Kinh doanh quần áo ký gửi nở rộ ở Sài Gòn

11/01/2017 - 15:56

PNO - Tuy mới xuất hiện nhưng hình thức kinh doanh ký gửi đã thu hút nhiều người tham gia. Mỗi cửa hàng theo mô hình này thường bày bán 30-70 nhãn hiệu thời trang khác nhau.

Kinh doanh ký gửi xuất hiện tại Sài Gòn cách đây hơn một năm, đến nay, đã có rất nhiều cửa hàng thời trang lựa chọn mô hình này.

Đa số người tham gia ký gửi là chủ các shop thời trang online, không có điều kiện thuê mặt bằng riêng. Mỗi cửa hàng có sức chứa khác nhau, nhưng đa phần có 30-70 nhãn hiệu thời trang ký gửi.

Mô hình này giúp người kinh doanh thời trang và chủ cửa hàng hỗ trợ nhau trong phát triển thương hiệu.

Ký gửi bao gồm hai hình thức, mua gói dịch vụ, thuê gian hàng trả tiền cố định mỗi tháng và tính theo phần trăm số lượng hàng bán được.

Kinh doanh quan ao ky gui no ro o Sai Gon
Điểm chung của các shop kinh doanh hàng ký gửi là mặt bằng đáp ứng nhu cầu trưng bày, bán cùng lúc nhiều sản phẩm của nhiều thương hiệu. Ảnh: Lâm Di.

Nếu theo phương thức ký gửi tính phí theo phần trăm, mỗi tháng cửa hàng ký gửi sẽ thu 25% số tiền bán sản phẩm trong tháng đó. Khi ký gửi, cửa hàng sẽ chịu trách nhiệm trưng bày, quản lý và bán sản phẩm, đồng thời quảng bá thương hiệu và mặt hàng ký gửi.

Tùy vị trí nhưng đa phần mức giá thuê cố định một chỗ trưng bày tại các cửa hàng ký gửi ở khu vực trung tâm là 5 triệu đồng/tháng nếu cửa hàng ở tầng trệt, dễ quan sát. Giá khoảng 3,5 triệu đồng/tháng cho những chỗ trưng bày trên lầu hoặc ở vị trí khuất, kèm theo đó là 5% số tiền bán sản phẩm, coi như hoa hồng.

Anh Bách Nam, chủ cửa hàng ký gửi trên đường Hai Bà Trưng (quận 3), cho biết trước đây anh mở địa điểm kinh doanh thời trang riêng. Nhận thấy nhiều cá nhân không thể mở shop vì chi phí quá lớn, anh muốn mở một cửa hàng để tập hợp những cá nhân này lại, giúp họ có mặt bằng, dễ dàng trong việc tiếp cận khách. Thời kỳ đầu mở cửa, shop anh Nam chỉ có 10 nhãn hàng, nhưng sau hơn nửa năm, anh đã nhận 30 thương hiệu tham gia bán.

Trung bình mỗi ngày cửa hàng này đón 50-70 khách, vào cuối tuần đông đúc hơn. Dịp sát Tết này, mỗi ngày cửa hàng đón khoảng 100 khách tham quan, mua sắm, doanh thu những tháng cuối năm 200-300 triệu đồng.

"Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là một số nhãn hàng phó thác hết trách nhiệm cho cửa hàng ký gửi, không tập trung quảng bá thương hiệu riêng nên rất khó phát triển”, anh Nam nói.

Chị Phương Thảo, kinh doanh ký gửi được 2 năm nay, cho biết chị đã có 3 cửa hàng tại quận 1, quận 7 và quận Phú Nhuận. Hai shop tại quận 1 và quận 7 có hơn 70 nhãn hiệu thời trang tham gia bán hàng. Cửa hàng chị không nhận gửi tính theo phần trăm, khách sẽ mua các gói dịch vụ, đóng tiền cố định hàng tháng để bán hàng.

Kinh doanh quan ao ky gui no ro o Sai Gon
Ưu điểm của cửa hàng ký gửi là khách có thể mua được nhiều sản phẩm cùng một chỗ, không phải di chuyển, tìm kiếm. Ảnh: Lâm Di

Chị Lani, tham gia bán quần áo tại cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, cho biết do một mình thiết kế và lo các khâu quảng bá, chị không làm hết được nên đã tìm đến cửa hàng ký gửi. Chị đăng ký bán hơn 6 tháng và thuê chỗ trưng bày đồ cố định hàng tháng.

“Tháng đầu tiên kinh doanh tôi bù lỗ, nhưng tình hình được cải thiện vào thời gian sau đó. Tuy nhiên, hạn chế của ký gửi thời trang là thuê chung một địa điểm với nhiều thương hiệu thì thời gian giới thiệu mặt hàng của mình sẽ ít lại, mỗi tuần một thương hiệu chỉ được cập nhật nhiều nhất là 2 lần”, chị Lani chia sẻ.

Chị Vân (quận Bình Thạnh) cho biết chị đã mua tại cửa hàng ký gửi quận 1 được vài lần. Từ địa điểm này, chị liên lạc được một số chủ thiết kế tham khảo và tư vấn thêm.

“Những mặt hàng ở đây đa dạng cả mẫu mã và giá, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, không gian không được thiết kế hiện đại, rất thoải mái. Tôi cũng không phải đi nhiều nơi mà vẫn có thể lựa chọn được nhiều mặt hàng, nhiều nhãn hiệu, kiểu dáng phù hợp”, chị Vân cho biết.

Không chỉ áp dụng với những nhãn hàng thời trang mới, mô hình này đang mở rộng với các cửa hàng bán đồ cũ. Đây là các hàng hóa do cá nhân không sử dụng đến ký gửi bán. Hàng này phải đáp ứng các yêu cầu nhất định của shop về chất lượng, người gửi tự định giá món đồ của mình.

Đồ cũ ký gửi hiện khá đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là hàng thời trang như giày, dép, túi xách, quần áo. Tùy từng cửa hàng mà thời gian nhận ký gửi sẽ khác nhau, từ 50-70 ngày. Với những sản phẩm có giá dưới 150.000 đồng, cửa hàng sẽ thu phí 10.000-20.000 đồng; nếu món đồ có giá bán trên 150.000 đồng sẽ tính phí bằng 20% .

Lâm Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI