Là mặt hàng khá đặc biệt nên không nhiều nơi tại Sài Gòn bày bán, trong khi nhu cầu hiện khá lớn, nhất là các hàng quán muốn sưu tầm đồ cũ để trang trí. Mặt hàng "mua của người chán bán cho người cần" này đang được kinh doanh khá sôi động.
Tuổi càng cao, giá càng…“chát”
Hàng cổ nếu đúng chất thì phải có tuổi từ 30 trở lên, “lưu lạc” nhiều nơi và…càng cũ càng tốt. Các mặt hàng cổ nếu còn xài được thì giá cao hơn nhiều so với hàng loại trưng bày. Mặt hàng nhiều nhất hiện nay thường là máy chạy đĩa than, cát-xét, máy ảnh cổ, tivi cũ,…
Các loại máy móc này có giá rất đa dạng, điểm chung là tuổi càng cao thì giá càng “chát”. Ngoài ra, các loại bát đĩa, bình hoa, đồ gỗ,…cũng là một nguồn hàng được nhiều người ưa thích.
Trung bình với các loại máy móc sẽ có giá trên 5 triệu đồng, đến hơn 10 triệu. Còn với các loại đồ cổ có kích thước nhỏ hơn thì giá chỉ tầm vài triệu đổ lại. Tuy nhiên, đã chơi đồ cổ thì phải tậu luôn những vật đi kèm. Như máy chạy đĩa than thì phải lùng mua, mà giá đĩa than cũng đã tầm 7, 8 triệu/chiếc.
Vì giá cả khá đắt đỏ nên hầu hết khách hàng hoặc chủ quán cà phê muốn thiết kế quán theo phong cách này đều chi tiền khá mạnh tay. Hoặc lựa chọn hàng giả cổ để tiết kiệm chi phí.
|
Một khu chợ có một không hai tại Sài Gòn kinh doanh đồ cổ vào sáng chủ nhật hàng tuần. |
Cũng là một đầu nậu chuyên cung cấp đồ cũ và đồ cổ trên khu vực chợ Vĩnh Viễn (quận 10), anh P. cho biết hầu hết hàng bán ra đều có phân cấp rõ từ cũ, đến giả cổ, đến cổ. Tùy nhu cầu khách hàng mà phía anh cung cấp. Các mặt hàng này chủ yếu được chia làm hai loại: dùng được và không dùng được.
Các mặt hàng chủ yếu được thu gom từ những người có nhu cầu bán, thanh lý. Nhất là người quen hoặc môi giới. Thậm chí phải về tận các vùng quê thu gom. Ngoài ra vẫn có những nguồn hàng “đặc biệt” mà anh P. không tiết lộ.
“Cửa hàng tôi cũng là một trong những nơi nhận mua hàng cũ hoặc hàng cổ. Hàng cổ thì giá thu mua cao hơn, nhưng với những hàng thanh lý thì giá rẻ và số lượng nhiều. Như bàn ghế cũ, thời bao cấp chẳng hạng. Loại này có giá từ vài triệu đến vài chục triệu tùy khách mua lẻ hay nguyên bộ.
Các loại bi - đông nước, đồng hồ quả lắc hay các vật dụng khác giá từ vài trăm đến vài triệu”, anh P. cho biết.
Được mua lại với giá cao nhưng các mặt hàng này càng ngày càng hiếm, không có nhiều người chịu bán mà muốn giữ lại làm kỷ niệm.
Đồ cổ nhập ngoại
Đến cửa hàng bán đồ cổ và giả cổ trên đường Trần Văn Đang (quận 3) mới thấy thị trường đồ cổ là một mảnh đất màu mỡ với muôn hình vạn trạng.
Chủ cửa hàng cho biết đã kinh doanh mặt hàng này khoảng 2 năm, nhưng chưa khi nào còn hàng tồn, vì có bao nhiêu là khách đặt hàng hết. Người mua hàng chủ yếu là chủ các quán cà phê muốn thiết kế phong cách quán cổ xưa hay người yêu thích sưu tầm đồ cổ.
Chị nói thêm mặt hàng cổ chính gốc thì không nhiều. Nếu người mua muốn “săn” được hàng này thì phải đặt và khi có được cửa hàng mới cung cấp. Hàng bán chạy chủ yếu là hàng mới giả cổ.
“Mỗi tháng các mặt hàng sẽ được đặt và chuyển về từ Quảng Châu, Trung Quốc. Nhiều người chuộng mặt hàng giả cổ vì đa dạng, thậm chí các mặt hàng này được làm theo kiểu mô hình thu nhỏ nên rất đẹp, lạ mắt”, chủ cửa hàng chia sẻ.
Tại cửa hàng này, các mặt hàng mới giả cổ giá chỉ 3-8 triệu đồng như mô hình hòm thư, vòi chữa cháy, vỏ máy ảnh… được khách mua nhiều nhất. Điểm đặc biệt là hàng được thiết kế y giống hàng thật đến từng chi tiết, tuy nhiên không sử dụng được mà chỉ để trưng bày.
|
Những chiếc máy ảnh như thế này có giá giao động từ 200.000-500.000 đồng |
Cũng theo chị này, hầu hết cửa hàng bán đồ cổ hiện nay thường quảng cáo nguồn hàng bán chủ yếu là trong nước, mua lại từ các quán cà phê, cửa hàng, khách sạn thanh lý, với giá vài chục đến vài triệu đồng, thậm chí lên đến hàng chục triệu đồng một sản phẩm. Tuy nhiên, nguồn hàng này thực chất không dồi dào bằng hàng ngoại.
Nếu muốn có hàng đẹp, chất, đúng kiểu cổ thì phải nhập từ Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc…
“Mỗi tháng tôi lại phải sang Thái để liên hệ với những nơi chuyên cung cấp hàng đồ cổ để lựa hàng, thu gom đưa về. Nhưng mỗi chuyến đi này nếu may mắn lắm mới kiếm được hàng độc, chất. Mình thấy đẹp là mua ngay, bất kể phải chi bao nhiều tiền để có hàng độc”, chị cho biết.
Chơi đồ cổ cũng là "nghiệp"
Theo anh P., chơi đồ cổ cũng là cái “nghiệp” vì không phải ai cũng chơi được. Không phải chỉ có tiền mà còn cần phải có "mắt tinh" để nhìn hàng.
Các khách chơi đồ cổ không khi nào mua hàng số lượng nhiều, chỉ chắt lọc để mua những sản phẩm cực độc, lạ. Vì vậy mà đồ cổ chỉ được định giá…miệng, hàng bán theo giá…tùy hứng.
Là người có đam mê sưu tầm đồ cổ, chị Trâm (quận 3) cho biết chị hay ghé các cửa hàng hoặc chợ đồ cổ để tìm mua các đồ vật yêu thích.
Sở thích của chị là sưu tầm đồ vật từ thời chiến tranh, vì: “Gợi cho tôi nhớ nhiều kí ức thuở nhỏ, khi Việt Nam còn được nhận nhiều hàng viện trợ từ Liên Xô cũ. Những đồ vật tôi sưu tầm thường là các loại balo, mũ cối, tivi núm vặn, cát-xét … có giá chỉ chỉ vài trăm nghìn, nhưng nó lại vô giá với tôi", chị Trâm nói.
Chị cho biết nếu người thường xuyên lùng mua sẽ biết và nắm giá các loại đồ này. Còn với những “tay mơ” thì thường bị "hố" khi người mua hét giá khá cao. Do đó nếu muốn mua đồ cũ thì cần phải đi với người am hiểu để không bị lừa.
“Hàng cổ thì không định giá được, chỉ có người mua từ nguồn hàng mới biết giá nên đôi khi họ bán giá trên trời lắm. Ngoài nắm giá thì cũng phải biếu biết cách 'ăn nói' thì mới mong mua được hàng giá tốt. Nhưng nói chung cũng hên xui lắm”, chị Trâm nói thêm.
Dạ Lan