Đó là người thích lãng mạn nhưng cũng rất rạch ròi, tỉnh táo. Cô bảo mình nam tính, cứng rắn, mạnh mẽ nhưng lại có nhiều lần đóng cửa khóc một mình và định tự tử... Gặp lại Kim Khánh khi cô tham gia giúp bạn trong bộ phim ngắn tốt nghiệp Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò, mới biết cô diễn viên này đang ấp ủ một dự định mới với tư cách đạo diễn độc lập, sau khi hoàn tất khóa đạo diễn dài hạn tại trường Đại học Sân khấu & điện ảnh TP.HCM bằng tác phẩm phim ngắn có cái tên lạ, như con người của cô: Mười 3!
Tôi có nguyên tắc riêng cho mình
* Nhắc đến Kim Khánh, hầu như ai cũng biết tên và hình dung đúng người, dù sự xuất hiện của chị trên phim ảnh gần đây rất thưa thớt. Thời hoàng kim của mình đã qua hay chị không còn đam mê loại hình nghệ thuật này?
- Ai cũng có một thời với nghề, tôi nghĩ vậy. Nhưng ông trời chẳng cho ai cái gì mà không lấy đi cái khác. Tôi không thích gọi là thời hoàng kim, nhưng nếu phải gọi như thế, với tôi đó là khoảng thời gian của 20 năm trước mỗi khi Tết đến, thì người người mua lịch Kim Khánh, nhà nhà treo lịch Kim Khánh. Lúc đó, đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh của mình. Tôi cảm thấy rất vui vì điều đó. Về nghề, tôi vẫn nuôi lửa cho mình. Điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung đã giúp tôi hạnh phúc. Thực tế tôi có nhiều lời mời tham gia các dự án phim, nhưng tôi ao ước được đổi mới qua từng vai diễn để thấy thú vị khi làm việc.
* Người ta thường nhắc đến Kim Khánh qua vai Lệ trong Người đàn bà yếu đuối của đạo diễn Đinh Đức Liêm. Hình như chị không cần diễn bởi người ta thấy thấp thoáng hình ảnh mạnh mẽ, cá tính của Kim Khánh ngoài đời.
- Tôi cũng thích vai diễn này, có cá tính. Nhưng thích hơn có lẽ là Hà trong Đợi tàu trước đó của đạo diễn Trương Dũng. Trong Đợi tàu, tôi là một phụ nữ xấu xí, ăn mặc quê mùa làm nghề bốc vác ở ga Sài Gòn, nhưng có tấm lòng. Phim đó khiến tôi không còn là người đẹp, người mẫu hời hợt nào đó mà là một diễn viên thực sự. Tôi mặc đồ thùng thình, xấu xí... nhưng khán giả thích và tôi cũng thích sự xa lạ này. Tuy nhiên, thích nhất có lẽ là Thảo Linh trong Lưới trời. Không phải vì Lưới trời được đề cử tham gia Liên hoan phim quốc tế tổ chức ở Fukuoka (Nhật Bản) hay vì Thảo Linh được giải Mai Vàng dành cho nữ chính năm 2003, mà vì nó gắn liền với tình cảm của bố mẹ tôi. Khi phân tích kịch bản, tôi thấy tình cảm của Thảo Linh dành cho Tư Lê nên là tình yêu của sự ngưỡng mộ. Tình yêu ấy tôi thấy từ mẹ dành cho ba tôi. Ngày xưa, nhà tôi có hai người làm nhưng mỗi lần ba đi xa về, mẹ vẫn muốn tự mình pha nước hoa hồng và bưng vào phòng ba. Bà luôn vừa tháo giày vừa lột vớ vừa nhăn mặt... nhưng tôi biết mẹ yêu ba mãnh liệt. Và tôi muốn Thảo Linh cũng vậy với Tư Lê.
Kim Khánh trong phim Đam mê
* Tựa phim ngắn tốt nghiệp khóa đạo diễn của chị có cái tên khá lạ, vừa chữ vừa số: Mười 3! Đó là thông điệp bắt đầu cho con đường đi tìm sự khác lạ trong nghề mới của mình, hay đơn thuần chỉ là sự cố ý gợi tính tò mò của người xem?
- Tên phim là khó khăn đầu tiên và là khó khăn nhất cho một dự án phim mới. Một tên phim hay như một tựa bài báo, nó phải khiến người ta muốn đọc, muốn xem chuyện tiếp theo sau tên/tựa đó là gì. Trước hết, 13 là con số xui theo suy nghĩ nhiều người. Nhưng nếu Mười và 3 thì lại khác. Nội dung Mười 3 chỉ là một chuyện tôi phịa ra để có lý do quay lại với kỷ niệm của gia đình mình thì đúng hơn.
* Năm trước thấy chị xuất hiện trong phim Đam mê (đạo diễn Phi Tiến Sơn), bây giờ chị lại có mặt trong Ly hôn (đạo diễn Minh Chung), sự xuất hiện trở lại lần này có nằm trong lộ trình trở thành đạo diễn của chị?
- Đây là vai diễn đồng tính đầu tiên của tôi (phim Ly hôn). 70% bạn bè của tôi là đồng tính. Có những người bạn đồng tính chơi với tôi 20 năm nay. Tôi kết bạn do tính tình hợp nhau và là những người đồng điệu trong tâm hồn, nghệ thuật. Nhưng phim về đề tài đồng tính của mình còn quá ít và cũng chưa đã. Sắp tới tôi sẽ tham gia dự án điện ảnh mới của đạo diễn Phi Tiến Sơn và diễn viên Trung Dũng về đề tài đồng tính. Kịch bản đã xong, giờ còn tìm nhà đầu tư để sản xuất. Hiện tôi đang tìm câu chuyện hay để làm phim truyền hình 90 phút cho đài truyền hình Việt Nam. Để làm đạo diễn độc lập, ngoài kiến thức bài bản ở trường tôi cần phải học thêm thực tế. Khi tham gia phim Đam mê, ngoài vai trò diễn viên, tôi còn là trợ lý đạo diễn cho anh Sơn. Và Ly hôn, tuy không có nhiều phân đoạn, nhưng đó là một vai đồng tính và lạ.
Tôi thần tượng ba và ngưỡng mộ mẹ
* Nhà chị có một kệ sách đầy, nhưng hầu hết là sách về tôn giáo, triết học, tâm lý... có nặng óc quá để giải trí với những loại sách khó nuốt này?
- Từ hồi tám tuổi tôi đã có thói quen đọc sách người lớn từ tủ sách của ba tôi. Ba tôi vốn rất thích binh thư nên có nhiều truyện Tàu như Chiến quốc sách, Phong Thần, truyện chưởng Kim Dung... Lớn lên một chút tôi thích đọc chuyện Quỳnh Dao, lại mê những cảnh lãng mạn kiểu leo lên cây đọc sách, leo nóc nhà ngắm diều và mơ hoàng tử. Tôi cũng bắt chước những quyển sách Tự lực văn đoàn lấy nhang làm má hồng, vò nát cánh hoa hồng tô môi thắm. Và dần dần đọc sách trở thành sở thích hàng đầu của tôi. Những lúc rảnh rỗi tôi không đi shopping mà là đi mua sách. Sau ba mẹ tôi, thì sách đã làm tôi trở thành người biết lẽ ở đời. Không có sách, đời tôi hư hỏng từ sớm.
Mặt khác tôi lại giống ba, thích thử thách mình. Chính vì vậy, càng khó nuốt tôi lại càng phải đọc. Với tôi, sách không hẳn chỉ để giải trí mà nó còn giúp tôi thành người. Ba cuốn sách gắn liền với cuộc đời tôi là Không gia đình của Hector Malot - cuốn bắt đầu khi tôi đọc sách; cuốn làm cho tôi sống tốt hơn là Đời mưa gió của Khái Hưng - Nhất Linh và cuốn làm tôi thay đổi quan niệm sống của mình sau bao nhiêu thăng trầm là Đường xa mây trắng của Anagarika Govinda.
* Sinh ra trong gia đình đông anh em, sáu trai hai gái, lớn lên lúc bố mẹ đã già, chị lại trở thành lao động chính trong gia đình lúc khó khăn nhất... những lúc như vậy, đòi hỏi một nghị lực, sức mạnh đó từ đâu ra?
- Tôi không yếu đuối. Tôi thích làm những chuyện mình không làm được để thử thách mình. Tôi nam tính và ảnh hưởng ba tôi nhiều.
* Nếu nghĩ tới bố mẹ, chị sẽ nói gì?
- Không song thân nào hoàn hảo, nhưng tôi thần tượng ba và ngưỡng mộ mẹ. Tôi sống theo nguyên lý cho mình chính là đạo làm người từ ba mẹ, từ sách vở. Ba tôi là một võ tướng nhưng ông không phải võ biền. Ông là người gia trưởng nhưng ông cũng là con người phóng khoáng, hiểu biết và thông minh. Mẹ tôi là người vợ chuẩn, dù tôi không thích tính hay càm ràm của bà, nhưng chấp nhận hy sinh về phía mình như bổn phận định sẵn. Nhìn xa ra, tôi thấy mọi người đàn bà Việt Nam đều tuyệt vời.
Tôi vẫn mơ đám cưới cổ tích
* Đến giờ chị vẫn còn độc thân, người bảo chị kén, nhưng không ai nhận thấy nét lo lắng nào trên gương mặt. Trái lại người ta cứ thấy chị tung tăng thanh thản, chẳng lẽ chị đã... “tắt lửa lòng”?
- Tôi vẫn chưa kết hôn không phải vì tiêu chuẩn nào hết. Nhưng tôi thấy đàn ông Việt Nam hay gia trưởng. Tôi cũng đã có mấy lần đứng trước xe hoa, nhưng rồi mọi thứ lại rẽ sang hướng khác. Bây giờ tôi cảm thấy không tin đàn ông, nên cũng khó. Tình yêu chứ đâu phải như ăn trái cây, ăn không được thì nhả ra ăn trái khác. Dù vậy tôi vẫn mơ một đám cưới đẹp như cổ tích ở núi hoặc ở biển. Nhưng... ước mơ đó giờ mờ dần dần và thấy không cần thiết nữa, vì tôi thấy cuộc sống hôn nhân những người tôi quen khiến tôi không tin vào hôn nhân lắm, tôi không thích lấy chồng cho có để rồi bí mật với cuộc tình khác.
* Tránh được cuộc hôn nhân được dự báo trước là không hoàn hảo, chị có thấy mình may mắn trong chuyện tình cảm?
- Thực lòng mà nói trong chuyện này thì may mắn nhất đời tôi chính là đến giờ tôi chưa bao giờ là người thứ ba trong một cuộc tình. Người đàn ông có vợ yêu tôi có, tôi ngưỡng mộ họ có, nhưng tôi yêu trong tư thế của người thứ ba thì không. Đơn giản là nếu làm điều đó thì chính mình tự coi rẻ mình.
* Xin cám ơn chị!
Nguyễn Thiện (thực hiện)