sau chồng tôi mới kể, chốt của bình chữa cháy rất cứng vì lâu ngày không sử dụng. Nhưng nhờ anh tham gia học phòng cháy chữa cháy ở cơ quan nên đã xử lý tốt.
Tôi vào phòng trong. Cảnh tượng như trong phim: phòng nghi ngút khói, mùi khét nồng nặc, cái quạt trần còn trơ cục sắt đen, trần nhà ám khói và rạn nứt. Dưới sàn quần áo cháy xém, nền nhà đen kịt vì "dung nham" của quạt rớt xuống.
Đến khi hoàn hồn, chị gái tôi mới kể: Chị đang ngủ, tự dưng cảm giác bàn chân bị nóng. Trong cơn mê ngủ, chị còn nghĩ ai lấy lửa châm vô chân. Khi mở mắt, chị tá hỏa thấy cái quạt trần cháy phừng phừng nên chạy ra gọi tôi.
|
Vụ cháy ở Hà Nội với 11 người tử vong gây rúng động những ngày cuối năm |
Dù chồng tôi đã ngăn được đám cháy lan ra các nhà bên cạnh nhưng qua vụ cháy này chúng tôi thấy mình mắc quá nhiều sai lầm:
- Không gọi tổng đài 114 báo cháy. Khi đó tôi nghĩ bảo bệ có thể chữa cháy được, và tôi cũng sợ phải gánh hậu quả vụ cháy cho toàn chung cư (nếu cháy lan) nên không dám gọi. Các anh bảo vệ cũng không gọi 114 và không phát chuông báo cháy toàn chung cư.
- Đi thang máy: trong lúc nhà đang cháy, tôi quên nên vẫn đi thang máy và các anh bảo vệ cũng đi lên bằng thang máy. Nếu điện cúp đột ngột do cháy hoặc do có người ngắt thì tính mạng chúng tôi trong thang máy sẽ ra sao?
- Chủ quan: Chiếc quạt đã kêu rè rè từ mấy hôm trước, nhưng vì thấy quạt vẫn hoạt động nên tôi không thay hay tháo đem sửa.
- Mất bình tĩnh: Dù tôi từng đặt giả thiết cho sự cố cháy cùng cách giải quyết cụ thể. Vậy mà khi mất bình tĩnh, tôi chẳng nhớ được gì.
Cuối cùng, nhất thiết phải là mỗi gia đình nên trang bị bình chữa cháy mini và cả nhà đều biết sử dụng. Điều này cực kỳ hữu ích. Nếu chồng tôi không biết sử dụng bình chữa cháy, có lẽ lửa đã lan rộng và có thể xảy ra thảm họa, vì ngày đó người dân chung cư tôi ở và cả đội bảo vệ cũng chưa có ý thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy như hiện tại.
Thùy Dương