PNO - Tại TP.HCM, rất nhiều cửa hàng thực phẩm sạch được mở ra trong thời gian qua và ngày càng nhiều người tìm mua cho thấy nhu cầu về nguồn hàng này là rất lớn. Song, với giới kinh doanh thực phẩm sạch, mọi thứ chỉ mới bắt đầu…
Hiện nay, khái niệm thực phẩm sạch được dùng tràn lan và người dùng vẫn còn khá mơ hồ thế nào là thực phẩm sạch, và sạch đến mức độ nào. Như rau thì có tiêu chuẩn rau an toàn, VietGAP, GlobalGAP hay Organic (hữu cơ). Mỗi loại trên có giá bán và nơi bán khác nhau, tùy vào chứng nhận và kỹ thuật canh tác. Rau an toàn và GAP được coi là những tiêu chuẩn cơ bản được bán ở các chợ, siêu thị…
Nhiều cửa hàng thực phẩm sạch mở ra nhưng người tiêu dùng còn ngại mua vì giá cao.
Trong khi đó rau hữu cơ lại đi theo một hướng riêng là hoàn toàn không sử dụng bất cứ hoá chất nào trong quá trình canh tác (như phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng hay chất bảo quản…). Vì vậy, đây được coi là tiêu chuẩn cao nhất trong canh tác nông nghiệp, nên giá rau hữu cơ cũng cao hơn so với cùng loại tại siêu thị hay chợ gấp 2-3 lần và chỉ bán ở các cửa hàng thực phẩm cao cấp.
Rất nhiều người trẻ khát vọng về một thị trường thực phẩm sạch cho người Việt Nam đã bỏ công đi khắp nơi tìm hiểu, sau đó triển khai các trang trại trồng rau, củ, quả để cung cấp cho thị trường. Như anh Đinh Anh Huân với vườn rau quả tại Đà Lạt được chăm bón, tưới tiêu, thu hoạch… hoàn toàn tự động qua kết nối với hệ thống theo xu hướng “Internet vạn vật” từ các thiết bị của một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp chế tạo trên những con chip của một hãng công nghệ lớn. Vườn rau quả được thiết kế trong lồng kính với hệ thống tưới tiêu tự động có hệ thống cảm biến ánh sáng, nhiệt độ… và cả cảm biến nhận biết chu kỳ sinh trưởng của cây cũng như robot thu hoạch. Tất cả những thông tin của cây được truyền về hệ thống máy chủ và từ đây, các chuyên gia có thể đưa ra những giải pháp cần thiết để rau, quả có chất lượng tốt nhất…
Thảo organic là một cái tên không mấy xa lạ với nhiều người. Từ nhu cầu của chính bản thân mà Thảo mày mò lên mạng, sang Lào nghiên cứu và bén duyên với thực phẩm sạch hữu cơ cho đến nay. Tuy nhiên, cái khó của thực phẩm hữu cơ là quy trình canh tác phải tuân thủ nghiêm ngặt không có hoá chất trong quá trình canh tác và mọi thông tin đều được truy xuất. Thêm nữa là giá thành thực phẩm hữu cơ còn khá cao nên khá kén khách hàng. Đổi lại, khi mua một bó rau hữu cơ có chứng nhận, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm đó là sản phẩm sạch thực sự.
“Nhiều người nghĩ thực phẩm hữu cơ cũng như các loại thực phẩm an toàn khác mà giá lại cao hơn nên họ không lựa chọn. Bản thân tôi cho rằng, lĩnh vực kinh doanh nào cũng chứa đựng cả tiềm năng và thách thức. Tiềm năng của thực phẩm hữu cơ là thị trường còn mới, còn rộng mở, còn phát triển trong thời gian tới”, Thảo kỳ vọng.
Mặc dù ai cũng hiểu thực phẩm sạch sẽ đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng chúng hàng ngày. Chị Bích, ngụ quận 5, TP.HCM phân tích:“Giá thực phẩm sạch nói chung chát lắm. Loại nào cũng cao hơn chợ gấp rưỡi, có khi gấp đôi, ba thì sẽ khó để mua hàng ngày. Mình cũng muốn chuyển sang sử dụng toàn bộ là thực phẩm sạch nhưng chi phí đội lên nhiều lắm, không gánh nổi nên chỉ thỉnh thoảng mua thôi. Nhưng hiện nay mình tin mà mua chứ thực sự cũng không biết người bán có làm đúng như họ cam kết không”.
Một khi thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia cung cấp thực phẩm sạch, người tiêu dùng sẽ có điều kiện tiếp cận hơn.
Khảo sát một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm online, offline cho thấy nguồn hàng khá phong phú, hàng trăm loại từ rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, hải sản, nước ép, trà, café,…. giá cả mỗi nơi mỗi khác. Một số cửa hàng có trưng chứng nhận để đảm bảo bán hàng sạch, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc trước khi mua.
Qua ghi nhận, giá bán tại các cửa hàng này nhìn chung còn khá cao so với mức thu nhập bình quân của người tiêu dùng. Chẳng hạn, với thực phẩm canh tác hữu cơ, người dùng phải bỏ ra đến 130,000 đồng cho một ký cà chua bi cocktail organic, hay dưa leo với giá khoảng 90,000 đồng. Trong khi đó đậu bắp cũng gần 70.000 đồng/ký, cà rốt ngoài 60.000 đồng/ký…
Mới đây, Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng chính thức đưa vào kinh doanh bốn nhóm thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Co.op Organic đạt tiêu chuẩn Mỹ và Châu Âu, trong đó có hai loại gạo Jasmine, Japonica, dưa leo, bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống, phi lê cá ba sa và tôm sú. Để giúp càng nhiều người có điều kiện tiếp cận với thực phẩm hữu cơ hơn, nhất là người tiêu dùng bình dân, đại diện Saigon Co-op cho biết đa số các loại rau củ Co.op Organic có giá bán là 60.000 đồng/kg.
Trên thực tế, thị trường thực phẩm hữu cơ hiện nay còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các đơn vị kinh doanh hữu cơ đều không có những SP đạt được các chứng nhận từ các tổ chức quốc tế hoặc sản lượng ít. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa có nhận thức và hiểu biết rõ để phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch, từ đó e ngại chi tiêu. Trên cả là do giá của các sản phẩm hữu cơ vẫn còn cao hơn nhiều so với các sản phẩm nên người tiêu dùng ít lựa chọn.
Nhưng rõ ràng, một khi thị trường có thêm nhiều nhà cung cấp thì giá thành thực phẩm sạch sẽ giảm đi, dễ tiếp cận với khách hàng hơn. Kết quả khảo sát nghiên cứu người tiêu dùng của AC Nielsen về ngành hàng thực phẩm hữu cơ cho thấy một xu thế ăn uống mới đã hình thành ở người tiêu dùng Việt Nam. Hầu hết sẽ chọn các sản phẩm địa phương, tự nhiên và hữu cơ khi có thể. Vì thế, họ chuyển sang mua thực phẩm ở các cửa hàng chuyên về thực phẩm lành mạnh và sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho việc này.
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.
Lúng túng với công nghệ, bị trừ nhiều khoản phí khi được nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng nên một bộ phận người cao tuổi chỉ muốn nhận "tiền tươi".