edf40wrjww2tblPage:Content
Rối loạn cảm xúc khác với cuồng dâm
BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM phân tích: “Dựa trên thông tin từ các báo, tôi nhận thấy bà N. có biểu hiện hưng cảm - một dạng của bệnh rối loạn khí sắc (còn gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực). Trong đó, bản năng tình dục bị rối loạn trỗi dậy mà ở não không kiểm soát được, khiến nhu cầu tình dục không thỏa mãn. Tuy nhiên, biểu hiện rối loạn cảm xúc này chỉ hình thành khi “có cơn” chứ không phải lúc nào cũng diễn ra. Do đó, để biết chính xác có mắc bệnh hay không thì phải giám định”.
Một bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM cho biết, ở người bị nghiện tình dục hay cuồng dâm, nhu cầu về tình dục diễn ra liên tục. Sự đam mê tình dục sẽ cản trở, đảo lộn cuộc sống người bệnh. Người bệnh mất nhiều thời gian, tiền bạc để được phục vụ và luôn nghĩ đến hoạt động tình dục. Nếu nhu cầu tình dục bị ngăn chặn, người bệnh sẽ có biểu hiện buồn bực, vật vã, la hét…
Trong khi đó, với người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, các hành vi diễn ra một cách thoải mái đến thiếu kiềm chế mà cơ chế phòng vệ của cơ thể không ngăn cản được như: uống rượu nhiều, đi xe nhanh, gây hấn, đánh nhau, mua sắm bừa bãi, tiêu xài không tính toán, dễ dàng chấp nhận quan hệ tình dục, mặc đồ diêm dúa…
Người bị rối loạn cảm xúc thường có tác phong dễ dãi, cảm xúc không ổn định, tâm trạng có thể đang vui vẻ nhưng lập tức trở nên cáu gắt. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ sử dụng thuốc ức chế điều hòa khí sắc, nhằm giảm bớt tình trạng hưng cảm. Ngoài ra, người bệnh cũng cần được hỗ trợ các biện pháp tâm lý, giáo dục để nhận thức được những hành vi không nên làm khi biểu hiện hưng cảm trỗi dậy và biết cách tự kiểm soát mình - báo ngay cho bác sĩ.
Tài xế bên chiếc xe bị vỡ kính
BS Nguyễn Ngọc Quang phân tích thêm: người bị rối loạn khí sắc thường là phụ nữ giàu có. Không phải ai mắc bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực cũng có tất cả những dấu hiệu của bệnh mà chỉ có thể có một vài biểu hiện, chẳng hạn chỉ thích mặc đồ diêm dúa, nghiện mua sắm hoặc đơn thuần là dễ dãi với tình dục. Gần đây, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhân nữ trên 30 tuổi (ngụ Q.4, TP.HCM) là một doanh nhân, cũng bị rối loạn sắc khí dạng hưng cảm. Bệnh nhân này lúc nào cũng mặc đồ diêm dúa, trang điểm lòe loẹt và thường xuyên qua đêm với những bạn tình khác nhau.
Tương tự, BV Tâm thần TP.HCM vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (20 tuổi) được ba mẹ đưa đi khám vì tình trạng bất ổn, hay đập phá đồ đạc, đòi hút cần sa và thường đi đêm. Tại phòng khám, bệnh nhân nói huyên thuyên, có lúc la hét và đập bàn. Người nhà bệnh nhân cho biết: gần đây bệnh nhân ít ngủ, cãi nhau thường xuyên với bạn; thậm chí tát tai cả sếp ở chỗ làm. Bệnh nhân tiêu tiền như nước, thường đi sàn nhảy, có khi qua đêm với đàn ông lạ.
Khó kết tội, dễ mất cơ hội chữa bệnh
Luật sư Phạm Lĩnh Sơn - Phó trưởng Văn phòng Trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ số 6 khẳng định: “Hành vi của bà N. (nếu đúng như báo chí đăng tải) chưa cấu thành tội hiếp dâm. Theo điều 111, Bộ luật Hình sự, đối với tội danh hiếp dâm, chủ thể của nó bất kể nam hay nữ, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ mới được xem là can tội hiếp dâm; với điều kiện phải có chứng cứ chứng minh có hành vi này.
Theo phản ánh, bà N. chỉ mới có yêu cầu và gây kích thích tình dục. Trường hợp người phụ nữ này có biểu hiện bị tâm thần, hay mắc các chứng thay đổi nhân cách thì cơ quan công an phải yêu cầu giám định, sau khi có kết luận nếu đúng bị bệnh thì không truy cứu trách nhiệm hình sự và ra quyết định chữa bệnh bắt buộc; còn nếu đủ căn cứ, có dấu hiệu tội phạm cấu thành tội hiếp dâm thì khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra theo thủ tục được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Luật sư Phạm Lĩnh Sơn cho biết thêm: Thực tế thì trên thế giới đã có nhiều trường hợp phụ nữ hiếp dâm, quấy rối, lạm dụng tình dục nam giới và đã bị xử lý hình sự, nhưng ở Việt Nam chưa có vụ nào được đưa ra xét xử và chưa có nạn nhân nào tố cáo với cơ quan có thẩm quyền trường hợp tương tự. Hành vi cởi bỏ quần áo và đòi được quan hệ tình dục chỉ dừng ở mức quấy rối tình dục. Tuy nhiên, theo các quy định pháp luật hình sự hiện hành, ở nước ta không có điều khoản quy định về quấy rối tình dục.
Theo các bác sĩ, với những người mắc bệnh tương tự bà N., do bệnh diễn tiến theo chu kỳ, họ bị mất năng lực hành vi tạm thời, cần xem họ là bệnh nhân để chữa trị chứ không nên “kết tội”. Nhưng điều đáng thương là người mắc bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường không chấp nhận bản thân mắc bệnh vì lúc nào họ cũng cảm thấy vui vẻ, hưng phấn, tư duy nhạy bén, thậm chí họ tự thấy mình tài giỏi, xinh đẹp hơn người khác. Cả những người chung quanh, thậm chí người thân cũng không thấu hiểu nên người bệnh khó có cơ hội được chữa trị sớm.
Nghi Anh - Thanh Khê
Cơ quan chức năng đang giám định giá trị xe taxi bị đập phá Ngày 6/5, Viện KSND huyện Đồng Phú (Bình Phước) cho biết, cơ quan chức năng huyện Đồng Phú đang giám định giá trị tài sản chiếc taxi của hãng Vinasun bị thiệt hại để xem xét, xử lý vụ tài xế taxi tố cáo bà N. gạ tình và đập phá tài sản. Trước đó, tối 5/5, Công an huyện Đồng Phú sau khi lấy lời khai các bên, vì chưa có cơ sở pháp lý cáo buộc bà N. về hành vi gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản và quấy rối tình dục nên cơ quan công an đã cho bà N. ra về. Sáng 6/5, trao đổi qua điện thoại với PV, bà N. cho biết, hiện bà vẫn đang ở TP.HCM để giải quyết một số việc riêng. Khi được hỏi về việc bị tố cáo phá hủy tài sản và "hiếp dâm", bà N. nói: “Tôi khẳng định là không có đập kính xe của ai, còn việc gạ tình hay không thì mọi người hãy tự hiểu. Tôi không muốn bình luận thêm”. Anh Nguyên |