edf40wrjww2tblPage:Content
Góp 500 triệu là thành “phó phòng”
Mặc dù bên ngoài cơ sở này có bảng hiệu và thông tin giấy phép kinh doanh (Cơ sở Hoàng Phi - Q.8; GPKD: 41H6017754) nhưng để “lọt” được vào trong, chúng tôi buộc phải tìm được người giới thiệu “thân tín” - là khách hàng thân thiết và tiềm năng của cơ sở này, và cũng phải tốn nhiều cuộc hẹn hò, chờ đợi.
Đập vào mắt chúng tôi là hai tấm ảnh phóng lớn treo trong phòng, với hình ảnh lãnh đạo Tổng công ty Thiên Ngọc Minh Uy chụp cùng vài nhân vật VIP.
Người đầu tiên mà chúng tôi gặp, là bà Hai - một “trưởng phòng” mới toanh đã “có thành tích” mua hơn 100 hộp dầu (mỗi hộp giá 9,8 triệu đồng) với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Theo nhân viên ở đây, góp khoảng 500 triệu thì nghiễm nhiên được “phong” ngay chức phó phòng.
Bà Hai năm nay đã 79 tuổi, bị đau khớp, gần một tháng nay. Mỗi tuần hai lần đến đây chăm sóc sức khỏe. Điều bà Hai “nhấn mạnh” là không chỉ được chăm sóc sức khỏe, mà còn có thêm thu nhập, thậm chí là rất nhiều, nếu chúng tôi “chịu đầu tư” như bà. Bà đưa tờ giấy lãnh tiền ra khoe rằng, hôm 15/11, bà đã rút được 300 triệu đồng tiền “thưởng” từ việc đầu tư này.
Giác hơi chẩn đoán… tai biến
Chúng tôi gặp một nhân viên nữ tên Tuyến, phụ trách “kiểm tra sức khỏe tổng quát”. Liền sau đó, chúng tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ, trong phòng có kê hai chiếc giường sát nhau. Chúng tôi nằm úp mặt xuống giường để cô Tuyến “kiểm tra sức khỏe tổng quát” bằng một bộ giác hơi “có từ trường để hút hơi độc và sẽ hiển thị màu sắc ứng với bệnh tật” (ảnh).
Sau khi giác hơi cho tôi, Tuyến cho biết nguy cơ lớn nhất báo động về sức khỏe của tôi là… tai biến, do vùng cổ và gáy của tôi hiện màu xanh tím (?). Tuyến còn bảo vùng lưng của tôi hiện những màu tương ứng với bệnh thận, gan và đại tràng. Theo tư vấn, ít nhất tôi cần phải theo bốn gói trị liệu về sức khỏe. Mỗi gói là 9,8 triệu đồng.
Sau đó, tôi được hai cô nhân viên đưa sang phòng “trị liệu” để giới thiệu bộ dầu chăm sóc “sức khỏe dưỡng sinh”. Theo các nhân viên, việc chăm sóc sức khỏe ở đây là đả thông kinh lạc thông qua việc dùng tay vuốt và dùng một loại dầu đặc biệt nhập từ Đài Loan để "đẩy bệnh từ bên trong”. Một gói trị liệu sẽ gồm 12 lần ấn huyệt, mỗi lần hơn một tiếng đồng hồ và phải được thực hiện hai lần/tuần liên tục.
Có ba người phụ nữ tuổi ngoài 60, nằm sẵn trên ba chiếc giường, bàn tán về chương trình khuyến mãi của công ty trong hai tháng 10 và 11, về những “siêu lợi nhuận” mà khách hàng được hưởng khi được công ty chia lợi nhuận. Bà K.A. ở Long An thú nhận rằng, con cái bà đã cấm tiệt không cho bà tham gia vào các liệu trình “trị liệu” ở đây.
Nhìn những người phụ nữ cao tuổi lim dim theo từng nhịp ấn, vuốt của cô nhân viên, chúng tôi hiểu vì sao họ lại yêu thích cái gọi là “sức khỏe dưỡng sinh” này. Phụ nữ lớn tuổi, đau nhức là hiển nhiên. Họ dễ tìm đến một nơi như thế này vì được săn đón hết mức. Chỉ có điều, họ không hề biết rằng, một suất massage toàn thân hoặc massage chân hơn một giờ đồng hồ, dù thực hiện ở một cơ sở spa lớn ngay trung tâm thành phố, giá cũng không quá 500.000đ. Trong khi ở đây, một lần như thế tính ra gần 900.000đ.
Và, vì điều kiện đi lại của phụ nữ lớn tuổi rất khó khăn nên mỗi lần ghé cơ sở là họ “làm cho đáng”. Cụ thể, bà Hai thực hiện cả bốn gói, chi phí cho việc “vuốt đẩy lùi bệnh tật” trong một buổi sáng lên đến khoảng ba triệu đồng. Nhưng, bà Hai lại đang rất vui vì ngoài số tiền thưởng, bà còn được hứa chăm sóc “sức khỏe dưỡng sinh” miễn phí trong… 10 năm.
Dưỡng sinh hóa thành hợp đồng đa cấp
Nếu chỉ đơn thuần chăm sóc sức khỏe thì chắc chắn các cơ sở này không thu hút lượng khách đến tham gia đông như thế. Việc đầu tư chăm sóc sức khỏe bị biến tướng qua một hợp đồng bán hàng đa cấp với mức hời khủng. Cơ sở Hoàng Phi đã đánh đúng vào tâm lý những người đến đây - chủ yếu lớn tuổi - muốn được chăm sóc sức khỏe và ít nhiều đang có khoản tiền nhàn rỗi.
Bài toán hời khủng được giám đốc nơi đây, ông Lê Hồng Thương “chia sẻ” như sau: mỗi khách hàng khi mua gói trị liệu là 9,8 triệu gồm 12 lần thực hiện chăm sóc sức khỏe sẽ được cấp mã số vi tính (MSVT). Mỗi mã số sau một tháng sẽ được công ty sẽ hoàn trả tiền giảm giá 500.000đ, ngoài ra còn có thêm hai khoản thưởng gồm: 16 triệu đồng chiết khấu và 12 triệu đồng chia sẻ lợi nhuận, tổng cộng 28 triệu đồng, được trả cho khách thành ba lần trong thời gian từ 6-24 tháng. Nếu mua theo gói chăm sóc có tên “sức sống mới” gồm sáu gói trị liệu giá 58 triệu thì tháng sau sẽ được trả lại tiền giảm giá đến 5,8 triệu, được tặng thẻ liệu trình chăm sóc trị giá đến 34.900.000đ. Gộp với tiền thưởng, chia sẻ lợi nhuận, khách hàng sẽ được trả là 168.000.000đ(!). Gói trị liệu có giá cao hơn thì số tiền giảm giá tháng đầu tiên sẽ tăng 10-20%...
Vì sao có mức này lợi này? Ông Lê Hồng Thương giải thích: “Do cơ sở hoạt động không có quảng cáo, nên mỗi một người tham gia trị liệu ở đây là một chuyên viên kinh doanh trực tiếp, được hưởng theo chế độ bán hàng tự động của công ty”. Cụ thể, nếu dưới MSVT của người tham gia có thêm sáu mã số nữa, cộng thêm của chính người đó thì công ty thu 68.600.000đ (bảy khách x 9,8 triệu đồng); tiền lãi là 6,8 triệu đồng được trích ra cho khách. Chính vì thế, ai sở hữu càng nhiều MSVT thì mức hưởng lợi càng cao. Với trường hợp của bà Hai do thấy trước mắt lợi nhuận cao nên bà đã mua gần 140 MSVT (khoảng 1,35 tỷ đồng). Theo ông Thương thì sau hai năm, tổng cộng bà Hai sẽ được trả hơn bốn tỷ đồng (!). Khi chúng tôi hỏi tháng sau có được tiếp tục trả nữa không, thì lại được cho biết, tùy theo lợi nhuận của công ty nên… không thể nói trước. Nếu khách hàng có muốn bán lại MSVT thì công ty sẽ mua với giá thỏa thuận.
Có một chi tiết khá thú vị là trong khi chúng tôi nghe ông Lê Hồng Thương “tư vấn” về các gói đầu tư, thì một cô nhân viên cứ bưng mâm tiền gồm một cọc giấy 100.000đ và một cọc giấy 200.000đ vào nộp. Trước đó, khi chúng tôi ngồi ở phòng dành cho khách tầng dưới, cô này cũng “diễu qua diễu lại” với mâm tiền như trên, như ngầm bảo chúng tôi cần đầu tư ngay, vì mỗi một phút đầu tư trễ, là chúng tôi đã “mất đi cơ hội vàng”.
Điều đáng nói là tất cả khách hàng khi mua gói trị liệu tại đây đều không được cấp phiếu nhận tiền, mà chỉ là một bản hợp đồng đa cấp, trên hợp đồng không thể hiện số tiền đã đóng, cũng như điều kiện tham gia trị liệu. Bà K.A. cho biết, đã nhiều lần hỏi hóa đơn nhưng nhân viên bảo rằng, hóa đơn được xuất về công ty mẹ để họ xuất thuốc ra điều trị, hợp đồng mua bán là bằng chứng công ty đã thu tiền khách hàng. Điều này dễ gây rủi ro cho những người tham gia đầu tư trong trường hợp có tranh chấp, vì khó chứng minh số tiền đã đóng.
Chưa biết cơ sở Hoàng Phi làm cách nào để thu lợi nhuận và trả đều đặn cho khách hàng, nhưng trước mắt cơ sở này đã huy động vốn "êm ái" từ nguồn tiền của khách. Việc trả thưởng chẳng qua là theo hình thức “lấy mỡ nó rán nó”.
Nhóm PV TT-TD
Không đúng quy định pháp luật Việc cơ sở Hoàng Phi thuộc chi nhánh của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ký hợp đồng bán hàng đa cấp thay cho hóa đơn thu tiền mua dịch vụ chăm sóc sức khỏe của khách hàng là không đúng với quy định của pháp luật. Đây là biến tướng của bán hàng đa cấp, thay vì bán sản phẩm hữu hình, thì nay đó là sản phẩm mơ hồ - sức khỏe, trong khi sản phẩm hữu hình là những hộp dầu để mát- xa. Mặt khác, việc không xuất hóa đơn thu tiền là một cách trốn thuế và là cách huy động vốn không bị đóng thuế. Mức lời khủng như thế trong thời gian ngắn là hoàn toàn không thể. Số tiền khách hàng được hoàn trả trong thời gian đầu là số tiền túi của chính họ, sau đó họ có được tiếp tục hưởng thưởng hay không thì vẫn là ẩn số. Vì thế cơ quan chức năng cần mạnh tay chấn chỉnh hoặc dẹp triệt để loại hình này, nếu không sẽ biến tướng ở nhiều dạng khác. Cũng xin nói thêm, trước đây Sở Công thương đã từng thu hồi giấy phép của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, sau đó công ty này dời ra ngoài Bắc, và thành lập các chi nhánh rồi đưa ngược lại vào TP.HCM. Hoạt động của các chi nhánh này giống như con rắn nhiều đầu, chặt đầu này thì mọc đầu khác. Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) |