Kinh doanh thế nào trong trạng thái bình thường mới?

25/05/2020 - 06:32

PNO - Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi do dịch COVID-19; muốn hồi phục kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển hướng. Đó là một trong những lời khuyên được đưa ra tại hội thảo “Phục hồi kinh doanh trong trạng thái bình thường mới” do Chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 tổ chức sáng 24/5.

Theo bà Trương Lý Hoàng Phi - nhà sáng lập và cố vấn chiến lược BSSB - sau dịch COVID-19, thói quen, hành vi tiêu dùng đã thay đổi. Người tiêu dùng chuyển sang ăn ở nhà nhiều hơn bên ngoài, giảm thói quen giải trí sau giờ làm việc, tăng mua hàng trực tuyến. Điều này đòi hỏi các đơn vị kinh doanh cũng phải thay đổi tư duy, mô hình kinh doanh sau dịch. 

Do đó, cần đánh giá lại từng sản phẩm, cách tiếp cận khách hàng để linh hoạt thay đổi, kinh doanh hiệu quả hơn, nhất là ngành kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, cần thiết lập mối quan hệ khắng khít hơn với khách hàng, chăm sóc khách hàng tốt hơn và giảm yếu tố phụ thuộc vào kinh doanh offline (trực tiếp); cân nhắc nhiều cách thức tiếp cận khách hàng khác nhau như kết hợp bán hàng online.

Một nhà sách tại TP.HCM mở thêm quầy kinh doanh các sản phẩm thiết yếu cho khách hàng tiện mua sắm
Một nhà sách tại TPHCM mở thêm quầy kinh doanh các sản phẩm thiết yếu cho khách hàng tiện mua sắm

Anh Hoàng Văn Khoa - chủ chuỗi bánh mì Pew Pew - chia sẻ: “Trong nguy có cơ”. Khi xảy ra dịch COVID-19, anh đã đánh giá lại các quy trình trong kinh doanh, từ nhân sự đến việc giao, nhận hàng, quan trọng là giữ được chất lượng nhưng không tăng giá sản phẩm. “Mặc dù xác định năm nay tổng doanh thu sẽ âm nhưng bù lại tôi đánh giá lại được thị trường và có kế hoạch rõ ràng hơn. Thay vì quảng cáo, chúng tôi tập trung chăm sóc khách hàng tốt hơn, như trang bị nước rửa tay, tặng khẩu trang cho khách mua bánh mì. Chờ dịch bệnh ổn, tôi mới chạy các chương trình giới thiệu sản phẩm mới nhưng vẫn xác định đảm bảo chất lượng, giá tốt” - anh Khoa cho biết.

Theo anh Trương Thành Công - chủ doanh nghiệp may mặc quần áo thể thao AMAC - khó khăn do dịch COVID-19 là khó khăn chung, doanh nghiệp phải xác định “thay đổi hay chết”. Khi dịch xảy ra, doanh thu giảm 90%, công ty anh phải đàm phán chủ nhà giảm giá thuê mặt bằng, cắt giảm những sản phẩm không cần thiết, giảm chi phí điện, nước… Doanh nghiệp của anh tận dụng nguồn lực có sẵn để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, đáp ứng nhanh cho thị trường. 

“Chúng tôi vẫn duy trì các sản phẩm quần áo thể thao thời thượng. Khách hàng ở đâu, mình ở đó. Khách không thể ra sân thi đấu thì mình làm đồ thể thao tại nhà có yếu tố giải trí nhằm kích cầu, đồng thời áp dụng marketing online, đưa sản phẩm tới khách hàng. Sau thời gian giãn cách xã hội, người tiêu dùng hạn chế mua sắm trực tiếp nên công ty ứng dụng công nghệ tìm kiếm khách hàng trực tuyến, tính toán giảm định phí, tăng biến phí. Nhờ thay đổi linh hoạt, thích ứng nhanh, doanh thu đã hồi phục 60% và giảm được 30% chi phí. “Bài học rút ra là bạn có thể mất bất kỳ điều gì nhưng đừng bao giờ để mất niềm tin. Mất niềm tin, bạn sẽ sợ hãi; không hành động thì sẽ không có kết quả. Cần có tư duy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm để thích ứng” - anh Công đúc kết.

Ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường - cho rằng, để phát triển trong trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp nên tăng cường kinh doanh trực tuyến, nắm bắt những xu hướng mới liên quan marketing online. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI