Kiệt tác 2.000 năm và một số phận bị lưu đày

13/11/2019 - 15:10

PNO - Nhiều quốc gia đã chuyển ngữ tác phẩm này từ ngàn năm trước, đến nay Việt Nam mới có được bản dịch đầy đủ.

Ovide (tên tiếng Latinh: Publius Ovidius Naso) ra đời vào năm 43 trước Công nguyên, trong một gia đình La Mã thượng lưu. Ông viết Metamorphoseon khoảng năm thứ 8 trước Công nguyên, và đây được xem là một kiệt tác vượt thời gian, từng tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ tạo hình, các nhà văn nổi tiếng thế giới. Thậm chí một số tác phẩm của Shakespeare, Titan, Salman Rushdie, Milton, Bulgakov, Goethe… cũng chịu ảnh hưởng từ Ovide. 

Tác phẩm thể hiện như sử thi, gồm 15 thiên với hơn 12.000 dòng thơ. Ovide diễn tả những nghịch lý lạ lùng nhất trong tâm hồn con người khi họ rơi vào những tình huống bi đát: yêu bóng mình, yêu người đồng giới, yêu người đồng huyết thống, hoặc tình yêu và cái chết diễn ra trong cùng một thời điểm. 

Kiet tac 2.000 nam va mot so phan bi luu day
Kiệt tác văn chương Biến thể - Metamorphoseon của Ovide

Metamorphoseon của Ovide có “trận hồng thủy”, nhà tiên tri Tirésias, vua Pentheé, nữ thần Tisiphone, thần Dê Marsyas, hoàng hậu Niobé, nữ thần Vénus, thần Giấc ngủ, những con chim Memnonide, các nàng tiên biển… Không gian thuộc về những nhân vật huyền thoại của Hy Lạp - La Mã cổ đại, nhưng phảng phất trong đó là tư tưởng hết sức tiến bộ, về sự bình đẳng nam nữ, ca ngợi tình yêu tự do, phản ánh cả vấn đề đồng tính, chuyển giới…

Mỗi câu chuyện tình yêu đều đầy chất thơ, chất họa, trong cái bi có cái đẹp trác tuyệt của tạo hóa. Chuyện về chàng Narcisse có vẻ đẹp tuyệt mỹ nhưng tự yêu bóng mình và chết trong tuyệt vọng, nàng Écho vì cất tiếng bảo vệ tình yêu của người khác mà chịu lời nguyền mất đi giọng nói, không còn khả năng lên tiếng thổ lộ tình cảm của chính mình…

Tiếp cận với tác phẩm của Ovide, người đọc quả thật bất ngờ với một tư tưởng vượt thoát khỏi những định kiến từ thời cổ đại. Nhưng cũng chính vì dám bước ra khỏi những khuôn khổ hà khắc của luật tục, mà hoàng đế đầu tiên của đế chế La Mã - Augustus đã đích thân ra lệnh lưu đày Ovide ở vùng Biển Đen xa xôi, với lý do tác phẩm của ông có ảnh hưởng đến chính sách “cải cách đạo đức” của nhà vua. Trong đó, nguyên nhân nổi bật chính là cuốn thơ Ars Amatoria (Nghệ thuật yêu đương, tác phẩm cũng được chuyển ngữ sang tiếng Việt) đã truyền cảm hứng dám yêu, dám sống, ca ngợi tình yêu tự do, nhất là tiếng nói bảo vệ phụ nữ. 

Như một cuộc tìm về và “khai quật” văn chương thời Hy Lạp - La Mã cổ đại, Metamorphoseon mang đến cho người đọc một giá trị ngàn năm. Tác phẩm vẫn sống trong lòng của người hâm mộ đương thời và được hậu thế tôn vinh. Bản thảo này từng bị chính tác giả đốt bỏ trước khi rời La Mã, nhiều tác phẩm của ông cũng âm thầm biến mất khỏi thư viện thành phố. May mắn là nhiều phiên bản chép tay đã được bạn bè, độc giả hâm mộ lưu giữ. Ovide đã qua đời tại vùng đất bị lưu đày, sau mười năm sống trong cô độc, đau khổ mà chưa một lần được trở lại Roma. Trong những năm tháng buồn chán, ông vẫn tiếp tục viết Fasti (Lễ hội), Tristia (Buồn), Epistulae ex Ponto (Thư từ Bắc Hải).

Dịch giả Quế Sơn đã dành hơn ba năm để chuyển ngữ Metamorphoseon sang bản tiếng Việt, nhưng là dưới dạng văn xuôi, có tựa mới là Biến thể - Những huyền thoại Hy-La chọn lọc và kể lại (nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM). “Ovide viết Metamorphoseon từ cách đây hơn 2.000 năm, nhưng nội dung không cổ hủ, lạc hậu hay khó đọc, mà ngược lại rất tươi mới, phản ánh những vấn đề có thể phù hợp với cả thế kỷ này. Nhiều quốc gia đã chuyển ngữ tác phẩm này từ ngàn năm trước, đến nay Việt Nam mới có được bản dịch đầy đủ. Tiếc là chúng ta không có cơ duyên tiếp cận tác phẩm này sớm hơn” - dịch giả Quế Sơn nhận định. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI