Kinh doanh online và những câu chuyện cười ra nước mắt

06/06/2017 - 10:00

PNO - Xu hướng bán hàng online đã phát triển mạnh mẽ trong mấy năm qua, thế nhưng có lẽ chưa bao giờ việc buôn bán lại trở nên rầm rộ như hiện nay.

Khi biết tôi có ý định viết bài về tình hình kinh doanh qua mạng xã hội, chị Thanh Quyên, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM nói vui: Giờ tìm một người không bán online trên Facebook cũng khó đó”.

Quả thực là thế. Khi Facebook đã phổ cập đến từng người dân Việt Nam thì việc trao đổi, mua bán trên mạng xã hội này thực sự thăng hoa. Có nhiều người bán cho vui, thi thoảng thanh lý món này, bán món kia; cũng có người làm thêm, cộng tác viên chỗ này, chỗ nọ… Thế nhưng, cũng không hiếm người đã dám từ bỏ công việc với mức lương khá cao để theo đuổi công việc này như một nghề nghiệp thực sự.

Viễn cảnh màu hồng: tự do, nhàn nhã và thu nhập “khủng”

Hiện nay, lực lượng hùng hậu nhất tham gia bán hàng online là học sinh - sinh viên và các mẹ bỉm sữa, chị em văn phòng. Nếu các bạn trẻ thường chọn những sản phẩm thiên về làm đẹp như thời trang, mỹ phẩm… giá rẻ để khởi nghiệp thì các mẹ bỉm sữa lại hứng thú với việc bán tã bỉm, quần áo trẻ em, người lớn hay thực phẩm giảm cân, tăng sữa…

Kinh doanh online va nhung cau chuyen cuoi ra nuoc mat
Bán hàng online thu hút chị em vì sự thoải mái về giờ giấc, làm chủ công việc của mình.

Cẩm Tú, quê Đắk Lắk bắt đầu bén duyên với bán quần áo online từ khi còn là sinh viên năm cuối tại TP.HCM. Trải qua thời gian nhọc nhằn với công việc, bằng kinh nghiệm tích lũy được sau hơn 5 năm, Tú trở về quê nhà mở cửa hàng thời trang. Giờ cô nàng chưa tròn 30 tuổi này đã có trong tay 3 cửa hàng kinh doanh thời trang lớn tại Đắk Lắk, thu nhập vào khoảng 500 – 600 triệu đồng mỗi năm.

Hầu hết những người thành công là những người yêu thích việc kinh doanh online thực sự. Nhiều người chia sẻ, họ đến với công việc bán hàng qua mạng rất tình cờ. Trường hợp của Thùy, người bán mỹ phẩm online là một điển hình.

Thùy cho biết, lúc đầu bạn lên mạng xã hội để tìm chai dưỡng da cho mình, thấy sản phẩm này đang giảm giá thì mua, xài hợp nên mua lâu dần thành mối quen. Đến lúc thấy người bán tuyển cộng tác viên, bạn cũng xin hợp tác để được… giá rẻ, kiểu vừa bán, vừa xài.

Không ngờ do thấy Thùy dùng lâu năm và kết quả tốt nên bạn bè người thân vào ủng hộ rất đông. Từ đó Thùy nghỉ việc, chuyển sang bán chuyên nghiệp. Đến nay, tuy thu nhập hàng tháng chỉ xấp xỉ lương hồi bạn còn đi làm nhưng đổi lại dư dả thời gian để chăm lo cho con cái, gia đình. Thùy chặc lưỡi: “Biết thế em đã bán online sớm hơn”.

Kinh doanh online va nhung cau chuyen cuoi ra nuoc mat
Nhà nhà, người người bán hàng online nên sự cạnh tranh là rất khốc liệt.

Thế nhưng, so với lực lượng bán hàng online đông đảo hiện nay thì số người thành công hay hài lòng với thu nhập kiếm được lại không nhiều.

Nhiều bạn sau thời gian kinh doanh online đã phải tìm một công việc ổn định khác để đi làm trở lại vì không chịu được áp lực. Bởi sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh mạng xã hội hiện tại khốc liệt vô cùng.

Cùng một bức ảnh, một kiểu dáng nhưng chất liệu và giá cả thì muôn trùng, rồi thì đủ kiểu lừa gạt, đấu tố, giành giựt khách hàng… khiến những người bán hàng chân chính không thể sống nổi.

Khóc ròng vì… bán hàng online

Có thâm nhập sâu vào công việc của những người bán hàng qua mạng mới thấy, thực ra nghề này “chua như giấm”.

Thu Trâm, một người bán hàng quần áo trẻ em lâu năm cho biết: “Mình bán mỗi cái lời chỉ từ 15 – 20.000 đồng mà còn phải giao hàng miễn phí, đổi trả hàng lỗi đủ kiểu mà mọi người cứ tưởng lời lắm. Lâu lâu lại bị bom hàng khiến mình mất tiền giao hàng hay phải thường xuyên giảm giá lỗ để đẩy hàng tồn mệt mỏi lắm. Đôi lúc nản, mình ganh tỵ với những bạn đi làm công ty cứ đến tháng nhận lương, chẳng để ý hay suy nghĩ chuyện lời lỗ”.

Vẻ mặt trầm ngâm, Trâm cho biết thêm, bán hàng online khác bán cửa hàng, chủ yếu nhờ vào uy tín và lòng tin của khách hàng bởi người mua không thể nhìn được sản phẩm, chỉ tin vào lời người bán và hình ảnh trên mạng.

Nhiều nơi đưa hình ảnh giống y nhau nhưng giá thì chênh lệch gấp hai, thậm chí gấp ba lần khiến người dùng không khỏi hoang mang.

“Nhiều bộ đồ mình nhập giá sỉ là 70 – 80.000 đồng, bán lẻ ra là 100.000 đồng mà dạo một vòng mình bắt gặp shop online khác cũng đăng hình mẫu giống vậy mà đưa giá chỉ 65.000 đồng. Tức quá, mình đặt mua thử một bộ xem thế nào thì thấy thun mỏng, in thì lem nhem, so với hình mẫu thì chỉ giống 80%. Thế nên nhiều khách không biết, nghĩ mình bán mắc, chuyển sang bên shop kia mua để rồi sau đó than thở hàng xấu, bị lừa này nọ… Bởi họ đâu có mua cả hai để so sánh xem chất liệu thế nào. Ham rẻ rồi bảo bị lừa, giá cao một chút thì bảo bán đắt. Buôn bán online là làm dâu trăm họ”, Trâm chia sẻ.

Đó chỉ mới là một trong những nỗi khổ của bán hàng online. Nỗi sợ kinh điển của người mua là mua phải hàng đểu, còn người bán chính là đặt hàng rồi không lấy, gọi tắt máy, người giao hàng đến thì không thèm tiếp, hành hạ đủ đường…

Không chỉ vậy, tình trạng giựt khách giữa những người bán cũng khiến nhiều chị em đau đầu.

Chị Hồng Mai, kinh doanh thời trang nữ kể:“Mình nhập hàng đẹp, y hình mẫu, bán ra giá dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/bộ, lời khoảng 50.000 đồng, lại hậu mãi, tặng quà, miễn phí giao hàng nên nhiều khách biết, ủng hộ thường xuyên. Thế nhưng, nhiều người bán hàng kém cũng lấy hình mẫu y vậy, bán bằng một nửa giá của mình rồi add friend, chèo kéo khách khiến nhiều chị em lần đầu biết đến mình phải lo lắng, đắn đo khi đặt hàng của mình vì sợ mắc”.

Kinh doanh online va nhung cau chuyen cuoi ra nuoc mat
Nhập nhiều hàng để có giá rẻ khiến chị em bị áp lực bán hàng nhanh, nếu không sẽ lỗi mốt phải thanh lý lỗ.

Chị Mai cũng cho biết, đây là tình trạng rất phổ biến. Vì thế, nhiều fanpage đã dùng chức năng ẩn bình luận khách hoặc chuyển sang dùng mạng xã hội Zalo để bán hàng nhằm hạn chế tình trạng “cướp khách” trắng trợn này.

Chính vì những chiêu trò online này nên giờ đây nhiều khách hàng cũng trở nên cảnh giác hơn khi mua sắm. Các chị em chập chững kinh doanh nếu không kiên trì, cẩn thận rất dễ… sạt nghiệp hoặc mất thời gian mà kết quả thu lại chẳng bao nhiêu.

Thùy Trang, 30 tuổi, ngụ quận 8 đang làm công việc văn phòng ngon lành, lương gần 20 triệu/tháng nên hồi độc thân cũng tiết kiệm được ít nhiều. Thế là khi sinh con xong Trang quyết định bỏ việc mở trang web bán hàng online, đầu tư bài bản, tiền nhập hàng lên đến gần trăm triệu đồng.

Kinh doanh online va nhung cau chuyen cuoi ra nuoc mat
Không phải ai kinh doanh online cũng đều thành công.

Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm kinh doanh, lại nhập quá nhiều sản phẩm khiến hàng tồn đọng, bán không kịp nên lỗi thời. Chưa đầy một năm Trang ngậm ngùi dẹp tiệm, thanh lý lỗ cả lô hàng với giá 10 triệu đồng trong khi giá vốn của nó đến gần 50 triệu đồng. Sau lần đó, nghe đến bán hàng online là Trang dị ứng như… đĩa phải vôi, sợ vô cùng.

Giờ thì Trang đã quay lại với công việc văn phòng ổn định, tới tháng lãnh lương hơn 10 triệu đồng do không còn “tham công tiếc việc” như hồi chưa lập gia đình nữa.

“Cũng do em ít kinh nghiệm, thấy bên cung cấp bán hàng ầm ầm, rồi dụ dỗ ôm lô cho rẻ nên ham. Ai dè bán không nổi. Giờ bận rộn con nhỏ chẳng thể quản lý nổi việc buôn bán lắt nhắt, rối cả lên nên thôi dẹp luôn cho khỏe”, Trang kể.

Hẳn đây cũng là bài học kinh nghiệm cho chị em nào chân ướt, chân ráo đi vào con đường kinh doanh. Tuy nhiên, dù có nhiều vất vả, nhưng việc được làm chủ, tự do về thu nhập và thời gian vẫn là những điểm cộng mà nhiều chị em không thể cưỡng lại.

Phương Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI