Kim cương nhân tạo sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai

16/11/2022 - 09:51

PNO - Tương lai, Ấn Độ được cho là sẽ trở thành thị trường lớn nhất cho kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Các chuyên gia trong ngành cho biết khoảng 5 năm trước, chỉ có một số ít công ty nuôi cấy kim cương trong phòng thí nghiệm nhưng hiện nay, theo một báo cáo của Prabhudas Lilladher, số lượng này đã tăng lên rất nhiều trong 2-3 năm qua do sự suy thoái của kim cương tự nhiên. Điều này cũng có nghĩa là trong thời gian tới, thế giới sẽ chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các công ty kim cương trong phòng thí nghiệm và kim cương được khai thác tự nhiên.

Thị trường kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm toàn cầu được định giá 19,3 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến ​​đạt 49,9 tỷ USD vào năm 2030. ẢNH: LIANHE ZAOBAO
Thị trường kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm toàn cầu được định giá 19,3 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến ​​đạt 49,9 tỷ USD vào năm 2030. Ảnh: Lianhe Zaobao

Một trong những ưu đãi mà chính phủ Ấn Độ đã đưa ra gần đây để đẩy ngàng công nghiệp kim cương nhân tạo là đã cho phép 100% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này, nhất là kể từ năm 2019, được các chuyên gia đánh giá năm khởi đầu của những viên kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Gần đây, ngành công nghiệp kim cương toàn cầu đang phải đối mặt với những cơn gió ngược trong khi những viên kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã nổi lên và vượt qua từ cái bóng của kim cương tự nhiên và tạo dựng được dấu ấn ngày càng lớn trong ngành đá quý và trang sức.

Chỉ riêng Ấn Độ đã chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trị giá 443 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo cho biết ngay từ đầu năm 2020, xuất khẩu kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Ấn Độ đã tăng 60% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu kim cương tự nhiên giảm 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hiện kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm vẫn chiếm một phần nhỏ trên thị trường khi mà Ấn Độ đã khai thác gần 24 tỷ USD kim cương được khai thác tự nhiên vào năm ngoái.

Dữ liệu của Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu đá quý và trang sức Ấn Độ (GJEPC) cho thấy xuất khẩu kim cương trong phòng thí nghiệm từ Ấn Độ đã tăng khoảng 70% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 lên 622,7 triệu USD, trong khi kim cương khai thác giảm khoảng 3% xuống còn 8,2 tỷ USD trong cùng kỳ.

Theo GJEPC, quốc gia này đóng góp khoảng 15% sản lượng kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm toàn cầu.

Một viên kim cương phát triển trong phòng thí nghiệm như thế nào?

Sự khác biệt duy nhất giữa kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm và kim cương tự nhiên là thay vì được đào từ đất, nó được tạo ra trong phòng thí nghiệm với sự trợ giúp của máy móc.

Những viên kim cương nhân tạo trong phòng thí nghiệm được phát triển từ một hạt carbon được đặt trong buồng vi sóng và được làm nóng quá mức thành một quả cầu plasma phát sáng. Quá trình này tạo ra các hạt kết tinh thành kim cương trong vài tuần.

Vì quá trình sản xuất dựa trên công nghệ này trực tiếp cắt giảm vốn và các yếu tố thâm dụng lao động, do đó, kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có giá rẻ hơn 30-40% so với kim cương được khai thác mặc dù cũng là kim cương 100%. Có hai loại kim cương được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm - CVD và HPHT. Ấn Độ đặc biệt chuyên sâu và dẫn đầu về công nghệ phân hủy hơi hóa học (CVD) được chứng nhận là loại kim cương tinh khiết nhất.

Theo báo cáo, Viện Đá quý Hoa Kỳ dự đoán tổng doanh thu hàng năm của kim cương trong phòng thí nghiệm sẽ đạt hơn 100 tỷ USD trong một tương lai không xa. Phân khúc kim cương này đang phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 15-20%.

Trọng Trí (theo Strait Times, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI