“Để nướng, chiên gà có lời nhiều phải tẩm ướp “bột màu”, bảo đảm chiên 1,5 phút chín. Bột này còn giúp thực phẩm không hao hụt, không bị nhăn, căng phồng, bán một lời năm” - anh Thủy, một người từng kinh doanh gà nướng, gà chiên tại Khu công nghiệp Dĩ An - Bình Dương "bật mí" bí quyết.
|
Hiểm hoạ từ gà, vịt nướng, chiên có coloren rình rập |
Chúng tôi đem “bột màu” này hỏi chuyên gia, được biết đây là phụ gia coloren, có công dụng giảm thời gian chiên và nướng, bề mặt thực phẩm không bị nhăn, giảm hao hụt trọng lượng, tăng độ thơm, mau vàng, tiết kiệm được nhiên liệu và công sức chiên, nướng.
“Tuy vậy, coloren sinh ra nhiều chất độc hại như acrylamide, glycerol – đây là chất có khả năng gây ung thư cao ở bộ phận sinh sản, tiêu hóa, thần kinh…” - TS Phan Thế Đồng - Khoa Khoa học Công nghệ, ĐH Hoa Sen khẳng định.
Nướng chín con gà trong… 10 phút
Hình ảnh ăn uống đông đúc tại các quán nướng gà, vịt đã trở nên phổ biến ở TP.HCM. Trên nhiều con đường ở Q.Gò Vấp, Q.10 và đặc biệt là các vùng ven tại Q.Thủ Đức, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, chiều chiều là có hàng loạt các xe bán gà, vịt nướng sẵn căng bóng bắt mắt. Hầu hết, gà, vịt ở các tụ điểm này đều được ướp sớm từ nhà rồi mới đem ra bán.
Lúc 9 giờ ngày 28/7, chúng tôi được tận mắt chứng kiến công nghệ ướp vịt nướng tại quán chuyên bán đồ nhậu có tên B.M, gần một chợ tạm trên hương lộ 80 (H.Bình Chánh). Một người đàn ông ở trần trùng trục bưng thau vịt vừa rửa sạch từ ngoài sân vào mái hiên để chuẩn bị tẩm ướp. Thau được đặt trên nền đất vương vãi đầy sả, ớt.
Ông cho các gia vị hành, tỏi, ớt, sả, nước mắm, dầu ăn, tiêu, bột ngọt, ngũ vị hương, lá chanh, lá mắc mật... Sau đó, ông còn cho vào hàng chục loại gia vị không nhãn mác, trong đó có một loại bột màu trắng, thoạt nhìn trông như đường cát trắng nhưng nhuyễn và mịn hơn rất nhiều và tan rất nhanh. Ông cho biết: “bột này là gia vị tẩm ướp”.
Sau quá trình tẩm ướp là quá trình nướng cực nhanh. Tầm 18 giờ, dọc hai bên đường An Dương Vương (Q. 5), hàng chục xe nướng gà, vịt, mực… túc trực. Mỗi quán di động này có cả chục bàn xếp tràn ra vỉa hè lấn xuống cả lòng đường.
Mặc dù lượng khách đông nghịt nhưng chỉ cần gọi 5 phút sau sẽ có món. Cánh gà, chân gà còn chảy ròng ròng nước ướp nhưng khi bỏ lên vỉ nướng, lật qua lật lại khoảng 6 lần (2 – 3 phút) là chín; còn một con gà thì chỉ khoảng 10 phút là vàng ươm và sực nức mùi thơm.
Biết chúng tôi có nhu cầu cần thuê nướng gà, vịt phục vụ đám, ông chủ lò nướng Tâm (đường Phan Văn Hớn, H.Hóc Môn) cho biết, tiền công tẩm ướp, nướng giá 50.000 đ/con. Ông này đề nghị chúng tôi chỉ cung cấp gà, vịt đã làm sạch, còn nguyên liệu tẩm ướp để ông lo. “Tôi có công thức ướp riêng, khớp thời gian nướng. Cô ướp, tôi rất khó nướng, thịt không ngon, nhìn không mướt mắt”.
“Không riêng gà, vịt, chim cút, chân gà nướng… có thời gian chế biến “cấp tốc”, mà các loại đậu hủ, chả giò, chả cá, xúc xích tại các điểm bán cũng có tẩm gia vị này”, một người trong nghề cho biết.
Coloren đều từ Trung Quốc nhập lậu?
Theo chúng tôi khảo sát, hiện coloren, chất bột màu rút ngắn thời gian nướng này được bày bán rất nhiều tại các sạp chợ, cửa hàng và ở các công ty. Ngoài trong nước sản xuất, sản phẩm còn được nhập về từ Hàn Quốc, Trung Quốc với mức giá như nhau, khoảng 190.000 đ/ký và thông tin trên nhãn sản phẩm rất qua loa.
Tại sạp Tuyết Hồng, chợ Kim Biên (Q.5), khi chúng tôi hỏi mua coloren, chị bán hàng hoài nghi: “coloren để làm gì?”. Khi nghe nói coloren giúp chiên, nướng thực phẩm chín nhanh, người phụ nữ này nói: “một bịch nửa ký giá 95.000 đ”, rồi tất tả đi đâu đó lấy hàng đến 5 phút sau mới quay lại: “dùng lần một, bảo đảm dùng lần hai vì không chất nào làm chín nhanh như vậy”.
Theo chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, Việt Nam đang cho phép sử dụng 23 nhóm phụ gia thực phẩm, bao gồm 337 chất (cả hương liệu). Tuy nhiên, chỉ từ 5 - 10% mặt hàng này được sản xuất tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu, trong đó có 30- 40% phụ gia thực phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. |
Khi được hỏi cách sử dụng, người bán hướng dẫn qua loa: “muốn nhanh chín thì dùng nhiều, lâu chín dùng ít. Sản phẩm được đóng gói trong lớp giấy nhôm bạc khá sang trọng nhưng trên nhãn chỉ có tờ giấy in chữ coloren, công ty TNHH Hướng Đi (Q.Tân Bình) sản xuất, thành phần chỉ độc nhất chữ “xem COA”. Các chuyên gia cho biết, cách ghi nhãn này không có ý nghĩa gì.
Theo lời người kinh doanh trong giới, chúng tôi tìm đến công ty CP XNK hóa chất Việt Mỹ (Q.8) để tìm hiểu về đường đi của coloren. Đây là công ty lớn, là đầu mối chuyên phân phối coloren trải từ Nam ra Bắc. Nếu trên bao bì ở sạp chợ chỉ ghi sơ sài “xem COA” thì tại đây trên nhãn đã có ghi: C5H10O5, dù cách ghi nhãn vẫn rất chung chung. “Ai kinh doanh thực phẩm chiên nướng cũng sử dụng. Chỉ cần 0,01 – 2g (khoảng 1/2 muỗng cà-phê)/ ký sản phẩm, thời gian chiên chỉ 1,5 phút” - nhân viên công ty giới thiệu.
Khi nhìn thấy thành phần trên sản phẩm coloren được ghi chung chung là C5H10O5, TS Phan Thế Đồng khẳng định: “đây có thể là phụ gia được nhập lậu từ Trung Quốc. Bởi C5H10O5 là công thức chung của nhiều loại đường như arabinose, ribose, sylose. Cách ghi nhãn này không hợp pháp, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ không cho phép nhập khẩu. Thông thường, cũng chỉ có coloren Trung Quốc mới ghi chung chung C5H10O5”.
Hóa chất tẩm ướp thực phẩm muôn hình vạn trạng đang đầy rẫy trên thị trường. Với mức giá gà, vịt nướng sẵn giá chỉ 80.000-140.000 đồng/con, 6.000-10.000 đồng cặp chân, cánh gà, nhiều người sẵn sàng chọn lựa làm món nhậu hoặc làm bữa tối mà không hay biết nếu được ướp bằng coloren, chúng độc hại đến mức nào. Chưa kể đây có thể là những hóa chất trôi nổi xuất xứ từ Trung Quốc, chưa qua kiểm định từ các cơ quan an toàn thực phẩm
trong nước.
TS Phan Thế Đồng – Khoa Khoa học Công nghệ, ĐH Hoa Sen khẳng định:
C5H10O5 là đường được lấy từ quá trình thủy phân trong cám, chất xơ, mủ gòn, mủ trôm... có sử dụng nhiều hóa chất trong quá trình chiết tách. Khi chiên nướng, đường này sẽ làm sản phẩm chín nhanh hơn và có màu vàng bắt mắt. Việc đẩy nhanh quá trình làm chín này sẽ sinh ra nhiều hợp chất không có lợi cho sức khỏe.
Chẳng hạn sinh ra caramel và phản ứng với chất đạm sinh chất có khả năng gây ung thư, đồng thời làm mất các axit amin thiết yếu có trong thực phẩm. Ăn thực phẩm có tẩm ướp nhiều phụ gia này, đồng nghĩa với việc đang ăn một chất độc gây ung thư.
Coloren ở dạng bột, có màu trắng trong suốt như đường nên khi tẩm ướp sẽ không có màu. Đây là phụ gia được phép sử dụng tại Việt Nam với liều lượng 0,01 – 2g/ ký sản phẩm. Hàm lượng cho phép được sử dụng rất nhỏ nhưng nhiều người chế biến cứ ước chừng và cho vào theo công thức riêng với liều lượng nhiều hơn để có sản phẩm bắt mắt ngon miệng.
Việc sử dụng quá liều lượng có nguy cơ gây ung thư rất cao.
|
Thanh Hoa