Kiều bào băn khoăn đại học Việt Nam sẽ đánh mất người tài

30/11/2018 - 11:33

PNO - "Nếu giáo dục đại học Việt Nam không thay đổi sẽ vẫn tụt hậu và đánh mất người tài" - đó là ý kiến của các kiều bào tại cuộc họp với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

Chiều 29/11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức hội nghị “Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM”. Các kiều bào cho rằng, nếu không thay đổi thì giáo dục đại học Việt Nam vẫn tụt hậu và đánh mất người tài.

Ông Peter Hồng, kiều bào Úc, Chủ tịch BankPay Việt Nam, cho biết, ông rất trăn trở khi hằng năm có rất nhiều học sinh phải ra nước ngoài học đại học (ĐH) và ở lại nước ngoài.

“Chúng ta có 13 quán quân xuất sắc từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đi học ở Úc. Tôi chỉ khuyên được một em chịu trở về nước làm việc. Nhưng không được mấy năm, em đến xin lỗi tôi để trở lại Úc”, ông Peter Hồng kể. Mỗi năm, Việt Nam có trên 100.000 sinh viên du học, tốn từ 3,5-4 tỷ đô la Mỹ. 

Ông Võ Thành Sơn, kiều bào Bỉ nêu: Việt Nam có 237.000 cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp, phải đào tạo lại tốn rất nhiều chi phí. Vì sao? Vì học vẹt từ phổ thông lên ĐH. Sức khỏe của giới trẻ Việt Nam cũng kém vì không rèn luyện thể lực, đạo đức cũng xuống cấp. Sinh viên không được rèn luyện nên thiếu tính tự lập. Giáo dục của chúng ta cần đưa năng lực tự học ngay từ lớp mẫu giáo, rèn luyện kỹ năng và kỷ luật bản thân, cho con trẻ tham gia các chương trình thiện nguyện…

Kieu bao ban khoan dai hoc Viet Nam se danh mat nguoi tai
Tiến sĩ Nguyễn Chí Hùng, kiều bào Đức phát biểu tại hội nghị

Về chuyện sinh viên thiếu kinh nghiệm, tiến sĩ Nguyễn Chí Hùng, kiều bào Đức, đề xuất Bộ GD-ĐT thử xét lại các giáo sư ở các trường ĐH xem có bao nhiêu người có kinh nghiệm kỹ nghệ đang đứng lớp giảng dạy. “Tôi cho là không nhiều”, ông Hùng nói.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận: chương trình giáo dục phổ thông còn hàn lâm nên khó triển khai các phương pháp học tập mới, dẫn đến học sinh thụ động. 

Giáo sư Đặng Lương Mô, kiều bào Nhật, so sánh những con số biết nói của giáo dục ĐH Việt Nam và Nhật Bản: với 235 ĐH, 1,76 triệu sinh viên, 97 triệu dân thì Việt Nam đang ở mức 181 sinh viên/10.000 dân (1,81% dân số). Còn ở Nhật Bản, tỷ lệ này là 2.556.000 sinh viên/126.570.000 dân (đứng thứ 11 trên thế giới). 

Nhưng nếu so sánh về số trường ĐH, sẽ thấy một sự chênh lệch đáng kể: Nhật Bản có 781 trường ĐH và 352 trường cao đẳng. Chỉ kể trường ĐH (bốn năm học trở lên) thì ở Nhật Bản cũng nhiều hơn gấp 2,5 lần so với Việt Nam, nhưng số lượng sinh viên chỉ nhiều hơn khoảng 10%. Điều này có nghĩa là nhiều ĐH Việt Nam có số sinh viên rất đông. 

Với một nền kinh tế chỉ bằng 1/22 Nhật Bản mà Việt Nam ôm một lượng sinh viên ĐH và đào tạo ra một lượng cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ có lẽ là gấp nhiều lần nhu cầu, nên mới xảy ra tình trạng tốt nghiệp ĐH, thậm chí thạc sĩ, mà vẫn không có việc làm hoặc phải làm những việc không đúng chuyên môn.

Theo giáo sư Đặng Lương Mô, việc không đảm bảo điều kiện về người thầy và cơ sở vật chất, cố “gồng” số lượng lớn sinh viên sẽ khiến chất lượng đào tạo khó nâng cao. Giải pháp để giáo dục ĐH Việt Nam phát triển là phải đầu tư về con người, đặc biệt phải để các trường được tự chủ từ học thuật đến nhân sự. 

Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, kiều bào Hàn Quốc, CEO Công ty Kobec, dẫn chứng: tại Hàn Quốc, trường ĐH được tự chủ hoàn toàn, từ học phí, chương trình đào tạo, tuyển dụng… Các trường công nhận ngân sách nhưng vẫn được tự chủ, cuối năm sẽ báo cáo. Giáo dục ĐH Việt Nam cần học ngay cách xã hội hóa trong giáo dục ĐH của Hàn Quốc. Các trường ĐH được tài trợ nghiên cứu từ doanh nghiệp rất nhiều. Doanh nghiệp có nhu cầu sẽ lên đề án, các trường ĐH đấu thầu nghiên cứu, thực hiện, chuyển giao... Họ sẵn sàng dành phần trăm cho các giáo sư. Thế thì tại sao chúng ta không tận dụng nguồn lực này để phát triển? 

Tiêu Hà 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI