Kim Khánh: Có những cảnh không thể đưa lên phim

10/12/2017 - 07:02

PNO - Hai tháng ghi hình và một tháng hậu kỳ, 'Hồn bướm' là đứa con tinh thần đầu tay của nữ diễn viên Kim Khánh sau khi chị hoàn thành khóa học đạo diễn.

Đây là lần thử sức thứ hai của Kim Khánh về đề tài thế giới thứ ba, sau vai trò đạo diễn vở kịch Cầu vồng khuyết cách đây ba năm.

* Từ đâu chị có ý tưởng làm phim tài liệu Hồn bướm?

- Sau khi ra mắt Cầu vồng khuyết nói về những người đồng tính nam - được tài trợ của chương trình Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) - tôi ấp ủ làm tiếp một bộ phim về cộng đồng người đồng tính và chuyển giới (LGBT). Hồn bướm miêu tả cuộc sống của những người chuyển giới nữ, một nhóm mới trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Phim cũng thuộc dự án của PEPFAR. 

Kim Khanh: Co nhung canh khong the dua len phim
 

* Chị làm thế nào để tiếp cận và thuyết phục được các nhân vật cho mình ghi hình?

- PEPFAR giới thiệu tôi với Jessica Nguyễn (nhân vật chính trong phim) - một người hoạt động tích cực trong cộng đồng LGBT và là chuyên viên tư vấn HIV. Chúng tôi có ba tháng trò chuyện cùng Jessica để hiểu về em.

Vì là phim tài liệu, nhân vật trong phim không phải diễn viên nên để ghi hình được, đoàn phim phải tạo cho họ niềm tin. Hai tháng trời ghi hình, chúng tôi như người nhà của họ, thậm chí mình bấm máy lúc nào họ cũng không biết.

Trong phim có cảnh cả chục em nằm xếp lớp ngủ là cảnh thật, họ đi diễn về mệt quá nằm lăn ra ngủ. Tôi chờ những khoảnh khắc đời thường để đưa chúng lên màn ảnh. Thuyết phục các bà mẹ đồng ý ghi hình mới khó, như mẹ của Jessica, của Yến Mi vì họ chưa từng đứng trước ống kính, chưa bao giờ nghĩ sẽ kể chuyện của mình trước hàng triệu người xem, họ sợ chồng không đồng ý, người xung quanh chê cười.

Kể chuyện về con, lần nào mẹ Jessica cũng khóc, từ chối ghi hình, tôi phải thuyết phục rằng chị đã suýt mất con ba lần, đến giờ cô ấy vẫn sống tốt, chị nên chia sẻ để giúp những bà mẹ khác không mắc sai lầm như mình. 

* Phim tài liệu đề cao sự chân thật, nhưng có những thước phim nào chị không thể đưa vào phim?

- Mỗi ngày tôi theo chân các em từ 5g sáng đến 12g đêm, có khi 2g sáng ghi hình rất nhiều nhưng hoàn toàn không có kịch bản. Có lần đang quay, xảy ra chuyện bất ngờ là Lan Trinh bị chồng đánh, đập phá điện thoại khóc bù lu bù loa, máy quay ghi lại hết nhưng tôi không đưa vào phim vì không có lợi cho nhân vật.

Có những tâm tư sâu kín các bạn chia sẻ nhưng chỉ để mình hiểu thêm, không thể hiện hết vào phim. Tôi không muốn hình ảnh các bạn trong phim hiện lên thô xấu, góp thêm cái nhìn định kiến về những người thuộc thế giới thứ ba nên chỉ cố gắng đưa những gì đẹp nhất về tâm hồn lẫn bên ngoài, tránh những khía cạnh tích cực về họ, vì ai mà không có mảng tối. 

 

* Cũng đã có những phim tài liệu về người đồng tính Việt Nam, chị đi tìm sự khác biệt cho tác phẩm của mình như thế nào?

- Bản thân câu chuyện trong phim đã là sự khác biệt. Đó là những suy nghĩ, trăn trở, đau khổ của những người chuyển giới từ lúc là bé trai cho đến khi chuyển đổi giới tính. Nhiều lần tôi rơi nước mắt trong lúc ghi hình và hậu kỳ, ngay các bạn kỹ thuật viên dựng phim cũng xúc động “phim mà sao giống thiệt vậy”. Hồn bướm đề cao sự chân thật, không dàn dựng, hình ảnh đẹp nhất có thể, đôi khi mộc thô cũng tốt. 

* Chị mong mỏi điều gì qua bộ phim này?

- Có bốn điều tôi mong mỏi khi thực hiện bộ phim này. Thứ nhất, những người chuyển giới được thay đổi họ tên. Họ đã đánh cược cả mạng sống, ra đi có khi không trở về nhưng ngay cả khi đã trở thành nữ vẫn phải mang những cái tên như Toàn, Thắng…

Thứ hai, tôi mong muốn Bộ Y tế cho phép phẫu thuật chuyển giới tại Việt Nam, người chuyển giới được hưởng chế độ bảo hiểm y tế vì đi phẫu thuật ở nước ngoài chi phí cao, khi về Việt Nam nếu xảy ra biến chứng, họ thường bị các bệnh viện xua đuổi do sợ phải chịu trách nhiệm. Thống kê cho thấy, số người nhiễm HIV trong người chuyển giới và đồng tính nam cao hơn cả đồng tính nữ.

Thứ ba, kêu gọi xóa bỏ kỳ thị ngay từ trong gia đình vì không phải người chuyển giới nào cũng may mắn có được gia đình yêu thương, rất nhiều người bị hắt hủi, trượt dài trong bóng tối.

Thứ tư, cho phép người chuyển giới kết hôn. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Hương Nhu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI