Kiều bào chỉ lỗi nông sản Việt ngon, bổ, rẻ vẫn khó xuất khẩu

15/02/2022 - 11:14

PNO - Đó là nhìn nhận của ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại “Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp Việt kiều, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp” vào tối 14/2.

Kết nối thông tin còn lỏng lẻo

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu cho biết, nhiều địa phương ở Việt Nam có sản phẩm nông lâm nghiệp rất đặc sắc nhưng bản thân người sản xuất không biết đầu mối để liên hệ đưa sản phẩm ra nước ngoài, kết nối của doanh nghiệp (DN) trong nước với thị trường cũng rất lỏng lẻo, tự phát dẫn đến DN Việt thâm nhập vào thị trường châu Âu rất vất vả. 

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Huê cũng cho hay, chúng ta có thể tận dụng tiềm năng các trung tâm thương mại thương tại các nước châu Âu để giao dịch quảng bá nông sản Việt tại các nước sở tại. Như tại các nước Đông Âu cũ có một trung tâm thương mại diện tích rộng hơn 30ha, do người Việt Nam điều hành và 70-80% người kinh doanh tại trung tâm này đều là người Việt Nam nhưng hàng hóa Việt có mặt tại trung tâm này chỉ khoảng 10-15%. Để có thể tận dụng tối đa hiệu quả các trung tâm thương mại, đưa nông sản Việt vào đây thì phải kết nối thông tin chặt chẽ với DN Việt tại đây vì họ là người nhập hàng và phân phối trực tiếp.

Nông sản Việt vẫn còn chập chờn trên sân chơi quốc tế
Nông sản Việt vẫn còn "chập chờn" trên sân chơi quốc tế (Ảnh minh họa)

Theo ông Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, hiện cà phê chiếm thị trường lớn tại Hàn Quốc, có tiềm năng đưa vào chuỗi tiêu dùng của nước này nhưng đa số cà phê Việt Nam đưa vào Hàn Quốc lại là cà phê thô. Chúng ta có thể áp dụng công nghệ của Hàn Quốc để nâng sản phẩm rồi đưa sản phẩm này sang Hàn Quốc. Hiện nay logistic bị đứt gãy, giá trị tăng lên, chúng ta có thể sử dụng cửa ngõ logistic của Hàn Quốc đưa hàng từ Việt Nam sang Hàn Quốc, sau đó từ Hàn Quốc đưa sang các nước châu Âu, Mỹ.

“Để nông nghiệp phát triển đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao, có thể đưa nguồn lực sang Hàn Quốc để học tập kinh nghiệm, mang ứng dụng khoa học kỹ thuật tại Hàn Quốc về Việt Nam. Nếu cơ quan, ban ngành ở Việt Nam tăng cường trao đổi, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa chuỗi cung ứng toàn cầu và chúng tôi sẽ là cánh tay nối dài cho các DN, cơ quan, ban ngành” - ông Trần Hải Linh cam kết.

Ông Võ Văn Long - Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Đức cho biết, người dân Đức ăn thực phẩm châu Á rất nhiều nhưng Trung Quốc và Thái Lan đang chiếm lĩnh thị trường. Đây là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam sang Đức, song Đức không lấy tiêu chí rẻ mà chú trọng tiêu chí chất lượng. "Muốn đưa hàng sang Đức thì kiều bào là cầu nối, điểm nhận hàng; chúng ta cần xây dựng kho bãi logistic tại đây để hàng hóa dễ phân phối và tôi cam kết sẽ sẵn sàng giúp đỡ để đưa nông sản thật nhanh, chất lượng sang Đức, ông Võ Văn Long gợi ý.

"Nên mang thế giới vào Việt Nam"

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ - Trường đại học Năng lượng quốc gia Moskva (Nga), để đưa được nông sản Việt Nam ra thế giới thì phải đưa công nghệ từ thế giới vào Việt Nam vì đây là con đường ngắn hơn so với việc "đem Việt Nam ra thế giới". Nông sản Việt Nam ngon nhưng thiếu công nghệ, cán bộ trí thức giỏi nhưng do thiếu công nghệ áp dụng nên thiệt thòi. Nguồn lực kiều bào sẽ không đủ để giải quyết bài toán nông sản Việt Nam mà cần khai thác thêm lực lượng tri thức, công nghệ nước ngoài.

“Chúng ta đang thua ngay trên chính sân nhà khi các điểm bán nông sản lại đầy hoa quả Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ… Đây không phải thiếu công nghệ mà chúng ta đang thua chính nhận thức của mình. Chúng tôi có nhiều phát minh kỹ thuật trong nông nghiệp, có áp dụng tại Việt Nam để giảm chi phí, nâng chất lượng nhưng khi đăng ký bản quyền thì Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam từ chối với lý do thế giới đã có sản phẩm tương tự. Khi chúng tôi xem văn bản Cục gửi sang thì mới thấy Cục đang nhầm lẫn hoàn toàn và chúng ta đang thua vì nhận thức chứ không phải điều gì khác” - GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ.

Nông sản xuất khẩu sang nước bạn phần lớn là dạng thô do thiếu công nghệ chế biến sâu
Nông sản xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là dạng thô do thiếu công nghệ chế biến sâu (Ảnh minh họa)

Đánh giá những góp ý của các kiều bào, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận nông sản nước bạn luôn được bày bán ở nơi sang trọng, còn nông sản Việt lại đang “chập chờn” ở sân chơi quốc tế. Chúng ta "đưa Việt Nam ra thế giới" nhưng phải song song "đưa thế giới về Việt Nam", điều này đòi hỏi trách nhiệm của Bộ phải hành động nhanh một chút, "theo gió" đưa nông sản bay xa chứ không để "gió xô" nông sản trở lại.

“Kiều bào yêu quê hương bằng những câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị, ăn nông sản của nông dân là đã yêu quê hương, bán được nông sản của nông dân, đem ý tưởng tinh hoa của các nước hiện đại về nước mình dù là một sáng kiến nhỏ, một công nghệ nhỏ cũng là yêu nước; những vấn đề góp ý, gợi ý, phiền trách thì cũng là yêu nước. Cái giá đó không đánh đổi bằng tiền mà là giá trị rất cao quý, rất mong cộng đồng kiều bào nước ngoài tiếp tục có những sáng kiến, đóng góp cho ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Lê Minh Hoan nhận định.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI