Cuộc sống của người từng là hoa hậu thể thao cho Kim Khánh biết tường tận về thế giới người đẹp và showbiz với sự hào nhoáng, nhiều màu sắc. Trong thế giới ấy, mọi thứ có thể là thật, có thể là ảo, dữ lành nhiều như nhau, đều hướng tới mục tiêu duy nhất: được nổi tiếng, có danh vọng, sắc đẹp. Nhưng nơi ấy cũng ẩn chứa những nỗi đau không phải ai cũng thấu hiểu, cảm thông được.
|
Nữ đạo diễn Kim Khánh xúc động khi xem diễn viên diễn cảnh đời mình |
Một trong những điều được giấu kín trong tận cùng mặc cảm, đớn đau là căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Kim Khánh chọn tiếng nói riêng khi đi vào đề tài về những người đồng tính và chuyển giới (cộng đồng LGBT). Đó là một thế giới phức tạp của các mối quan hệ, với sự bế tắc, nổi loạn vì định kiến xã hội, đã đẩy những con người ấy tới hiểm họa lây nhiễm không nhỏ.
Năm 2015, vở kịch Cầu vồng khuyết (tác giả và đạo diễn Kim Khánh) gây chú ý bởi những nỗi đau đầy ám ảnh của phận người. Kim Khánh không khai thác đề tài đồng tính như một sự hiếu kỳ. Ở đó hé lộ những bản ngã đẹp, những con người có tâm hồn, khát vọng. Họ muốn khẳng định mình, muốn được yêu thương và kiêu hãnh như tình yêu vốn thế. Trong thế giới đầy ảo mộng, khoảng cách giữa điều bình thường và dị thường cũng từ sự nhìn nhận mà ra. Chính sự dị biệt của đời sống, của quan điểm đã đẩy con người trôi đi và lạc nhau.
Như mối nợ duyên với cộng đồng LGBT, năm 2017 Khánh lại đảm nhận vai trò đạo diễn phim Hồn Bướm, với kinh phí được hỗ trợ bởi chương trình PEPFAR của chính phủ Mỹ. Không lựa chọn giải pháp làm phim với những tình huống gây cấn dễ hút người xem, Kim Khánh cho rằng “con người thật, cuộc đời thật đủ sức công phá lòng người”.
Nhưng nếu đưa lên màn ảnh câu chuyện về đời sống của thế giới đồng tính, chuyển giới một cách trần trụi cùng lời bình rổn rảng, hay sắc sảo như một cảnh báo của nhà làm phim thì thế giới đã làm theo cách này, khó hút người xem. Kim Khánh chọn kết hợp giữa hình ảnh chân thực của phim tài liệu với cách nhấn nhá đặc tả có bàn tay thủ pháp của đạo diễn, quay và dựng như phim truyện. Nhờ thế, bộ phim được nâng tầm, hấp dẫn và tạo ấn tượng mạnh với khán giả.
|
Niềm vui của người mẹ có con gái ngoan và xinh |
Jessica (Cà), cô gái chuyển giới sống có tấm lòng đã nỗ lực hết sức cho cộng đồng của mình. Cô là người hoạt động mạnh mẽ trong việc tuyên truyền phòng chống AIDS. Jessica bảo bọc những người em cùng cảnh ngộ đang bơ vơ. Cô đại diện cho xã hội của những người chưa và đang muốn chuyển giới phải sống trong ngột ngạt, bế tắc.
Khán giả thấy được cuộc sống của những con người mà tạo hóa trêu ngươi, không cho họ bản thể như số đông, phải vật lộn giữa tồn tại hay không tồn tại trong thế giới của chính họ. Những cuộc giải phẫu như bước vào sinh tử, sống mà không được là chính mình… là nỗi đau không cất thành lời của bậc sinh thành, của bản thân người đồng tính, chuyển giới, nỗi u uẩn ấy không dễ gì bày tỏ.
Kim Khánh đã lột tả thế giới bí ẩn ấy như chính chị là một phần của câu chuyện. Với tấm chân tình, Jessica sống, lao động, mưu sinh bằng nghề ca hát, vũ công cho các đám tiệc, sự kiện và tuyên truyền phòng chống AIDS. Cô giúp và chia sẻ cho các em bước vào cuộc sống bằng kinh nghiệm, tấm lòng một người chị. Không lời thuyết minh, bình luận chủ quan, bộ phim tái hiện cuộc sống của nhân vật với nỗi đau, ẩn ức, khát khao được sống đúng với giới tính thật.
Hồn Bướm là câu chuyện của nỗi đau và nước mắt, của u uất, hiểm họa vì bế tắc, tạo nên cảm giác ngột ngạt, xót xa cho người xem. Hiệu ứng hình ảnh của Nguyễn Ngọc Cường đã lột tả trọn vẹn cảm xúc của nhân vật. Câu chuyện chuyển giới được bày ra, khắc họa, bật lên tâm trạng về số phận người đồng tính, chuyển giới chứ không kích thích sự tò mò.
Mỗi cảnh là một sự đặc tả mang tính nghệ thuật, hình ảnh sắc nét thể hiện sự chuyển biến cảm xúc của nhân vật như phim truyện nên đã thuyết phục người xem. Đứng trước các số phận, Kim Khánh đủ nhạy cảm để làm sáng từng câu chuyện, chân dung, từng cuộc đời.
Không chỉ hiểu, cảm thông, Kim Khánh còn yêu thương những con người muốn được là chính mình, được tồn tại bình thường như đời sống vốn thế. Trong từng góc đời, mỗi lời thổn thức đều lấp lánh chân tình, khát khao muốn có tình yêu, việc làm, được hạnh phúc.
Cuộc đời tưởng như khiếm khuyến của họ cũng đáng yêu, đáng sống lắm. Kim Khánh muốn mang mầm thương yêu ấy đến cho mọi người bằng sự trân trọng. Cảnh đặc tả ánh mắt sáng dần lên của người mẹ khi thấy con mình sống hài hòa trong nhân dáng mới khiến người xem khóc và vui lây. Kim Khánh đã tạo được sự lan tỏa, đồng tình nơi người xem.
Cảnh cuối của phim, khi cô gái chuyển giới vượt qua tất cả đau đớn về thể xác, mặc cảm xã hội để tồn tại, giúp ích cho đời đã được Kim Khánh lột tả như một cuộc hồi sinh. Hình ảnh Jessica trong bọc nước như hình hài bào thai nằm trong lòng mẹ, bay lên trong nền bài hát do 100 ca sĩ chuyển giới trình bày với ca khúc Nếu được chọn giới tính, là một sự ước lệ, như tiếng vỹ thanh tuyệt đẹp mà Kim Khánh gửi gắm. Nhiều khán giả đã khóc!
Kim Khánh đã vượt qua chân dung của một diễn viên gạo cội. Với Hồn Bướm, chị hé lộ tư duy mới mẻ và ấn tượng của một đạo diễn.
|
Yến Mi đã là một cô gái xinh đẹp và hạnh phúc |
Với kinh nghiệm của một diễn viên chuyên diễn những vai nội tâm giằng xé, Kim Khánh nhạy bén trong nắm bắt nội tâm nhân vật, chớp lấy, lẩy ra bằng hình ảnh khiến nhiều cảnh quay rất thật nhưng vô cùng… “thần thánh”.
Cảnh Nhã Ân trăn trở trước khi quyết định giải phẫu là một cú quay xuất thần. Người chuyển giới nào cũng biết nguy cơ thất bại của phẫu thuật, biết mình sẽ chết sớm. Họ cũng đối diện với nỗi sợ, thấy bạn mình ra đi. Nhã Ân sợ hãi, đau khổ, rã rượi dưới ánh sáng ngược là một cảnh quay nặng nề, ẩn ức dồn nén. Mi vừa muốn bứt phá vừa yếu đuối.
Thủ pháp quay ngược ống kính tạo hiệu ứng như nhìn thấy được bên trong nỗi đau của nhân vật. Nỗi u uất của họ không làm người ta khiếp sợ, xa lánh mà muốn nâng niu, chia sẻ. Hay cảnh các em nằm xếp cá mòi trong căn phòng bề ngang chỉ 2-3m, khi máy quay lia tới, những bàn tay bỗng tìm lấy nhau, cảm xúc khởi sinh, mọi người choàng ôm nhau thốt lên: “Chúng ta là một gia đình”.
Đây là một cảnh quay ngoài dự kiến nhưng khiến bao người rưng rưng. Nhân vật người mẹ trên nền phông đen thì đẹp như một bức họa, đẹp từ nếp nhăn, viền môi, đến những cảm xúc biến chuyển trong ánh mắt bà.
Không chỉ với góc quay cận, mà toàn cảnh đầu phim, đoàn người đồng giới diễu hành trông như một lễ hội đường phố. Dù là cảnh quay lén, phim vẫn bộc lộ nỗi hân hoan của người được nói thật, được công nhận. Như không có khoảng cách giữa những người LGBT và người không LGBT.
|
Việt Nga