Mới tháng trước, chị Huệ, 25 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) tìm đủ mọi cách để chữa hăm cho con. Dù được mẹ chăm sóc rất cẩn thận, bé 4 tháng tuổi vẫn bị hăm trầm trọng.
“Mình vệ sinh cho con sạch sẽ mỗi ngày và mặc quần áo thông thoáng cho con. Mỗi lần thay bỉm, mình đều rửa cho con sạch sẽ bằng nước muối sinh lý. Bé cũng chỉ đóng bỉm ban đêm. Còn ban ngày mình chịu khó si tè bé, không hề đóng bỉm. Vậy mà bé vẫn bị hăm làm mình sốt ruột và thương con quá”, chị Huệ than thở.
Bị hăm khiến da đỏ lựng làm con khó chịu và quấy khóc. Chị Huệ đã mua nhiều loại thuốc Tây thoa cho con nhưng cũng không đỡ. Nhiều lần, nghe lời mách của bạn bè, chị Huệ còn mạnh dạn mua lá ổi rửa sạch, nấu lấy nước để rửa vết hăm cho bé. Nhưng dùng nước lá ổi rửa cũng không hiệu quả.
Chị đưa con đi khám bác sĩ và lấy đơn thuốc đã kê về cho bé bôi nhưng bé nhà chị vẫn không bớt. Quá sốt ruột, chị gọi về quê chia sẻ với mẹ chồng. Mẹ chồng chị đã bày cho chị 1 biện pháp tự nhiên đơn giản. Đó là lấy nước lá khế chua đã đun sôi để nguội tắm cho con và lau vùng bị hăm cho con ngày 2 lần.
“Chỉ sau 1 ngày lấy nước lá khế chua rửa cho con, mình đã thấy giảm hăm. Mình áp dụng liền 3 ngày, những nốt đỏ bị hăm biến mất. Mình và mọi người khá bất ngờ. Ai cũng bảo bé hợp với nước lá khế”, chị Huệ vui mừng khoe.
Chỉ sau 1 ngày lấy nước lá khế chua rửa cho con, chị Huệ đã thấy con giảm hăm. Chị áp dụng liền 3 ngày cho con, những nốt đỏ bị hăm đã biến mất.
|
|
Cũng là bà mẹ có con nhỏ, thời điểm trước đây, bé nhà chị Thảo chẳng bao giờ bị hăm. Tuy nhiên, thời tiết Hà Nội mới bước sang mùa thu đông hanh khô, cổ bé nhà chị xuất hiện những nốt lấm tấm đỏ. Đưa con đi khám bác sĩ, chị mới phát hiện ra con bị hăm cổ.
Hàng ngày để chữa cho con, chị dùng phấn rôm thoa vùng bị hăm. Chị còn dùng cả mỡ trăn bôi cho bé để song tất cả các biện pháp đều không hiệu quả.
Cổ của con chị Thảo càng bị hăm nhiều và còn lên nhiều nốt nhỏ li ti như đầu tăm khiến bé khó chịu và quấy khóc.
|
|
Đang lúc bế tắc, chị tình cờ được 1 người bạn cũng có con nhỏ mách nước bí kíp trị hăm vùng cổ cho bé chỉ bằng nước chè tươi, chị Thảo cũng bất khả kháng áp dụng. Không ngờ, chỉ sau 2 ngày rửa nước lá chè tươi, vùng da cổ của con đã khô ráo và dần mất hẳn dấu vết bị hăm cổ.
Mới đây, bé nhà chị Thảo do đóng bỉm nhiều khiến da khô, sáng bóng kèm theo những chấm li ti giống như mụn. Những vết này xuất hiện ở phần mông của bé và cũng có khi nó “len lỏi” đến 2 bên bẹn, háng và bộ phận sinh dục của bé. Vì có những triệu chứng này nên bé khó chịu và bị đau rát nên cáu gắt.
|
Bé dễ bị hăm da do đóng bỉm nhiều. Ảnh minh họa |
Nhớ đến cách trị hăm ở vùng cổ cho bé, chị cũng mạnh dạn dùng nắm lá chè tươi đặc đun lên hãm nước để sau đó rửa cho con. Nhờ hợp với nước lá chè tươi mà con chị đỡ tình trạng rớm máu và se ngay. Rửa liền nước lá chè tươi 2 ngày, bé nhà chị cũng đã khỏi.
“Có hôm mình chỉ đun 1 nắm lá chè tươi là được 1 ấm chè. Sau đó mình hãm lại để dùng nước này rửa cho con. Ngoài ra, cố gắng đóng bỉm con ít nhất có thể. Vì thế tình trạng này của con giảm trông thấy chỉ sau vài ngày áp dụng. Thực tế, hăm tã của bé tuy không nghiêm trọng nhưng nếu mẹ không chú ý điều trị sớm, sẽ chuyển thành dạng nấm hoặc nhiễm khuẩn. Lúc ấy con sẽ còn đau và trầm trọng hơn". Chị Thảo cho biết.
Nhờ hợp nước lá chè tươi mà con chị Thảo giảm rớm máu. Rửa liền nước lá chè tươi 2 ngày, bé đã khỏi hăm da.
|
|
Ý kiến chuyên gia:
Để chữa hăm da cho bé, theo lương y Vũ Quốc Trung - Phòng chẩn trị y học Chùa Cảm ứng, Hội Đông y Việt Nam, chỉ cần lấy 1 nắm lá khế hoặc lá chè tươi rửa sạch. Sau đó ngâm nước muối 10 phút rồi vớt ra để ráo nước. Tiếp tục cho muối và lá khế hay lá chè xanh vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Chắt lấy nước lá khế hay lá chè tươi và lấy khăn chấm nước lá khế vào những chỗ trẻ bị hăm.
Hoặc nhanh hơn, mẹ có thể rửa lá khế hoặc lá chè xanh sau đó đun sôi, hãm lấy nước dùng tắm hoặc chấm vào chỗ hăm cho con.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng lưu ý, các bà mẹ nên đảm bảo chọn được lá khế sạch, lá chè xanh sạch không bị nhiễm thuốc hóa học. Không nên mua 2 loại lá này ngoại chợ, nên xin ở những gia đình tự trồng sẽ tốt hơn.
Ngoài nỗi lo 2 loại lá trên sợ phun thuốc hóa học còn là nỗi lo lá có thể chứa các loại vi khuẩn, virus, nhất là một số loại vi khuẩn. Vì thế, những bà mẹ cần kiểm tra kỹ. Tốt nhất nên rửa thật sạch lá khế hay lá chè xanh trước khi cho bé sử dụng.
Những bài thuốc trị hăm từ lá chè xanh, lá khế trên chỉ áp dụng khi bé bị hăm nhẹ. Nếu sau khi áp dụng cho trẻ bị hăm nhẹ mà không thấy đỡ hay tình trạng hăm đã khéo dài trên 5 ngày mà trẻ kèm theo sốt, bị hăm nổi mụn mủ hay lan rộng hơn, mẹ cần đưa bé đi khám kịp thời và điều trị sớm.
|
Đỗ Thu Hà