Kiều hối giảm kéo theo nhiều hệ lụy

04/11/2020 - 06:29

PNO - Lượng lớn kiều hối về Việt Nam đến từ xuất khẩu lao động, nguồn tiền này lại đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động của đại dịch COVID-19.

Kiều hối sẽ còn giảm 

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 người đi xuất khẩu lao động. Hiện có hơn nửa triệu người Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia, trong đó, phổ biến nhất là các nước Đông Á. Lượng tiền do người lao động gửi về Việt Nam từ 2,5-3 tỷ USD/năm (không tính lượng kiều hối do người Việt định cư ở nước ngoài gửi về).

Tiến sĩ Nina Yiu - chuyên gia quản trị doanh nghiệp tại TP.HCM
Tiến sĩ Nina Yiu - chuyên gia quản trị doanh nghiệp tại TP.HCM

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lượng kiều hối trên toàn thế giới năm 2020 sẽ giảm 20%. Sự sụt giảm này do suy thoái kinh tế và tác động đến tất cả loại hình kinh doanh. Riêng tại Việt Nam, dù lượng kiều hối mới chỉ giảm vài điểm phần trăm, nhưng nhiều khả năng sẽ tiến gần đến mức giảm trung bình toàn cầu khi các nước có thể tái áp dụng lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại... Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam do một trong những nguồn thu chính bị thu hẹp.

Kiều hối giảm, các hộ gia đình sống dựa vào nguồn tài chính từ xuất khẩu lao động sẽ phải “thắt lưng buộc bụng”. Theo một khảo sát của nhà cung cấp dịch vụ tài chính UniTeller, đối với các hộ gia đình này, kiều hối có thể cao gấp mười lần thu nhập thông thường của họ. Việc khó tránh khỏi hiện nay là một số gia đình sẽ phải vay tiền để trang trải. Tuy nhiên, đây lại chính là động lực khiến họ tìm cách đi xuất khẩu lao động và cố gắng kiếm nhiều tiền hơn trong tương lai.

Tiến sĩ John Walsh - Chủ nhiệm cấp cao ngành kinh doanh quốc tế tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT - cho rằng điều mà chính phủ các nước có thể làm là động viên người sử dụng lao động “dàn xếp” tốt với người lao động và hỗ trợ họ hồi hương khi tình thế yêu cầu.

Đối với người sử dụng lao động ở nước sở tại, điều nên làm là hỗ trợ người lao động nếu nhà máy hoặc nơi làm việc của họ phải đóng cửa, có thể giúp họ tìm việc ở nơi khác để giữ vững uy tín doanh nghiệp mình. Thế nhưng, thực tế là một số doanh nghiệp sẽ nhân cơ hội này bỏ rơi người lao động và thậm chí không trả đủ tiền lương. Với nguồn lực vốn hạn chế để hỗ trợ công dân mình trong tình huống này, theo ông Walsh, Chính phủ Việt Nam có thể kết nối với các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thêm thông tin.

Cơ hội từ xuất khẩu 

Trong khi thị trường xuất khẩu lao động thật sự khó khăn, có ý kiến cho rằng, đây là thời điểm để thúc đẩy hàng xuất khẩu trong nước, đặc biệt là các nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, thời trang...

Tiến sĩ John Walsh - Chủ nhiệm cấp cao ngành kinh doanh quốc tế tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT
Tiến sĩ John Walsh - Chủ nhiệm cấp cao ngành kinh doanh quốc tế tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT

Theo tiến sĩ Nina Yiu - chuyên gia quản trị doanh nghiệp tại TP.HCM - hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ thời trang của thế giới phải đóng hàng ngàn cửa hàng. COVID-19 khiến các đơn hàng may mặc giảm đáng kể và dự đoán sẽ giảm khoảng 70 - 80% tại thị trường Hoa Kỳ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà máy sản xuất thời trang và may mặc tại Việt Nam. 

Nhiều nhà máy may mặc Việt Nam đã chuyển sang sản xuất khẩu trang và đây là giải pháp tạm thời để vượt qua khó khăn. Mặc dù giá khẩu trang rất thấp và tỷ suất lợi nhuận không nhiều, nhưng các đơn hàng này giúp bù đắp chi phí lao động. Doanh nghiệp nên cân nhắc vận hành các dòng sản phẩm khác nhau và đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh sang những mặt hàng mới hoặc phát triển thêm thị trường. 

Ngoài ra, theo bà Yiu, việc chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực thời trang cũng sẽ là yếu tố quyết định. Chẳng hạn, tận dụng công nghệ điện toán 3D để giảm chi phí trong việc lên mẫu, chọn những màu sắc và số lượng để nhuộm sao cho có thể sinh lời bằng cách giữ lại vải chưa qua xử lý trong quy trình sản xuất sợi và vải có thể dùng để sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau.

Sau đại dịch, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ thấy nhu cầu đối với sản phẩm của họ - đặc biệt là hàng thời trang và dệt may - tăng lên, theo tiến sĩ Yiu. Cơ hội lội ngược dòng sẽ nằm ở việc phát triển thiết kế vải và sản xuất trong nước. Các nhà máy sản xuất nên kết hợp với các công ty thời trang liên doanh để tập trung đầu tư cho tương lai. Dù vẫn còn đại dịch, chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, giáo dục và các đơn vị kinh doanh vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác để phát triển bền vững trong lĩnh vực này. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI