Kiệt tác để đời của một danh họa không chỉ là các bức họa

19/05/2024 - 07:14

PNO - Năm 2024, thế giới kỷ niệm 150 năm trường phái Ấn tượng ra đời (năm 1874, tại Paris, Pháp). Nhưng với danh họa Claude Monet - “chủ soái” của trường phái hội họa Ấn tượng - thì: “Khu vườn của tôi là kiệt tác đẹp nhất đời tôi”.

Thật vậy, bên cạnh rất nhiều tuyệt phẩm hội họa mà danh họa Claude Monet (1840-1926) sáng tác, bao giờ người ta cũng nhắc đến “tác phẩm” kỳ vĩ nhất ông từng tạo tác: “Khu vườn của Monet”, tọa lạc ở Giverny - một xã trong vùng hành chính Normandie (Pháp).

Ngay từ thuở đương thời, bị thu hút bởi danh tiếng ngày càng tăng của Claude Monet, các nghệ sĩ và người mộ điệu quốc tế bắt đầu “hành hương” đến “Khu vườn của Monet” để chiêm ngưỡng bối cảnh thực địa tạo nên vô vàn bức tranh phong cảnh vừa đời thường vừa “thoát tục” theo kiểu Monet.

Danh họa Claude Monet đứng cạnh vườn nước của ông, trong “Khu vườn của Monet” tọa lạc ở Giverny (Pháp)
Danh họa Claude Monet đứng cạnh vườn nước của ông, trong “Khu vườn của Monet” tọa lạc ở Giverny (Pháp)

Lúc đầu, Monet sẵn sàng chào đón du khách nhưng rồi họ đến quá đông khiến ông cảm thấy choáng ngợp và dần dần về sau, ông chọn “ẩn trú”, hoàn toàn tập trung vào việc vẽ tranh.

“Khu vườn của Monet” có gì mà hút hồn đến tận ngày nay?

Điền trang của Monet rộng lớn và được bao phủ bởi các khu vườn đủ kiểu, về cơ bản được chia thành 3 loại: vườn hoa xung quanh nhà Monet, vườn nước nằm bên kia đường và vườn rau.

Monet yêu thích các loại hoa và vườn hoa của ông có rất nhiều luống. 53 luống được dành để trồng các loại cây đơn sắc và đa sắc, thường được ví von là “luống bảng màu” của Monet. Ngoài việc tạo cảm hứng màu sắc cho hàng loạt bức tranh của người nghệ sĩ cả đời yêu phong cảnh thiên nhiên, những luống này còn cung cấp hoa cho từng phòng trong nhà ông. Ông đặc biệt thích hoa diên vĩ, thường trồng chúng dọc các lối đi, trên bãi cỏ trong vườn cây ăn trái và gần ao hoa súng của vườn nước.

Ngay khi vừa đến Giverny (năm 1883), Monet nhanh chóng tiến hành kiến tạo các khu vườn. Tuy nhiên, phải đến năm 1895, ông mới được cơ quan địa chính Giverny thuộc Normandie cấp phép xây dựng một cái ao lớn trên đất của mình, bằng cách quy hoạch chuyển một phần kênh Ru từ phụ lưu sông Epte dẫn nước vào ao. Điều này thực ra gây khá nhiều xáo trộn vì kênh Ru cũng là một con lạch được dân làng sử dụng cho cuộc sống hằng ngày. Nông dân địa phương lo ngại rằng những loài thực vật kỳ lạ trong vườn hoa của Monet sẽ đầu độc nước, giết chết gia súc của họ. Hẳn nhiên, những nỗi lo ấy không có cơ sở. Trước sự thất vọng của người dân địa phương, Monet đã thắng thế và đạt được điều mình muốn. Về phương diện tạo hình, vườn nước của Monet chịu ảnh hưởng rất lớn từ kiểu thiết kế sân vườn Nhật Bản, phản ánh niềm đam mê mãnh liệt của ông đối với các bản in khắc gỗ đương đại. Vườn nước tạo điều kiện lý tưởng cho hoạt động theo đuổi sáng tạo dài lâu của Monet, với việc nắm bắt từng sự thay đổi về ánh sáng cảnh quan trong ngày và với các mùa. Khu vườn nước về sau chính là một trong những di sản lâu dài nhất của Monet.

Khu vườn nhà bếp của Monet nằm cách nhà ông một đoạn ngắn. Nó được bao quanh bởi những khóm hoa mẫu đơn. Vườn rau cung cấp thực phẩm cho đại gia đình của Monet gần như quanh năm.

Bức tranh Hoa súng - Mặt trời lặn  Claude Monet vẽ trong giai đoạn 1920-1926
Bức tranh Hoa súng - Mặt trời lặn Claude Monet vẽ trong giai đoạn 1920-1926

Người làm vườn vĩ đại

Cuộc thử nghiệm làm vườn vĩ đại của Monet bắt đầu vào năm 1893 nhưng làm vườn đã luôn là trọng tâm trong cuộc sống của Monet trước đó. Dẫu vậy, phải đến khi sinh sống ở Giverny, Monet mới bắt đầu làm vườn với quy mô chưa từng có.

Theo thời gian, Monet đã tăng diện tích ao của vườn nước lên gấp 3 lần so với ban đầu; xây thêm 4 cây cầu; trồng thêm tre, đỗ quyên, táo Nhật, anh đào, liễu. Trong nhiều năm, ông từng chi một số tiền lớn (khoảng 40.000 franc Pháp mỗi năm) cho khu vườn của mình, xây dựng nhà kính với hệ thống sưởi ấm chuyên dụng cho hoa súng và thuê một nhóm người làm vườn để chăm sóc quanh năm. Tình yêu và nỗi ám ảnh của Monet đối với hoa súng là không có giới hạn, đến mức khi những chiếc ô tô đi ngang qua làm hoa súng trong vườn bị bụi bám vào, Monet đã chi tiền để trải nhựa con đường gần đó.

Khu vườn của Monet” vẫn phát triển cho đến ngày nay, được bảo tồn cho hậu thế và có gần 630.000 du khách ghé qua mỗi năm. Họ đến để đắm mình vào thế giới của Monet - một thế giới đầy sáng tạo trong 43 năm làm vườn của người nghệ sĩ vĩ đại.

Không có sự ngẫu nhiên nào trong việc sắp xếp các luống hoa, lối đi trong vườn, ao hoa súng, cầu đi bộ... Nếu nhìn vào các bức vẽ mà Monet từng thực hiện ở khắp các khu vườn của mình, với nhiều màu sắc nổi bật và phối trộn trong cảnh quan tự nhiên sẽ thấy rõ điều này.

Đáng chú ý, ông đã hợp tác với nhà thực vật học Joseph Bory Latour-Marliac để nhập những loài hoa lạ về cho vườn nước. Lô hoa súng màu hồng và màu vàng đầu tiên xuất hiện vào năm 1894 là một giống mới, kết quả của việc lai tạo hoa loa kèn nước màu trắng từ các vùng khí hậu phía bắc với các giống nhiệt đới rực rỡ hơn từ vịnh Mexico. Khi hoa súng màu hồng và màu vàng bắt đầu phát triển và nở hoa, Monet đặt mua một loạt giống hoa màu đỏ để cân bằng màu sắc và bố cục cho toàn bộ cảnh quan. Chỉ khi ấy, Monet mới sẵn sàng và bắt đầu vẽ loạt tranh hoa súng nổi tiếng.

“Raphael của nước”

Với các bức tranh phong cảnh nước của Monet, giới phê bình thấy rõ sự nhạy bén về thị giác và giác quan của người “nghệ sĩ làm vườn”, khi kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật vẽ điêu luyện và bố cục sáng tạo cảnh quan.

Họa sĩ Édouard Manet (1832-1883) - một trong những nhân vật then chốt trong sự chuyển giao từ trường phái Hiện thực tới trường phái Ấn tượng - đã gọi Monet là “Raphael của nước” (danh họa Raphael người Ý, cùng với Michelangelo và Leonardo da Vinci đã hình thành bộ ba bậc thầy vĩ đại vào thời Phục hưng). Bởi chính ở Giverny, trong vườn nước của mình, Monet đã tập trung toàn lực vào chủ đề này, tận dụng hết khả năng hình ảnh từ những hiệu ứng thoáng qua của ánh sáng trên bề mặt thực vật thủy sinh và độ sâu của ao.

Bức tranh Hoa súng - Những đám mây  Claude Monet vẽ trong giai đoạn 1920-1926
Bức tranh Hoa súng - Những đám mây Claude Monet vẽ trong giai đoạn 1920-1926

Trong 15 năm đầu tiên ở Giverny, Monet đã xây dựng từng bước toàn bộ khu vườn rộng lớn của mình nhưng không vẽ nhiều về nó, cho đến khi ông hoàn thiện 2 kiệt tác của đời mình: thế giới hoa của vườn hoa và thế giới nước của vườn nước.

Bắt đầu từ năm 1904, Monet coi nước và sự phản chiếu của nước có vai trò lớn hơn nhiều trong các sáng tác của mình và cuối cùng, để toàn bộ bố cục các bức tranh là nước kể từ năm 1905. Đối với loạt tranh này, ông đã vẽ hơn 200 bức với chủ đề hoa súng (hoa loa kèn nước) và toàn bộ ao nước sẽ lấp đầy bức tranh; không có phối cảnh thường thức và bầu trời tồn tại thông qua sự phản chiếu. Đó là một sự thay đổi về bố cục mang tính “địa chấn” với chính Monet và cả với họa giới. Những bức tranh phong cảnh nước của Monet đều là những bức tranh “lộn ngược”, vì bầu trời ở phía dưới và phong cảnh với sự phản chiếu của các tán lá ở trên cùng.

Năm 1909, Monet có cuộc triển lãm Les Nymphéas: Séries de paysages d'eau/The Water Lilies: Series of Waterscapes (Hoa súng, loạt phong cảnh nước) với 48 bức tranh cùng chủ đề, ra mắt tại phòng trưng bày Durand-Ruel ở Paris, nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của giới phê bình và thành công vang dội. Từ cột mốc đó, Monet mặc nhiên trở thành họa sĩ vĩ đại nhất nước Pháp, đồng thời cũng là người làm vườn nổi tiếng nhất nước Pháp.

Sau khi Monet nổi tiếng, người ta vẫn thấy ông tiếp tục hiện diện thường trực trong “Khu vườn của Monet”. Đó là một người đàn ông hồng hào, cường tráng, bất chấp thời tiết, tẩu thuốc ngậm chặt trong miệng, đôi bàn tay hầu như lúc nào cũng lấm lem đất hoặc màu vẽ. Monet có lẽ là nghệ sĩ duy nhất đã tự tạo ra phong cảnh để vẽ.

Châu Quang Phước - Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI