edf40wrjww2tblPage:Content
Người ta cho rằng trong quá trình ly hôn và tiếp sau đó, nếu cha mẹ giữ được vẻ ngoài bình tĩnh và thân thiện thì cuộc chia tay của họ sẽ bớt phần làm tổn hại đến con cái. Nhóm các nhà khoa học của trường đại học Indiana với sự đứng đầu của Tiến sĩ Jonathan Bekmayer đã chứng minh sự thật trái ngược với kết luận này: rằng cuộc ly hôn của cha mẹ trong bất kỳ trường hợp nào cũng gây chấn thương lớn đối với trẻ.
Ly hôn có văn hóa là để tốt cho chính bản thân mình!
Nghiên cứu của các nhà khoa học được tiến hành với sự tham gia của 270 người đã từng ly hôn trong khoảng thời gian từ năm 1998 tới năm 2004 và mời họ tham gia vào chương trình “Cùng giáo dục trẻ sau ly hôn”. Trong cuộc phỏng vấn, 31% người được hỏi miêu tả mối quan hệ với chồng cũ hay vợ cũ của mình là “hợp tác và văn minh”, 45% gọi đó là mối quan hệ “thân thiện vừa phải” với những tình huống xung đột đôi khi vẫn xảy ra, 24 % tuyên bố rằng họ hiếm khi liên lạc với nhau và khi có liên lạc thì thường mâu thuẫn, xung đột.
Sau đó các nhà khoa học yêu cầu những người tham gia vào nghiên cứu kể lại những vấn đề cuộc ly hôn đã ảnh hưởng lên con của họ (những đứa trẻ con của họ khoảng độ 8 tuổi trong giai đoạn sự kiện xảy ra). Từ đó người ta nhận ra rằng, mọi đứa trẻ có bố mẹ ly hôn đều có nhiều khả năng sau đó có vấn đề về hành vi, kết quả học tập giảm sút, hay lo âu, trầm cảm và đôi khi bị nghiện ngập.
Điều quan trọng là mọi việc hoàn toàn không phụ thuộc vào chuyện bố mẹ có mối quan hệ thế nào trong thời gian ly hôn và sau đó. Điều đó cũng có nghĩa là mong muốn giữ gìn mối quan hệ tốt của các cặp vợ chồng đã ly hôn chẳng ảnh hưởng được gì lên tâm lý của những đứa con. Với chúng điều quan trọng nhất là bố mẹ đã ly hôn!
Kết quả của nghiên cứu này đã “lật đổ” những huyền thoại về “văn hóa ly hôn” mà nhiều nhà tâm lý học đã đưa ra: “Chúng ta từng hy vọng rằng trẻ em chịu đựng việc ly hôn của bố mẹ nhẹ nhàng hơn nếu bố mẹ chúng có thể giữ được mối quan hệ hòa bình với nhau.
Thế nhưng hành vi của các trẻ em từ những nhóm đối tượng này cũng không khác gì mấy so với với trẻ em của nhóm bố mẹ ly hôn trong xung đột - Tiến sĩ Jonathan Bekmayer, người đứng đầu nhóm nghiên cứu - phát biểu. Vì vậy các bậc phụ huynh ly hôn có thể tin rằng con của mình sẽ không đau khổ nhiều hơn nếu như mình không giữ được mối thân thiện với vợ cũ hay chồng cũ”.
Như vậy thì việc nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt với người cũ khi phải ly hôn cũng không phải là quá bắt buộc nếu trái tim của bạn không muốn điều này. Dù sao, việc ly hôn của bạn cũng luôn luôn ảnh hưởng đến con trẻ, và những "thỏa thuận" bên ngoài không làm dịu tình hình. Tránh những vụ cãi cọ và đập phá đồ đạc thực ra là để giúp bạn giữ gìn các dây thần kinh của chính mình mà thôi, đó chính là phát biểu của các chuyên gia.
Vì vậy, nhà tâm lý Mỹ Harry Benson đã nói trong cuốn "Các nguyên tắc cơ bản của hôn nhân": "Khi chia tay một cách văn hóa, các bậc cha mẹ có thể cảm thấy tốt hơn, nhưng điều đó là không đủ giúp cho con trẻ. Một cuộc ly hôn tốt đẹp - đó chính là điều không tưởng”.
Chẳng đứa con nào có lỗi khi bố mẹ ly hôn
Trước kia các nhà khoa học về xã hội Mỹ đã từng khẳng định rằng theo các số liệu thống kê được thì các cặp cha mẹ có con gái ly hôn nhiều hơn các cặp cha mẹ có con trai bởi vì thông thường các ông bố ít gắn bó với con gái hơn con trai. Điều đó sẽ khiến cho các cô gái có bố mẹ ly hôn cảm thấy như phần lỗi nào đó của mình trong sự đổ vỡ của gia đình. Còn các cậu con trai ít khi có cảm nhận giống như vậy.
Sự thật thì có không ít đàn ông thích có con trai bởi họ nghĩ rằng đó là sự tiếp nối huyết thống của gia đình và họ thường cảm thấy thất vọng khi vợ sinh con gái. Nhưng chuyện họ có gắn bó với con cái hay không thì ý thức này hoàn toàn không ảnh hưởng mạnh mẽ đến như vậy. Ngược lại người ta thấy rằng các ông bố có phần yêu thương, chiều chuộng con gái hơn con trai. Thế nhưng vì lẽ gì mà lại có những số liệu dẫn chứng rằng các gia đình có con gái kém bền vững hơn?
Cũng lại theo lý giải của các nhà khoa học thì các bào thai nữ thường cứng rắn hơn trong việc chống lại những cảm xúc stress của người mẹ. Các vấn đề của hôn nhân thường xuất hiện từ trước khi con cái ra đời. Và nếu trong trường hợp phụ nữ mang thai con trai thì stress dễ dẫn đến các trường hợp xảy thai hơn là khi cô ấy mang thai con gái. Có nghĩa là những đứa trẻ gái được sinh ra từ đau khổ của gia đình nhiều hơn những đứa trẻ trai!
Có một số liệu khác nữa chứng minh cho luận thuyết này: theo cuộc khảo sát từ năm 1979 tới 2010, những phụ nữ có xung đột với chồng thường sinh con gái và điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào việc họ còn sống với người đó tiếp tục hay là ly hôn.
Tạo hóa cấu tạo nên người phụ nữ mạnh mẽ và chắc chắn hơn để dành cho sự sinh nở. Và vì thế các cô bé, các cô gái và những người phụ nữ, đừng bao giờ tự lên án mình khi người cha của mình rời bỏ gia đình.
THIÊN DI