Sự bực bội mang tên “xích lô”
Vừa bước ra khỏi khách sạn ở trung tâm TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), chị Nguyễn Thị Lan (TP Hà Nội) đã bị 3-4 người lái xích lô mời chào. Chị lịch sự từ chối bởi chỉ muốn dạo bộ ngắm sông Hương, nhưng vẫn bị 1 trong 3 người trên rà xích lô theo thuyết phục, năn nỉ.
Bị quấy rầy, chị Lan đành ngồi xuống ghế đá xem điện thoại để loại bỏ sự đeo bám. Nhưng khi chuẩn bị dạo bộ tiếp, chị tiếp tục bị người lái xích lô áp sát, chào mời. Thế là, buổi dạo bộ ngắm sông Hương và cầu Tràng Tiền buổi sáng sớm để tận hưởng khung cảnh thơ mộng, yên bình như dự định của chị Lan bị phá sản, chỉ còn đọng lại nỗi bực bội, thất vọng.
Cũng bị những người chạy xích lô chèo kéo, anh Trần Minh Quân (quận Gò Vấp, TPHCM) không từ chối mà nhận lời ngồi xích lô ngắm phố phường TP Huế với giá 100.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, ngồi chưa ấm chỗ, tài xế đã dừng xe trước một cửa hàng đặc sản Huế bên trong Đại Nội và gợi ý anh Quân vào mua quà cho người thân. Bị từ chối, người đạp xích lô liên tục gạ anh vào ăn chè cung đình, bún bò Huế.
|
TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến việc ứng xử văn minh, thân thiện với du khách (trong ảnh: Du khách vui chơi trên bãi biển Đà Nẵng) - Ảnh: L.Đ.Dũng |
Không thấy thoải mái khi ngồi xích lô ngắm cảnh, anh Quân yêu cầu tài xế chở anh về chỗ nghỉ, không đi tiếp nữa. Dù tổng thời gian đi và về chỉ hơn 20 phút, anh Quân vẫn trả đủ 100.000 đồng. Nhưng, tài xế xích lô năn nỉ xin thêm tiền. Anh Quân kể: “Tôi trả thêm 30.000 đồng vì không muốn nghe họ nói thêm, rồi bước nhanh vô khách sạn. Chắc chắn, tôi sẽ không bao giờ ngồi xích lô dạo chơi khi đến Huế”.
Ngày 15/5, ông Dương Văn C. - lái xích lô tự do ở TP Huế, không tham gia nghiệp đoàn nhưng mặc đồng phục của nghiệp đoàn - thỏa thuận chở ông bà Glover (quốc tịch Úc) bằng 2 xe xích lô từ đường Lê Lợi đến Đại Nội với giá 300.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi đến Đại Nội, ông C. tiếp tục chở 2 du khách chạy lòng vòng và yêu cầu thanh toán 700.000 đồng. Ông bà Glover đã phản ánh với cơ quan chức năng. Công an TP Huế, Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhanh chóng xác minh, xử phạt ông C., buộc ông phải công khai xin lỗi 2 du khách ngoại quốc về hành vi sai trái của mình.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ lâu, một số nhà hàng, quán ăn và điểm bán đặc sản đã có thỏa thuận chia hoa hồng cho tài xế xích lô khi chở được 1 khách đến ăn uống, mua sắm ở dịch vụ của họ. Tỉ lệ chia là 5 - 10% trên hóa đơn hoặc bằng tiền 5.000-10.000 đồng. Càng chèo kéo, mời chào được nhiều khách dùng dịch vụ thì tài xế càng thu được nhiều tiền. Do vậy, nhiều tài xế xích lô coi việc chính là mời chào khách, còn chở khách đi dạo chỉ là phụ.
Ông Nguyễn Tấn Xuyên - Chủ tịch Nghiệp đoàn Xích lô du lịch TP Huế - thừa nhận, ngay cả trong nghiệp đoàn, vẫn có nhiều thành viên thiếu ý thức chấp hành các nội quy dù đã được tuyên truyền và biết các chế tài của nghiệp đoàn nếu chèo kéo, bắt khách không đúng nơi quy định, “chặt chém” khách. “Nghiệp đoàn có gần 200 thành viên, còn số chạy xích lô bên ngoài nghiệp đoàn đông gấp 3 lần. Nhiều người chạy xích lô tự do tự tiện sơn màu xe của nghiệp đoàn, dán logo của nghiệp đoàn để đón khách, chèo kéo và phá giá, ảnh hưởng xấu đến việc làm, thu nhập của các thành viên trong nghiệp đoàn” - ông Nguyễn Tấn Xuyên thông tin.
Nhiều du khách cho rằng, những hành động đeo bám, chèo kéo, cò mồi này có thể khiến xích lô trở thành nỗi ám ảnh với du khách khi đến Huế, khiến du lịch Huế “mất điểm” trong mắt du khách.
Có cơ hội là bắt chẹt
Ngành du lịch tỉnh Bình Thuận hưởng lợi lớn khi tuyến cao tốc Mũi Né - Dầu Giây đi vào hoạt động, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến địa danh Mũi Né (TP Phan Thiết) còn khoảng 2,5 giờ. Dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, có khoảng 160.000 lượt khách đến tỉnh Bình Thuận, chủ yếu là đến phường Mũi Né tham quan, nghỉ dưỡng, đông gấp đôi so với cùng dịp này năm ngoái và được dự báo sẽ đón lượng khách lớn trong suốt mùa hè.
Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp lữ hành, nhiều khách sạn, resort ở phường Mũi Né không nhận các đoàn khách lưu trú 1 đêm, đồng thời ép đối tác lữ hành phải đặt từ 2-3 bữa ăn tại nhà hàng của khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) mới nhận khách.
Ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Kiwi Travel (TPHCM) - cho hay, trước đây, một số khách sạn ở Mũi Né từng đặt ra những yêu cầu trên. Gần đây, kiểu kinh doanh bắt chẹt này trở thành trào lưu. Đa số khách sạn, resort ở đây chỉ nhận đoàn lưu trú từ 2 đêm trở lên và từ chối các đoàn chỉ lưu trú 1 đêm. Có những khách sạn nhận đặt phòng 1 đêm nhưng lấy giá 2-2,2 triệu đồng thay vì chỉ 1,5 triệu đồng/đêm. Một số khách sạn không ép giá nhưng ép khách dùng 1-2 bữa ăn tại nhà hàng của khách sạn với giá cao gần gấp đôi so với bên ngoài.
Ông Phạm Quý Huy nhận định, khoảng 90% resort, khách sạn ở Mũi Né đã “bắt tay nhau” để áp chính sách này lên các doanh nghiệp lữ hành, gây khó khăn cho việc thiết kế, tổ chức tour. Khách đoàn từ TPHCM thường du lịch vào 2 ngày cuối tuần nên chỉ lưu trú đêm thứ Bảy rồi trả phòng vào trưa Chủ nhật. “Có khách sạn ở Mũi Né ban đầu từ chối cho thuê phòng 1 đêm nhưng cận ngày, có thể do ế khách, đã gọi lại hỏi chúng tôi còn nhu cầu không. Với kiểu làm ăn như thế, chúng tôi không thể xoay xở làm tour kịp” - ông nói.
Giám đốc một đơn vị lữ hành khác cho hay, khi tổ chức tour cho đoàn khách ở tỉnh Bình Dương đến biển Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), công ty cũng gặp tình trạng như trên. Trong bảng giá gửi đến đối tác, các khách sạn, resort ở thị trấn Long Hải nêu quy định: để được trợ giá phòng, khách đoàn phải ăn 2 bữa (sáng hoặc tối) tại nhà hàng của khách sạn.
Theo ông Võ Minh Trung - Giám đốc khách sạn Riverside Saigon - thông thường, hiện tượng này chỉ xuất hiện vào mùa cao điểm du lịch (từ tháng 6-8). Bên cạnh việc từ chối khách lưu trú ngắn ngày, các khách sạn còn có nhiều cách để gia tăng doanh thu như đóng hết các kênh đặt chỗ trực tuyến (booking online), hạn chế nhận khách lẻ, ưu tiên nhận khách đoàn lớn, có thời gian lưu trú dài. “Kiểu kinh doanh trên thường diễn ra ở các resort biển và các địa điểm du lịch ít cơ sở lưu trú, khách sạn. Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu không có kiểu làm này do ở đó có nhiều cơ sở lưu trú, chỗ này không nhận thì khách sẽ chọn chỗ khác” - ông Võ Minh Trung nói.
Cơ quan quản lý phải làm hết trách nhiệm Tại TP Đà Nẵng, chính quyền rất coi trọng xây dựng hình ảnh một thành phố du lịch. Từ năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng đã ban hành bộ quy tắc ứng xử áp dụng trong lĩnh vực du lịch. Trước đó 10 năm, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch quản lý hoạt động đánh giày, bán sách báo dạo, bán hàng rong và quản lý người lang thang, xin ăn. Những hành vi chèo kéo, chặt chém du khách đều bị xử lý nhanh, rốt ráo. Ngày 6/5 vừa qua, du khách T.T.T.D. (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phản ánh lên mạng xã hội vụ việc khách sạn Sea Sand Hotel 1 (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) bố trí phòng không đúng như thỏa thuận. Ngay sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ngũ Hành Sơn đã kiểm tra, xác định khách sạn trên vi phạm với hành vi “không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo hợp đồng đã giao kết với khách du lịch”, vi phạm quy định về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ lưu trú du lịch tối thiểu, xử phạt chủ khách sạn 20 triệu đồng, yêu cầu xin lỗi du khách. Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội (Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam) - để ngăn ngừa tình trạng kinh doanh du lịch chụp giật, cơ quan quản lý du lịch ở các địa phương phải thể hiện hết trách nhiệm, vai trò của mình, tăng cường thanh kiểm tra, nhất là vào những thời điểm đông du khách. Các hiệp hội du lịch cũng cần nâng cao vị thế, vai trò của mình đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Ở nước ngoài, nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển du lịch địa phương, hiệp hội sẽ trục xuất họ và ra cảnh báo với du khách, đối tác. |
Thuận Hóa - Quốc Thái - Đình Dũng