Kính gửi ông giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM

13/10/2017 - 11:29

PNO - Giáo dục, không khai phá sự hiểu biết cho con người, không thúc đẩy họ đi đến chân lý - nơi sự thật bắt đầu và kết thúc - thì chẳng để làm gì, thưa ông!

Phong trào hội họp, hội nghị, hội thảo tầng tầng lớp lớp diễn ra mà ở đấy, hội là chính, còn họp để thảo, để bàn, để nghị luận thì rất rất phụ, tôi đã nghe nhiều, mà dự cũng không ít.

Nhưng, tổ chức hội nghị tổng kết năm của toàn ngành, cấp thành phố mà kéo nhau đến một địa điểm du lịch những 4-7 ngày, với giá cả đắt đỏ, với thiết kế chương trình không cân đối, thiếu tập trung nội dung trọng tâm thì quả là, ngành ta đã quá “chơi sang”! Mà không chỉ “chơi sang” một lần, một “cú” cho nó bõ, đằng này, có biểu hiện liên tục, năm này qua năm khác, để lại bao tiếng than trách của chính người trong cuộc. 

Trong thời buổi khó khăn, khi mọi chủ trương, quyết sách đưa ra đều cân nhắc các nguồn chi bởi nguồn thu đang ngày một eo hẹp, thậm chí cạn kiệt, không cân đối, thắt chặt chi tiêu, sớm muộn cũng lâm cảnh nợ nần chồng chất. Hẳn là trong những “tour hội nghị”, sở chỉ cho chủ trương, các trường chậm thực hiện thì sở ra công văn nhắc nhở, đôn đốc, thế thôi. Sở không hề lạm chi bởi các đơn vị tham dự đều tự túc kinh phí.

Nhưng, để quyết toán cho các “tour hội nghị” đắt đỏ này, chắc rằng, các đơn vị cơ sở phải tính tính toán toán nguồn chi, phải cân não ngoắc ngoéo, phải bôi xóa xanh xanh đỏ đỏ. Sở không lạm chi nhưng vô tình, sở đã tạo ra khoản nợ khổng lồ, đó là nợ một kiểu tư duy, một kiểu hành xử trong quản lý và điều hành giáo dục mang tính áp đặt, quan liêu, đối phó, hình thức kèm theo những hệ lụy không nhỏ. 

Cái tâm sáng trong của nhà giáo đã chối từ mọi bổng lộc để ẩn nhẫn một đời mà gieo chữ, khai tâm. Treo ấn từ quan là thái độ của một người thầy trước đứa học trò quên đạo thánh hiền mà ăn chơi, hưởng lạc.

Lẽ nào, là hậu thế, nếu ta vẫn lầm lạc thì lớp hậu sinh, biết đâu lại chính là người dâng sớ… 

Tôi đồ rằng, trong bộ báo cáo tổng kết, trong bản kiểm điểm thực hiện nghị quyết, trong chỉ tiêu, phương hướng nhiệm vụ… sẽ không thiếu những cụm từ “tiết kiệm”, “minh bạch”, “đổi mới” “nâng cao” đi cùng quyết tâm lồng lộng phải “căn bản”, phải “toàn diện” từ đầu tư con người đến chất lượng giáo dục…

Nhưng thử ngồi lại, thành thật mà nói với nhau một lời, đằng sau những tổng kết đánh giá nọ, những chỉ tiêu phương hướng kia có bày biện cái sự thật xấu xí, đó là bệnh hình thức, thói lãng phí, cái “thói quen” mệnh lệnh từ trên xuống, dưới cứ sợ sệt tuân theo; bày tỏ một sự phản biện chí lý, cần thiết, vì cái chung cũng không dám, không thể, không có.

Chỉ chừng ấy đòi hỏi thôi, ở ngay chính các vị thuyền trưởng còn là bất khả thì làm sao con tàu giáo dục có thể lèo lái trong biển cả mang tinh thần “khai phóng tự do”, trên hành trình truyền tải cái văn hóa, tiếp biến tri thức, khám phá những chân trời vô biên, vô lượng…

Giáo dục, không khai phá sự hiểu biết cho con người, không thúc đẩy họ đi đến chân lý - nơi sự thật bắt đầu và kết thúc - thì chẳng để làm gì, thưa ông! 

Ngày 9/10, Báo Phụ Nữ đăng bài “Sang chảnh” như... ngành giáo dục TP.HCM, tòa soạn chúng tôi nhận vô số điện thoại, email bày tỏ sự đồng tình về những phát hiện, cảnh tỉnh trong bài viết. Rất nhiều hiệu trưởng, hiệu phó, viên chức giáo dục gửi lời cảm ơn đến chúng tôi vì đã nói lên những điều “khó nói” thay họ.

Kinh gui ong giam doc So Giao duc - Dao tao TP.HCM
Quang cảnh Hội nghị Tổng kết Giáo dục Trung học năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 vào ngày 22/8/2017 của Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM

Tiếc rằng, khi chúng tôi tha thiết muốn chuyển đến ông giám đốc những lời cảm ơn giản dị ấy, cần lãnh đạo sở lắng nghe một lần những tiếng nói từ dưới vọng lên ấy, nhưng tất cả là… không nghe máy, không một chỉ dấu phản hồi sau nhiều ngày chờ đợi. 

Thưa ông giám đốc sở, 

Thật lòng, khi đọc những con số - từ chi phí giá tour hội nghị - du lịch, số lượng ngày tham dự, người tham dự, người đầu tiên tôi nghĩ đến là… học trò. Sự lãng phí, chắc hẳn sẽ đẩy chúng ta đến khó khăn. Nghề giáo, vốn không thể làm giàu, có than nghèo kể khổ thêm một chút, chắc cũng không ai trách.

Nhưng sự lãng phí đi kèm cái không minh bạch, từ lý do hội họp đến các hợp đồng có dấu hiệu độc quyền khai thác các tour hội nghị - du lịch, các hoạt động ngoại khóa… sẽ là bài học về sự tha hóa - từ lời nói đến hành động, từ sứ mệnh mà các thầy rao giảng đến động cơ thực hiện, quẳng vào những đứa trẻ đang tuổi trưởng thành. 

Khoảng năm Tân Tỵ 1341, thượng hoàng Minh Tông mời học sĩ Chu Văn An ra làm Quốc Tử Giám tư nghiệp để dạy học cho thái tử Trần Hạo. Sau này, khi lên ngôi, Trần Dụ Tông (Trần Hạo) lại ham chơi bời, lơ là chính sự, nghe lời xàm tấu, Chu Văn An dâng sớ đòi trảm 7 tên nịnh thần vốn được vua yêu quý. Dụ Tông không nghe. Chu Văn An treo ấn từ quan. 

Cái tiết tháo của một bậc học sĩ - người thầy của thiên hạ - đã nhìn ra lũ xu nịnh mà dâng Thất trảm sớ. Cái tâm sáng trong của nhà giáo đã chối từ mọi bổng lộc để ẩn nhẫn một đời mà gieo chữ, khai tâm. Treo ấn từ quan là thái độ của một người thầy trước đứa học trò quên đạo thánh hiền mà ăn chơi, hưởng lạc. Lẽ nào, là hậu thế, nếu ta vẫn lầm lạc thì lớp hậu sinh, biết đâu lại chính là người dâng sớ… 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI