Kính gửi ông thầy thuốc ở Bạch Mai

27/09/2020 - 06:46

PNO - Ông cứu người nơi phòng bệnh. Nhưng cũng chính ông đẩy bệnh nhân vào bước đường cùng vì cùng đường gánh nợ.

Ngay khi vụ nâng khống giá, rút ruột ngân sách tại CDC Hà Nội phát lộ, có dấu hiệu lan ra ở một vài tỉnh thành, và tận đến lúc cơ quan chức năng công bố kết quả điều tra bước đầu về các thủ đoạn gian dối, cấu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội, nhân dân chúng tôi vẫn không mảy may dám nghĩ, hay thoáng trong suy nghĩ rằng, ông và dàn lãnh đạo, cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai có liên đới. 

Và rõ ràng, như chính phát biểu của ông vào ngày 4/9 đã bảo chứng cho niềm tin của chúng tôi: “Không có lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân nào ở Bệnh viện Bạch Mai và cũng không ai được hưởng xu nào trong việc trên. Ngay cả tiền khấu hao máy, công ty BMS cũng thu về chứ không có chuyện bệnh viện chia chác. Chúng tôi không hề biết giá thiết bị được nhập về bị nâng khống. Vụ việc này xảy ra, chúng tôi rất buồn. Nhưng bệnh viện cũng chỉ là nạn nhân”.

Ngày 25/9, ông bị bắt, là một trong những “đồng phạm” có liên quan, “đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hoá liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế, chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh”.

Chỉ có bệnh nhân mới là nạn nhân, thưa ông.

Họ sinh ra, chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo về khớp và sọ não. Để được sống, họ buộc phải trả bằng mọi giá. Kỹ thuật mổ bằng robot chưa nằm trong lĩnh vực bảo hiểm chi trả nên hầu hết chi phí bệnh nhân phải trả. Chỉ trong 2 năm, từ 2017- 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền mà các đối tượng hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng trên 10 tỷ đồng.

Chí ít, họ những đến hai lần khốn đốn, vì sức khoẻ của bản thân và phục vụ cho “sức khoẻ” phì gia của ông và các cộng sự.

Robot hỗ trợ mổ sọ não Rosa bị thổi giá hàng chục tỷ đồng trong đề án liên doanh, liên kết lắp đặt hệ thống phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ robot trợ giúp chính xác của BV Bạch Mai
Robot hỗ trợ mổ sọ não Rosa bị "thổi giá" hàng chục tỷ đồng 

Thưa ông thầy thuốc,

Ở thời điểm “nhắm mắt” để làm kẻ đồng loã; và cho đến tận bây giờ, có lúc nào ông ngước nhìn cái danh hiệu cao quý “Thầy thuốc Nhân dân” mà ông đang mang? Rồi nào cả tước hiệu cao cả “ Vinh quang Việt Nam” mà ông đã từng được xét chọn, trao tặng? Và hơn hết thảy những danh xưng bóng lộn ấy, chỉ cần gói gọn trong hai từ “bác sĩ”, ông có thử một lần cúi đầu mà tự thấy mình mới là “bệnh nhân” cần được phẫu thuật “sắp” lại chút lương tri?

Lẽ nào, một người có công gầy dựng và phát triển khoa Gây mê hồi sức, làm nền tảng cho bao cuộc giải cứu thần kỳ, trả lại sự sống ngay lằn ranh cửa tử, cuối cùng lại gục ngã trong sự mê muội vì tiền, vì lợi ích cá nhân. Ông cứu người nơi phòng bệnh. Nhưng cũng chính ông đẩy bệnh nhân vào bước đường cùng vì cùng đường gánh nợ.

Các bị can Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận (từ trái sang)
Các bị can Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận (từ trái sang)

Một bác sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư Nguyễn Nhật Cảm đã thúc thủ trước đồng tiền, ngay trong mùa dịch bệnh lan tràn. Nay, một giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Quốc Anh là “nạn nhân” của vòng xoáy kim tiền. “Ăn” ngay trong thời dịch bệnh hay “ăn” trên lưng người bệnh thì hành vi, hệ quả đều chẳng khác mấy. Lại quả giống nhau ở chỗ, hôm qua còn nói những lời từ mẫu, “hạnh phúc lớn nhất đối với người làm nghề y đó là cứu sống được những ca nặng mà tưởng chừng phải bó tay”, thì hôm sau, ngày mai đã nhúng chàm không mảy may xấu hổ.

Chỉ có nhân dân chúng tôi lấy làm hổ thẹn vì ngay cả trong “chút lòng trinh bạch” dành cho các lương y cũng bị chính ông bôi xoá.

Khi nhân dân chúng tôi mang bệnh, ông và các đồng nghiệp ông cứu chữa.

Khi ông mắc “bệnh”, ông có kịp chữa cho mình và liệu “bệnh” có lây lan?

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Nguyễn Quang Bính 27-09-2020 14:28:46

    Một bài viết về nỗi đau của những bệnh nhân, nhưng đau hơn là những người được xem là hiền tài của đất nước mà lại nhẫn tâm tước đoạt những đồng xu cuối cùng của người bệnh. Người dân còn biết tin vào đâu?

  • Hồng Hải 27-09-2020 14:19:06

    "Chỉ có nhân dân chúng tôi lấy làm hổ thẹn vì ngay cả trong “chút lòng trinh bạch” dành cho các lương y cũng bị chính ông bôi xoá." . Câu văn Rất đắt !

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI