Kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép tràn lan trên lề đường

02/12/2022 - 06:58

PNO - Dù cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra nhưng tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép vẫn diễn ra tràn lan trên địa bàn TPHCM, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Vỉa hè nhếch nhác, tanh hôi 

7g sáng, điểm bán gà vịt sống trên đường An Dương Vương (quận 8) đã tấp nập khách ghé mua. Điểm mua bán này hoạt động từ tờ mờ sáng đến 20g mỗi ngày, luôn có sẵn vài chục con gà, vịt nhốt trong lồng sắt, con nào cũng lờ đờ.

1 điểm kinh doanh giết mổ gia cầm sống tại đường An Dương Vương thuộc phường 16, quận 8, TPHCM - ẢNH: THANH HOA
1 điểm kinh doanh giết mổ gia cầm sống tại đường An Dương Vương thuộc phường 16, quận 8, TPHCM - Ảnh: Thanh Hoa

Khách chỉ tay chọn con gà trống nặng tầm 2kg, người bán báo giá 120.000 đồng/kg rồi nhanh chóng xách con vật đưa vào máy cắt tiết, làm lông, mổ bụng. Nước thải, lông gà vịt chảy tràn trên đất, khiến một đoạn vỉa hè nhếch nhác, tanh hôi.

Có vài con gà được người bán làm sạch lông trước đó nhưng hầu như khách chỉ thích gia cầm còn sống. Anh chủ cửa hàng nói: “Ngày thường bán được 20-30 con, ngày cuối tuần thì gấp đôi. Vợ chồng làm không xuể. Gà vịt từ miền Tây đưa lên, cam kết không bệnh”. 

Ngay góc đường Hồ Học Lãm và Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) hàng chục con gà được cột chân nằm phơi mình trên vỉa hè. Người bán đang làm gà phía sau 1 bức ván. Buông con gà trên tay, chị chạy ra giải thích: “Ngồi đây để trốn lực lượng chức năng kiểm tra. Em mua con nào lựa đi, giá 120.000 đồng/kg, chị làm sạch sẽ trong vòng 5 phút”. Mỗi ngày điểm bán này cung ứng hàng chục con gà ra thị trường. Để tránh tụ tập và tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, khách quen chỉ cần điện thoại là sẽ được giao gà tận nhà; còn khách vãng lai được hướng dẫn đứng cách xa điểm bán một chút. 

Thời gian gần đây, cầu Trường Đai nằm trên đường Lê Đức Thọ (giáp ranh giữa quận Gò Vấp và quận 12) luôn trong tình trạng nhếch nhác, bẩn thỉu, kẹt xe, do bị hàng chục người chiếm dụng làm nơi kinh doanh - giết mổ gia cầm. Không chỉ làm bẩn, hôi hám thành cầu, những người kinh doanh giết mổ còn đổ nước thải và nội tạng gia cầm xuống kênh khiến tình trạng ô nhiễm dòng kênh càng thêm nặng nề. 

Ngoài các điểm vừa nêu, trên địa bàn TPHCM còn rất nhiều điểm kinh doanh giết mổ gia cầm trái phép trên đường An Dương Vương (đoạn giáp ranh giữa phường 10, quận 6 và phường An Lạc, quận Bình Tân), ngã tư Trần Văn Giàu - Võ Văn Vân (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), khu chợ Cầu (phường Đông Hưng Thuận, quận 12), khu chợ tự phát đường Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp)…

Cần đồng lòng "nói không" với gia cầm trôi nổi  

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Tô Hoàng Giang - Chủ tịch UBND phường An Lạc, quận Bình Tân - cho biết, phường thường xuyên ra quân kiểm tra các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm và lập lại trật tự lòng lề đường trên địa bàn. Tuy nhiên, “một số đoạn trên đường An Dương Vương, do giáp ranh với phường 16, quận 8 và phường 10, quận 6 nên lực lượng kiểm tra gặp không ít khó khăn. Khi lực lượng chức năng xuất hiện bên này thì người kinh doanh chạy sang bên kia đường. Khi chúng tôi phối hợp với các phường khác đồng loạt ra quân thì người bán chấp hành. Nhưng khi lực lượng rút đi thì đâu lại vào đấy” - ông Tô Hoàng Giang nói.

Và tại khu vực cầu Trường Đai nằm giáp ranh giữa quận 12 và quận Gò Vấp, tình trạng “chạy qua chạy lại” cũng diễn ra thường xuyên. Bị bắt giữ thì người bán sẽ giằng co, chống trả. Theo ghi nhận, tình trạng kinh doanh giết mổ gia cầm trái phép đã diễn ra từ lâu, cơ quan chức năng địa phương có vào cuộc nhưng không thể giải quyết dứt điểm.

Theo tiến sĩ Phan Thế Đồng - nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm - Trường đại học Hoa Sen, Phó chủ tịch Liên Chi hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM - nguyên nhân là do “có cầu thì mới có cung”. Điều quan trọng nhất vẫn là người dân cần thay đổi thói quen, không mua gia cầm sống, không nguồn gốc. Chỉ nên mua sản phẩm có kiểm dịch tại những nơi bán uy tín. Việc tiêu thụ gia cầm trôi nổi, không rõ nguồn gốc không chỉ tiếp tay cho việc làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng mà còn có nguy cơ rước bệnh vào thân.

Cho nên, để dẹp vấn nạn này, ngoài sự quyết tâm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, chế tài thật nặng với những điểm kinh doanh không phép, còn cần sự đồng lòng “nói không” với gia cầm trôi nổi của người tiêu dùng. 

Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM, tình hình kinh doanh gia cầm sống trái phép tại các địa phương không được xử lý triệt để, hiện vẫn còn tồn tại 337 điểm mua bán tại 147 chợ, khu vực thuộc 20 quận, huyện. Việc giết mổ, kinh doanh gia cầm sống trái phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

“Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con người có thể bị nhiễm vi rút cúm gia cầm như A/H5N1, A/H7N9, A/H9N2; các vi rút cúm heo như A/H1N1, A/H1N2 và A/H3N2. Phần lớn các trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm ở người đều qua các con đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp như giết mổ, vận chuyển, cầm, sờ vào gia cầm nhiễm bệnh; ăn gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc không được nấu chín kỹ. Nhiễm vi rút cúm từ gia súc, gia cầm sẽ rất nguy hiểm, nếu không được hỗ trợ y tế kịp thời có thể dẫn tới tử vong” - tiến sĩ Phan Thế Đồng khuyến cáo. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI