'Kiều' vẫn nằm nguyên đó, nhưng cả hồn và xác dường như đã nhạt nhòa

17/08/2019 - 10:32

PNO - Nói tới thú phong lưu của đất Sài Gòn với bốn món ăn chơi: chữ - tranh - sành - kiểng, “Kiều” có đủ.

“Kiều” ở đây chính là đường Lê Công Kiều, một con phố đồ cổ, nơi không chỉ hấp dẫn giới sưu tầm cổ ngoạn cả nước, mà lắm quan to cỡ tổng thống Mỹ cũng đã từng lò dò dạo bước ra chợ “Kiều”. 

'Kieu' van nam nguyen do, nhung ca hon va xac duong nhu da nhat nhoa
Gốm Biên Hòa bày bán ngoài vỉa hè Lê Công Kiều năm 2011

“Kiều” của ngày xưa, độ chừng hơn 20 năm trước, khi ấy nhộn nhịp người mua kẻ bán, cũng là lúc tôi được làm quen với thế giới của những linh tinh chai lọ, lu hũ, lục bình, chén bát… cái còn nguyên, cái re tóc, sứt mẻ, thậm chí là cụt đầu, tụt đáy… cảm giác như tất tần tật cho đến tuốt tuồn tuột thứ gì trong nhà bỏ đi, đem ra “Kiều” đều được nâng niu, chiều chuộng, với cả một tích truyện dài đằng đẵng mà suốt tuần ngồi cà phê sáng vẫn bàn luận chưa hết. 

Ở góc Lê Công Kiều - Nguyễn Thái Bình có quán cà phê cóc, mỗi sáng là nơi tụ tập quen thuộc của các đại lão trong làng cổ ngoạn, thi thoảng có cả giới báo chí, nhà nghiên cứu văn hóa cũng túm tụm quanh gốc xà cừ to phải hơn hai người ôm, rôm rả chuyện trò, với đề tài không gì khác hơn là các món đồ cổ, từ niên đại, tuồng tích, phong cách, màu men, đến giá trị thị trường... 

Bởi cái thói cà phê sáng, cùng chỗ, cùng giờ, cùng người quen, lại ngự ngay đầu đường “Kiều” thế nên hễ có tay mơ nào đang chuẩn bị mon men vào nghề sưu tầm, các đại lão biết ngay, và thế là một chầu cà phê mời, hân hoan bắt chuyện làm quen. Đồ cổ thời ấy cũng hà rầm, dưới biển lên có đồ Khang Hy, Ung Chính, từ hai con tàu đắm ở Vũng Tàu và Cà Mau. 

'Kieu' van nam nguyen do, nhung ca hon va xac duong nhu da nhat nhoa
“Kiều” vẫn nằm nguyên đó, nhưng cả hồn và xác dường như đã nhạt nhòa

Các lái buôn ngoài Bình Định thì nằm vùng, chờ dân tình moi dưới đất lên những linh tinh tô chén đĩa da đá (có màu men xanh phớt như đá), dân miền Tây thì thỉnh trên bàn thờ của nhà dân những món đồ sứ xanh trắng được đặt hàng từ xứ Tàu… Thứ nào cũng trên trăm năm tuổi. Các đại lão khi ấy sẽ dẫn dắt, rất nhiệt tình cho những tay mơ vào nghề. 

Cái thú của những ngày rảnh rỗi, được lang thang ở “Kiều”, thong dong đi từ đầu đến cuối phố, sà vào tiệm cà phê, nghe đại lão bàn chuyện, trả giá, chỉ các chiêu xem đồ bể, đồ sửa… đã đời đến nỗi một ngày không ra “Kiều” cảm giác như có gì đó thiếu thiếu. Sau mỗi màn cà phê đôi ba tiếng, cả nhóm lại chia ba xẻ bảy, cuốc bộ lang thang trên vỉa hè, hay vào các tiệm để săn cổ vật, hoặc giản đơn chỉ để xem cho vui, cho biết muôn mặt thị trường đang có những thứ gì nổi bật. 

Trong suốt chuyến lang thang chợ “Kiều”, những tay chơi kỳ cựu sẽ hướng dẫn đàn em, giới thiệu về từng dòng đồ, từ những dầm trà men lam Huế, đến các loại đồ Tàu đủ niên đại, sang cả dòng đồ Tây, đồ Nhựt Bổn… Sự đa dạng, phong phú ở “Kiều” cứ thế hấp dẫn người sưu tầm cũ mới, say mê nhập cuộc. 

'Kieu' van nam nguyen do, nhung ca hon va xac duong nhu da nhat nhoa
Tượng gốm Biên Hòa, phía xa là các chị lái buôn đồ cổ đến từ Bình Định với chi tiết dễ nhận là chiếc giỏ xách nhựa chứa đồ cổ

Đặc sản của chợ “Kiều” ngày xưa chính là những tiệm vỉa hè, nổi đình đám trong số ấy là tiệm của dì Sáu hét, chắc tại tính bộc trực, thỉnh thoảng bực bội, cáu gắt nên bị dính cho tên đệm hơi dữ dội, thực tình dì Sáu hét hiền khô. 

Và người viết dám khẳng định, dân chơi đồ cổ đất Sài Gòn, ai cũng từng ít nhất một lần mua đồ của dì Sáu hét. Nhắc đến con số sáu, ở “Kiều” còn có thêm các dì Sáu lùn, Sáu đầu bạc… đều là những người bán đồ cổ vỉa hè. Bộ tam nương này, mỗi người một vẻ, có cả nét chân chất miệt Nam bộ, nóng tính của buôn bán vỉa hè, nhưng cũng đầy quý phái, sang trọng. 

Còn nhớ có hồi dì Sáu đầu bạc được mời làm mẫu ảnh cho tạp chí thời trang, thần thái long lanh quý phái của quý bà U70, đẹp đến bất ngờ, rồi mái đầu bạc ấy cũng xuất hiện bên cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ghé tiệm dì xem đồ cổ nhân chuyến công du đất Việt. 

Chợ “Kiều” ở ngày xưa, ngoài sức hấp dẫn của những món đồ thứ thiệt, bán tràn lan, rẻ còn hơn mua đồ mới, nhất là dòng đĩa, chén da đá niên đại chí ít cũng trên 200 năm tuổi, cứ 150.000 đồng một chục đếm tới, rồi đĩa chén kiểu xanh trắng của Nhựt Bổn ra lò những năm 1940-1950, cốt thai trắng trong veo, mỏng te, cầm vào cảm giác… ghê tay vì sợ bể. Mỗi thể loại đồ cổ, đồ cũ, lại có những người chơi, tự liên kết, giao du với nhau để chia sẻ. 

Các tiệm cũng có những phong cách bày biện, trang trí riêng, nhưng “đã” nhất vẫn là không gian rất Tây nơi các dãy nhà ở góc Lê Công Kiều - Nguyễn Thái Bình, tương truyền do ngày xưa Chú Hỏa xây dựng. 

'Kieu' van nam nguyen do, nhung ca hon va xac duong nhu da nhat nhoa
Gốm mỹ thuật luôn được săn lùng ở Lê Công Kiều

Mỗi lần ra “Kiều”, tôi hay la cà lên chiếc cầu thang sắt uốn mỹ nghệ, đẹp nức nở ở ngôi nhà Tây, sau đó lên tầng một, cả không gian như vỡ òa với đủ thể loại đồ gỗ, chạm trổ, sơn thếp, đặc một nét Việt, để rồi tha hồ ngắm nghía, mân mê. 

Thế rồi “Kiều” cũng thưa vắng dần, những đại lão người lâm bệnh, người quy tiên, giới chơi mới vẫn chưa thoát được gánh nặng cơm áo gạo tiền nên rẽ ngang, dừng bước sưu tầm. 

Đồ cổ ngày càng khan hiếm, không ê hề, thừa mứa như xưa, tạo cơ hội cho những tay lái buôn bát nháo chế đồ giả xâm nhập thị trường, gài hàng đểu cho những tay mơ mới vào nghề, khiến lắm người vừa nhập cuộc chơi đã bị ăn trái đắng… 

Vỉa hè ở “Kiều” cũng bị dẹp dần, người buôn rút vào tiệm. “Kiều” như được thay áo mới, nhìn khang trang, gọn gàng, ngăn nắp hơn. 

Khách ra “Kiều” cũng không lè phè, dễ thương, gần gũi, chân tình như trước, mà thể hiện đẳng cấp bề ngoài qua con xế, qua món đồ chọn mua tiền tỷ, qua kiểu ăn nói bề trên… “Kiều” vẫn nằm nguyên đó, nhưng cả hồn và xác dường như đã nhạt nhòa. 

Những căn nhà Tây ở “Kiều” rồi cũng đổi chủ, cũng bị san phẳng để xây mới theo ý đồ chủ mới. Những tay buôn đồ cũ, đồ cổ trẻ tuổi, sử dụng công nghệ, bắn tin, đẩy hình món đồ vừa mua, nhoay nhoáy trên Zalo, Facebook thẳng đến người sưu tầm. Những ông Tư, bộ ba dì Sáu… bỡ ngỡ trước nền văn minh alô, đu không kịp đám trẻ, tuổi lại ngày càng cao, rồi cũng vắng bóng ngoài “Kiều”. 

Trở lại “Kiều” hôm nay, cảm giác như hồn cốt duyên dáng của con phố ngày nào, đã bay đi đâu mất. Dù biết “Trăm năm Kiều vẫn là Kiều”, nhưng bây giờ để tả về tình cảm, bằng hữu, đến người xưa hay kiến trúc cổ ở “Kiều”, không chỉ tôi mà với cả những người đã từng yêu, từng say, từng ngày ngày la cà trên con phố ấy, sẽ bắt đầu bằng hai chữ: “Hồi xưa…”. 

Khải An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI