PNO - Trong số những tác phẩm Xô Viết hiếm hoi phát hành tại châu Âu, La Verification (tên tiếng Việt: Chặng đường thử thách) ra rạp ở Paris năm 1986 đã ghi nhận Alexeï Guerman như tên tuổi lớn của điện ảnh thế giới.
Sinh ngày 20/7/1938 tại Saint-Pétersbour và qua đời ngày 21/2/2013 vì bệnh phổi, Alexeï Guerman là con của nhà văn Xô Viết Iouri Guerman. Alexeï Guerman tốt nghiệp trường sân khấu Leningrad năm 1960; sau 4 năm trợ lý cho đạo diễn sân khấu Gueorgui Tovstonogov, ông đầu quân vào xưởngLenfilm, đồng đạo diễn phim Le Septième compagnon (tạm dịch: Người bạn đồng hành thứ bảy) với Grigori Aronov. 20 năm kể từ ngày tốt nghiệp, Alexeï Guerman chỉ có điều kiện thực hiện 7 phim, trong đó có: Chặng đường thử thách (1971); Hai mươi ngày không chiến tranh (1976), Ivan Lapchine bạn tôi (1985)...
Đạo diễn Alexeï Guerman
Từ bộ phim độc lập đầu tiên năm 1971 dựa trên truyện ngắn Chiến dịch năm mới của cha, Guerman đã chịu sự kiểm duyệt hà khắc của Liên Xô (cũ): Chặng đường thử thách bị cấm khai thác do “thẩm mỹ không phù hợp (cận cảnh diễn viên nhìn ống kính) và “vi phạm ý thức hệ” (những người lính bị quân Đức bắt làm tù binh phải bị coi là kẻ phản bội). Sự tỉ mỉ tột độ trong việc tái hiện lịch sử, các mô tả chân thực bối cảnh thủ đô đều là dấu hiệu ghi nhận tác phẩm của Guerman. 3 bộ phim Chặng đường thử thách, Hai mươi ngày không chiến tranh, Ivan Lapchine bạn tôi mà giới phê bình ngày nay gọi là “bộ thi ca lịch sử tam thiên” đều gặp phải sự phán xét, nghi kỵ; riêng Chặng đường thử thách bị lưu kho 14 năm cho đến thời điểm Perestroika, được giải thưởng Nhà nước Liên Xô.
So với nhiều đạo diễn cùng thời, A.Guerman làm phim rất ít nhưng rất được dư luận chú ý. Dù còn trẻ nhưng Guerman chọn chiến tranh làm đề tài xuyên suốt: cả 3 phim đều lấy giai đoạn chiến tranh vệ quốc - những tháng năm ông chưa sinh ra hoặc còn thơ ấu - làm bối cảnh. Guerman giải thích: “Không thể nói tôi không thích đề tài đương đạinhưng lực hấp dẫn tôi vẫn là những năm tháng chiến tranh - ở đó ông bà, cha mẹ, những người thân của tôi đã từng đấu tranh, sinh sống, thương yêu và đau khổ.Lẽ nào những điều ấy chết đi theo họ?”.
Chặng đường thử thách là tác phẩm bộc lộ rõ nét nhất quan điểm nghệ thuật của Guerman
Thực ra, đề tài không phải là nguyên nhân chính gây sự chú ý của công chúng đối với vị đạo diễn trẻ mà chính do tài năng của ông với phong cách nghệ thuật sắc sảo cùng cái nhìn mẫn cảm về lịch sử. Guerman nhìn ngắm lịch sử không thông qua những lý lịch bề thế, những sự kiện quy mô mà quan tâm đến các số phận bình thường; len lỏi vào mỗi tâm hồn cô thế để cảm thông, chia sẻ. Trong các tác phẩm của ông, không phải lịch sử được chủ thể hóa mà chủ thể được lịch sử hóa, có giá trị với hiện tại không vì nó là “bảo vật thiêng liêng” hoàn hảo mà chính là một thực thể. Hiện tại cần được mổ xẻ, phân tích, kể cả bi kịch, để suy xét giá trị bản thân. Với ông, lịch sử giống như tấm gương để gương mặt hiện tại soi chiếu, gương mặt đó sẽ không bao giờ chân thật nếu tấm gương méo mó. Về màu sắc, tất cả phim Guerman đều đen trắng vì “Ký ức không có màu”.
Tùy góc nhìn và mục đích, người xem dễ dàng nhận ra dụng ý gửi gắm nỗi âu lo về hiện tại qua số phận của những con người lịch sử trong tác phẩm Guerman, cùng lúc cũng dễ dàng phủ bác, cư xử với chúng dè dặt, đố kỵ. Nhiệt tâm, quả cảm và có niềm tin mãnh liệt vào chân lý, Guerman vẫn đi tiếp con đường sáng tạo. Nếu lịch sử được ví như hạt kim cương thì ông đã nhìn thấy trong đó vài chấm bụi. Guerman muốn thông báo điều đó với mọi người không phải để làm suy giảm giá trị lịch sử mà để con người nhận thức minh bạch, biện chứng hơn.
Theo ông, đó là việc làm nghiêm túc cho cả hiện tại lẫn tương lai. Chặng đường thử thách là tác phẩm bộc lộ rõ nét nhất quan điểm nghệ thuật của Guerman; vừa được công chiếu sau thời gian bị cấm đã lập tức thu phục tình cảm dư luận trong và ngoài nước. Khán giả Xô Viết khi đó đã bầu Chặng đường thử thách là phim hay nhất năm 1986, còn các nhà bình luận Pháp thì nhận xét A. Guerman “là một đạo diễn cho chúng ta rất nhiều bài học về điện ảnh lẫn tinh thần nhân bản”.
Tranh giải Cannes năm 2003, bộ phim nhận được nhiều lời khen trên báo chí từ các nhà phê bình hàng đầu thế giới
Chặng đường thử thách
Chặng đường thử thách kể về số phận của hạ sĩ Hồng quân Lazarev, người đã trót 1 lần quy hàng quân Đức, sau thời gian bị lương tâm cắn rứt quyết định trở lại với Hồng quân. Nếu sự cảm hối của anh làm cảm kích ai đó thì số khác lại ngờ vực, quyết định phải kiểm tra. Lazarev với lòng trung thực và dũng cảm đã lấy lại lòng tin của đồng đội, trừ thiếu tá Petouskov - người định kiến tất cả tù binh, hàng binh đều là kẻ thù.
Quan điểm cố chấp của Petouskov bị trung úy đội trưởng Kakotkov phản đối, mâu thuẫn của họ đã vượt qua giới hạn cá nhân, trở thành mâu thuẫn giữa 2 quan điểm sống.
Để khẳng định quyền lực độc đoán của mình, Petouskov liên tục đẩy Lazarev vào những đợt “kiểm tra” ác nghiệt. Lazarev chấp nhận thử thách với thái độ thành khẩn nhưng dần cay đắng nhận rangười ta thử thách anh không phải để Tổ quốc có thêm một chiến sĩ trung thành, mà để thỏa mãn lòng hiếu thắng.
Lazarev kiên nhẫn chịu đựng sự lăng nhục do vẫn còn tìm thấy bên cạnh Petouskov những tấm lòng vị tha, trong sáng như trung úy Kakotkov nhưng vượt lên tất cả là tấm lòng của chính anh - tấm lòng trung thực muốn chiến đấu vì Tổ quốc. Nếu quyền lực của Petouskov gây cho Lazarev những vết thương tinh thần đau đớn thì ngược lại, tâm hồn trung thực của anh như những mũi tên bắn vào trái tim vị kỷ của hắn.
Người xem nhớ trường đoạn Petouskov cãi nhau với Kakotkov về tù binh Lazarev. Đuối lý trước những lập luận đầy nhân tính của sĩ quan thuộc cấp, Petouskov ra uy bằng cách buộc Kakotkov đứng lên khi nói chuyện với cấp trên dù cả hai khởi chuyện trong tư thế thân thiện. Bằng chi tiết khôi hài đó, Guerman đã khắc họa hội chứng vĩ cuồng của giới quan lại - căn bệnh vẫn tràn lan trong cuộc sống. Người xem nhói tim trước đôi mắt rực lửa của Lazarev khi xả súng vào bọn Đức. Trong đôi mắt đó không chỉ có lòng căm hận kẻ thù mà cả nỗi xót xa với những “đồng chí” kiểu Petouskov.
Trước sự xúc phạm ngày càng thô bạo của Petouskov, Lazarev uất ức tự sát nhưng được cứu sống. Hành động của anh khiến đồng đội thương cảm nhưng tuyệt nhiên không lay động trái tim Pestouskov, tiếp tục đẩy anh vào trận chiến cam go hơn. Trong trận chiến đó, Lazarev đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường sau khi tạo điều kiện cho Hồng quân chiến thắng. Người xem không thể nào quên trường đoạn Hồng quân tiến về Berlin: Trong khúc khải hoàn hình như không ai nhớ đến Lazarev. Trên con đường nhộn nhịp đó, ta gặp lại Petouskov đã thăng hàm đại tá với khuôn mặt vênh váo; gặp lại Kakotkov vẫn chân chất khiêm tốn với quân hàm đại úy. Đoàn quân hồ hởi tiến lên, các đoàn xe ào ạt lướt qua...
Khán giả Xô Viết khi đó đã bầu Chặng đường thử thách là phim hay nhất năm 1986
Những chiếc xe hỏng và nỗi đau đất nước
Giữa đoàn xe ấy bỗng có chiếc xe bị hỏng: xe của đại úy Kakotkov. Những cánh tay chắc nịch, những thân hình vạm vỡ hì hục đẩy… Phim kết thúc chính ngay hình ảnh đó. Lịch sử giống như đoàn xe chiến thắng xông về phía trước nhưng lác đác vẫn có những chiếc xe ì ạch, phải kêu gọi mọi người góp sức. Guerman đã nhìn thấy “những chiếc xe hỏng” trên con đường lịch sử, nhìn thấy biết bao Lazarev, Petouskov, Kakotkov trong cuộc sống hôm nay. Cái nhìn trung thực của Guerman đã khiến những “Pertouskov đương thời” phật ý.
Năm 1986, sau khi được giải tỏa và phát hành những bộ phim bị cấm, Alexeï Guerman đã trở thành một trong những nhà làm phim nổi bật nhất của Liên Xô cũ. Guerman bắt đầu làm Khrustalyov, chiếc xe của tôi trước khi Liên Xô tan rã và phải ngừng trệ nhiều năm bởi các vấn đề sản xuất, cho đến khi các nhà sản xuất Pháp bước vào hợp tác, bộ phim mới được hoàn thành.
Tranh giải Cannes năm 2003, bộ phim nhận được nhiều lời khen trên báo chí từ các nhà phê bình hàng đầu thế giới. J. Hoberman của tờ The Village Voice viết: “Mất nhiều năm để sản xuất, ảo ảnh hoang mang này là một trong những bộ phim lớn của thập kỷ”. Bộ phim Thật khó để trở thành Chúa (It’s hard to be a God) dựa theo thiên anh hùng ca của Arkadi và Boris Strugatsky được hoàn tất bởi con trai ông - đạo diễn Alexei German. German chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Dòng văn hóa sâu sắc và chân thật của chúng tôi, trong văn học cũng như điện ảnh, là kể về nỗi đau của đất nước”.